Lộ trình gắn trách nhiệm doanh nghiệp với vòng đời sản phẩm
Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do mình đã bán sản phẩm đó ra thị trường Việt Nam.
Theo Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI), trung bình mỗi năm, một người Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1kg rác thải điện tử. Với 90 triệu dân, tổng lượng rác thải điện tử lên tới 90.000 tấn/năm.
Trong khi đó, nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, rác thải điện tử có nguy cơ “hủy diệt” môi trường (không khí, đất, nước) và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Cơ chế tác động của rác thải điện tử đến ô nhiễm môi trường chủ yếu do các thiết bị điện, điện tử cũ được tháo dỡ với công nghệ và thiết bị cũ, lạc hậu, thủ công, liên quan đến nhiều người lao động và chỉ tái chế các vật liệu thông thường. Việc thải bỏ chủ yếu qua phương thức bán, cho người sử dụng tiếp theo hoặc bán cho người thu gom, cửa hàng dịch vụ; giữ lại nhà hoặc vứt bỏ với rác thải sinh hoạt… Sự thiếu hụt các công nghệ tháo dỡ, tái chế, thải bỏ trong xử lý đã dẫn tới việc không kiểm soát được các thành phần không tái chế, đồng thời thiếu hụt những giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp là nguyên nhân chính gây ra tác động có hại của chất thải điện, điện tử đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Đứng trước mối lo ngại về môi trường và để ngành công nghiệp điện tử phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ.
Quyết định này áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ trên lãnh thổ Việt Nam. Quyết định cũng ban hành kèm theo danh mục sản phẩm thải bỏ, thời điểm thu hồi, xử lý. Quyết định nêu rõ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ. Điểm thu hồi là nơi tiếp nhận sản phẩm thải bỏ phù hợp quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có nghĩa là phải đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, chẳng hạn như tại điểm thu hồi thì sản phẩm thải bỏ được lưu giữ trong thùng kín, không rò rỉ, rơi vãi, phát tán ra môi trường. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do mình đã bán sản phẩm đó ra thị trường Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, đây là cơ sở pháp lý quan trọng quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên liên quan trong việc sản xuất, lưu thông, xử lý các sản phẩm thải bỏ. Quyết định này đã gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm do mình bán ra thị trường cho đến khi sản phẩm bị thải bỏ và được xử lý đảm bảo môi trường. Việc quy định trách nhiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và thân thiện với môi trường.
Để đảm bảo tính khả thi, Quyết định đưa ra lộ trình thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đủ thời gian cần thiết chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực thực hiện việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Theo đó, từ ngày 1/1/2016, tổ chức thu hồi và xử lý máy sao chụp giấy (photocopier), tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt và săm, lốp các loại thải bỏ. Tiếp đến, các loại phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, xe ôtô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1/1/2018.
Theo các chuyên gia, quyết định này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cụ thể, không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định hiện hành về quản lý chất thải. Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm và người tiêu dùng chắc chắn sẽ giúp đạt hiệu quả trong vấn đề xử lý sản phẩm thải bỏ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường./.
Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 9/8/2013 quy định thời điểm các sản phẩm thải bỏ phải thu hồi:
Từ ngày 1/1/2015: Bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; máy vi tính, màn hình máy vi tính, cục CPU, máy in, máy fax, máy scan, máy chụp ảnh, máy quay phim, điện thoại di dộng, máy tính bảng, hóa chất sử dụng trong công – nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người.
Từ 1/1/2016: Máy Photocopy, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ, săm lốp ôtô các loại.
Từ ngày 1/1/2018: Xe gắn máy, xe ôtô các loại.
Theo VEN