Nhà tài trợ: GEF/UNIDO
Cơ quan điều phối: Ban quản lý Dự án “Trình diễn áp dụng BAT/BEP trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về POPs” (MONRE)
Đối tác thực hiện: VNCPC (chủ trì), Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sắc màu Việt Nam (Vinacolour), Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Việt Trung
Lĩnh vực: Tái chế rác thải nhựa
Khu vực: Miền Bắc Việt Nam
Thời gian: 2018 – 2020
Mục tiêu
Mục đích của gói thầu là khảo sát, nghiên cứu khả thi, xác định và áp dụng thử nghiệm giải pháp BAT/BEP nhằm cải tiến quy trình sản xuất, giảm lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, đồng thời giảm phát thải các chất POP không chủ định do các hoạt động đốt chất thải nhựa ngoài trời.
Các hoạt động chính
- Khảo sát, đánh giá hoạt động tái chế nhựa tại 2 làng nghề;
- Đề xuất các giải pháp BAT/BEP nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tác động môi trường;
- Lắp đặt, chạy thử và hiệu chỉnh 02 dây chuyền mới tại 2 làng nghề, nâng cấp 01 dây chuyền tại Phan Bôi;
- Lắp đặt, chạy thử và vận hành dây chuyền tái chế nhựa thải nhằm tạo ra các sản phẩm có ích như gạch ngói, hàng rào…
- Tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các hộ gia đình.
Kết quả
Hoạt động đã triển khai
Khảo sát, đánh giá hoạt động tái chế nhựa tại 2 làng nghề
Trong thời gian từ tháng 5 – 8/2019, nhóm chuyên gia của liên danh nhà thầu đã tiến hành các đợt khảo sát tại 108 hộ thuộc 2 làng nghề Minh Khai và Phan Bôi, tập trung vào các nội dung sau:
- Cập nhật tình hình hoạt động sản xuất và kinh doanh liên quan đến phế thải nhựa tại 2 làng nghề;
- Đánh giá quy trình sản xuất, hiện trạng lưu trữ và thải bỏ chất thải của các hộ tái chế nhựa;
- Đo đạc, đánh giá nhanh RECP nhằm đưa ra các giải pháp giúp các hộ cải thiện sản xuất.
Đề xuất các giải pháp BAT/BEP để cải tiến quy trình sản xuất tại 2 làng nghề
Dựa trên kết quả thu được từ các đợt khảo sát tại 2 làng nghề, các chuyên gia của liên danh đã đề xuất các giải pháp, từ đơn giản chi phí thấp, dễ thực hiện đến các giải pháp đầu tư lớn giúp các hộ có thể cải thiện sản xuất tùy thuộc vào năng lực tài chính và quy mô sản xuất của từng hộ. Các giải pháp đưa ra được tích hợp trong 03 dây chuyền, dự kiến sẽ lắp đặt tại 2 làng nghề như sau:
- Cải thiện 01 dây chuyền tái chế ở Phan Bôi, giúp hộ sản xuất có thể tận dụng một số máy móc thiết bị hiện có và không cần chi phí đầu tư lớn;
- Đầu tư mới 01 dây chuyền tái chế nhựa hiện đại ở Minh Khai với hiệu suất cao, phát sinh ít chất thải hơn, tiết kiệm tiêu thụ điện nước;
- Đầu tư mới 01 dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng như gạch ngói từ phế thải nhựa ở Minh Khai. Với dây chuyền này, chất thải rắn từ quá trình sản xuất của các hộ sẽ được thu gom cho mục đích tái chế.