Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, Phạm Hồng Điệp là một trong số ít những doanh nhân chọn cho mình một con đường đi khó, khi xây dựng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) dựa trên ý tưởng về một khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, hài hòa với mạng lưới an sinh nông thôn. Một dự án tưởng như mạo hiểm như vậy, song đã đem lại cho Phạm Hồng Điệp danh hiệu “Hiệp sĩ môi trường” và minh chứng cho một ý tưởng có giá trị thời đại được nghiên cứu trong gần một thập kỷ, đồng thời đoạt Giải nhất cuộc thi “Sáng kiến bảo vệ môi trường toàn quốc năm 2005-2006”.Tuy nhiên, Nam Cầu Kiền chỉ là một trong số những dự án khu công nghiệp sinh thái hiếm hoi của Việt Nam, do chi phí đầu tư cho bảo vệ môi trường lớn khiến DN khó khăn hơn trong kinh doanh. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng đến mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” của Bộ cùng thực hiện với UNIDO kỳ vọng tạo ra một xu thế mới về đầu tư khu công nghiệp sinh thái trên cả nước, nhằm chống lại những tác động xấu của sản xuất công nghiệp đến môi trường.
Trước mắt, mục tiêu của dự án là tăng cường chuyển giao, triển khai và phổ biến các công nghệ và phương pháp thực hành phát thải ít carbon để giảm thiểu phát thải khí, các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và chất ô nhiễm nước, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng nước và quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp. “Nói một cách khác, chúng tôi hỗ trợ để biến các khu công nghiệp hiện tại thành các khu công nghiệp sinh thái”, ông Patrick Gilabert, đại diện UNIDO tại Việt Nam nói.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với UNIDO cũng đã quyết định chọn các Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), Khánh Phú (Ninh Bình) và Trà Nóc (Cần Thơ) làm thí điểm. Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các DN ứng dụng công nghệ hiện đại bảo vệ môi trường và giảm tiêu hao năng lượng tại các khu công nghiệp này sẽ nhận được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật.
Hiện các khu công nghiệp đang chiếm một tỷ lệ khá lớn về sản xuất công nghiệp của cả nước. 289 khu công nghiệp, trong đó gần 200 khu công nghiệp đang hoạt động đóng góp 39% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 34% kim ngạch xuất khẩu của cả nước tính đến cuối năm 2013, tạo việc làm cho 2,3 triệu lao động trực tiếp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình công nghiệp hóa và phát triển hệ thống khu công nghiệp quá nhanh đang gây ra những thách thức về ô nhiễm môi trường nước thải, chất thải rắn và khí thải.
Mặc dù Chính phủ đã có kế hoạch trong giai đoạn năm 2011-2015 toàn bộ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng hiện vẫn còn tới 91 khu công nghiệp chưa xây dựng hạng mục này. Nước thải công nghiệp tại các khu này được xả trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống xung quanh. “Từ trước tới nay, chúng ta chưa tập trung vào phát triển các khu công nghiệp sinh thái mà chỉ tập trung vào thu hút đầu tư. Bây giờ đã tới lúc phải thay đổi”, ông Đông nói.