Phát triển xanh và bền vững được xem là giải pháp mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp (DN) vừa có thể tiết kiệm nguyên nhiên liệu sản xuất, vừa thực hiện trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những DN đang cố gắng cải tạo hoạt động sản xuất của mình theo hướng xanh, sạch hơn thì vẫn còn rất nhiều DN chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này.
Từ việc dùng than, Công ty Dệt may 7 đã chuyển sang sử dụng củi trấu thân thiện với môi trường
Hấp dẫn với lợi thế cạnh tranh
Ông Bùi Việt Dũng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre chia sẻ, thực tế hoạt động sản xuất tại công ty cho thấy phát triển xanh bền vững đang mang lại nhiều lợi ích cho DN. Cụ thể, công ty đã tận dụng lượng nhiệt thừa để làm nóng lại nước, giảm sử dụng nhiên liệu đốt để gia nhiệt. Mặt khác, các thiết bị tiêu hao nhiên liệu năng lượng được thay thế dần sang thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn. Toàn bộ quy trình hoạt động sản xuất của công ty cũng được cải tạo theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2008 và HACC… Việc tối ưu cách sử dụng nguyên vật liệu, tối ưu các quy trình sản xuất và phân phối giúp công ty giảm đáng kể giá thành sản xuất, từ đó tăng sức cạnh tranh nhờ giảm giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh cho DN trên thị trường.
Ông Thái Doãn Thất, Phó giám đốc Công ty Dệt may 7, Quân khu 7 cho biết thêm, cải thiện trang thiết bị máy móc, công nghệ dây chuyền sản xuất là rất quan trọng nhưng với xu thế hiện nay thì yêu cầu phát triển xanh còn đòi hỏi DN cần phải quan tâm đến việc tăng cường sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đơn cử, công ty đã chuyển sang sử dụng củi, trấu thân thiện với môi trường. Các máy móc mới được đầu tư phát huy hiệu quả tăng năng suất lao động lên 1,5 lần. Các máy nhuộm mới với dung tích nhuộm nhỏ để giảm tiêu hao nước, hóa chất nhiên liệu và thời gian. Ngoài ra, công ty cũng đã thực hiện lắp đặt hệ thống làm mát xí nghiệp dệt đảm bảo môi trường nhiệt độ làm việc giảm xuống từ 4 – 7 độ so với nhiệt độ môi trường; thiết kế nhà xưởng tận dụng ánh sáng tự nhiên để hạn chế sử dụng điện. Đặc biệt, với sản phẩm, công ty sử dụng loại vải không chứa các chất độc hại, không được làm ngứa da cho người tiêu dùng. Đây cũng là bí quyết giúp công ty ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và trên thế giới.Ông Đoàn Nguyên Khôi, Phó giám đốc Công ty TNHH Hóa nông Hợp Trí cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, yếu tố xanh, sạch rất quan trọng. Quy trình canh tác lúa cải tiến 5 bước của công ty đã được Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật trao giải nhì trong lãnh vực Nông Lâm Ngư nghiệp là một minh chứng cho mục tiêu bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên hợp lý của công ty. Số liệu thống kê cho thấy, với hiệu quả giảm 20% – 30% chi phí đầu tư thông qua việc giảm giống, giảm phân bón và giảm thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất, chất lượng tăng nên thu nhập của người trồng lúa tăng hơn 30% – 40% so với trước đây.
Bắt nhịp để phát triển bền vữngHiện nay, phát triển kinh tế ở Việt Nam dựa nhiều vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu nguyên liệu thô và sơ chế. Phát triển bền vững mặc dù là chủ trương lớn nhưng chưa được thực hiện triệt để. Xu thế phát triển xanh trên thế giới mở ra cơ hội cho Việt Nam có thể “đón đầu” đi thẳng vào phát triển kinh tế xanh, song cũng tạo ra thách thức tụt hậu xa hơn nếu không nắm bắt được cơ hội. Điều quan trọng chính là các DN có chủ động hội nhập và thể hiện trách nhiệm với xã hội hay không.
Kết quả khảo sát vừa được công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trên 20% các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 80% lượng rác thải đô thị đang phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp, không an toàn cho môi trường… Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân, nguyên Trưởng khoa Môi trường và sức khoẻ, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, điều này cũng lý giải cho việc Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm môi trường cao nhất, khoảng 200 – 230 ca/triệu dân/năm. Trong đó, ước tính có khoảng 16.400 – 18.800 ca bệnh có căn nguyên từ ô nhiễm không khí ngoài trời.
Có thể thấy, xu hướng phát triển xanh đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới. Việc DN hòa nhập với xu hướng này sẽ giúp tăng uy tín thương hiệu, đồng thời xóa bỏ rào cản kỹ thuật môi trường khi bước chân vào thị trường thế giới. Không chỉ vậy, DN đổi mới “xanh” còn có cơ hội thu hút đầu tư của các tổ chức phi chính phủ, các ngân hàng và các tổ chức tài chính… Để thực hiện mục tiêu phát triển xanh không nhất thiết DN phải đầu tư trang thiết bị hiện đại để giảm thiểu khí thải, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Chỉ bằng những hành động đơn giản: chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện. Và quan trọng nhất là ưu tiên tiêu dùng những sản phẩm, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường là đã giúp thực hiện được mục tiêu này.
Nguồn thiennhien.net