Người tiêu dùng đang bỏ lỡ công cụ tự bảo vệ mình

Dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực thi hành được hơn ba năm, nhưng nhiều người tiêu dùng (NTD) vẫn chưa nắm rõ hoặc chủ quan trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, dẫn đến những thiệt thòi không đáng có.

images1074530_42

 Trái táo và cam nhập khẩu chị Thu Hà (quận Thanh Xuân) mua về nhưng không sử dụng được

Ngày 2/10, chị Thu Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh với đường dây nóng của Báo Giao thông việc chị mua 3kg táo Ambrosia có xuất xứ từ Luvya New Zealand và 2 kg cam Nam Phi tại một siêu thị lớn ở Hà Nội. Sau khi mua, chị bảo quản hoa quả vào tủ lạnh, hai ngày sau mang hoa quả ra bổ mới té ngửa những quả táo nhìn vẫn tươi và ngon nhưng bên trong đã bị dập và thối hết. Còn những trái cam to, vàng ươm thì khô như rơm, không có chút hương vị của cam.
Bức xúc vì đã mua hàng tại siêu thị uy tín mà chất lượng quá tệ, nhưng chị Hà, cũng như hầu hết các bà nội trợ khác, đã không lưu giữ lại hóa đơn mua hàng hay bao bì đựng sản phẩm; chị cũng không sử dụng thẻ khách hàng khi mua hàng, do đó, rất khó để có căn cứ truy trách nhiệm của siêu thị đã bán hàng kém chất lượng.
Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) thừa nhận, nhiều người tiêu dùng sau khi mua hàng hóa không có thói quen lưu trữ hóa đơn, không sử dụng thẻ khách hàng… Điều đó dẫn đến việc dù có phát hiện các sự cố về chất lượng, giá cả hàng hóa, khách hàng “ở thế yếu” khi muốn đấu tranh cho quyền lợi của mình.
“Muốn đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng cần lường trước những tình huống sự cố có thể xảy ra, giữ lại những gì liên quan đến sản phẩm đã mua để có căn cứ truy tìm trách nhiệm liên quan đến sự cố”, ông Quảng khuyến cáo.
Một số đường dây tiếp nhận khiếu nại của NTD
Tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD của Cục Quản lý cạnh tranh: 04.39387846, 04.22205022 ; website: http://bvntd.vca.gov.vn
Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam: 04.35745757,
email: [email protected]
Sở Công thương và Hội Bảo vệ quyền lợi NTD các địa phương

Không chỉ chủ quan vứt bỏ các chứng cứ bảo vệ mình, đa số NTD Việt còn rất e dè, ngại ngần trong việc khiếu nại, tố cáo khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng. Ông Cao Xuân Quảng dẫn chứng, từ năm 2012 – 2014, trung bình mỗi năm, Sở Công thương và UBND cấp huyện chỉ tiếp nhận khoảng 300 khiếu nại của NTD, trong khi số vụ việc xâm phạm quyền lợi NTD mà cơ quan chức năng địa phương phát hiện lên tới hơn 90 nghìn vụ việc/năm.

“NTD vẫn có ý nghĩ “được vạ thì má đã sưng”, ngại phiền hà, rắc rối trong quá trình khiếu kiện. Nhưng thực ra, số vụ việc khiếu nại của NTD được giải quyết thành công chiếm tỷ lệ khá cao. Như năm 2013, các địa phương tiếp nhận 305 vụ khiếu nại thì đã giải quyết thành công 283 vụ”, ông Quảng cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD cũng thừa nhận thực tế, 80% vụ việc khiếu nại đến Hiệp hội đã được tư vấn giải quyết thành công, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhiều NTD bị thiệt hại thường bỏ qua hoặc không biết khiếu nại ở đâu. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền để NTD nhận biết được quyền lợi của mình, biết cách bảo vệ quyền lợi khi có sự cố xảy ra”, ông Hùng nói.
Theo Báo Giao Thông (giaothongvantai.com.vn)