Chung tay chống “chiến tranh mạng” và bảo vệ nguồn nước

“Chiến tranh mạng” đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới. Tương tự, tình trạng khan hiếm, ô nhiễm nguồn nước cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trên toàn cầu. Đây là 2 chủ đề quan trọng được thảo luận trong khuôn khổ Đại hội Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132) tại Hà Nội, ngày 29-3.

30032015_chungtaychongchientranhmang-500x375

 Các Nghị sĩ trẻ quan tâm đến chủ đề chiến tranh mạng và bảo vệ nguồn nước. (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Lo ngại tấn công mạng

Ủy ban Thường trực về hoà bình và an ninh quốc tế – IPU tại phiên thảo luận đã chỉ ra, việc sử dụng Internet và các hệ thống máy tính kết nối mạng ngày càng lớn dẫn đến sự gia tăng nhanh về số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng. Ngày nay, hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao. Đây cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam – đất nước có lượng người truy cập Internet đứng thứ hai ở Đông Nam Á. Gần đây, các website, cổng thông tin điện tử của Việt Nam thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công, phá hoại, đánh cắp thông tin của tin tặc.

Ông José Carlos Mahía, đoàn Uruguay – đồng báo cáo viên của Ủy ban Thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế cho rằng, những gì chúng ta biết về cuộc chiến này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Thảo luận về chiến tranh mạng là điều rất quan trọng, song vẫn phải đảm bảo tôn trọng quyền con người và quyền tự do cá nhân. Những ý kiến thảo luận tại IPU 132 lần này cần phải nêu ra được các biện pháp cụ thể có thể thực hiện trong tương lai gần.

Thảo luận về nội dung này, ông Wang Xiao Chu, đoàn Trung Quốc đề xuất, cộng đồng quốc tế cần phải hợp tác để xây dựng một không gian mạng an toàn, ổn định và thịnh vượng vì hòa bình và an ninh thế giới, phục vụ lợi ích cho tất cả các nước. Trong khi đó, đa số nghị sĩ trẻ các nước cho rằng, cần thiết phải có sự kết nối giữa Chính phủ các quốc gia, người dân trên toàn thế giới để đối phó với những cuộc tấn công mạng.

Đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước

Cũng trong sáng 29-3, tại Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Đoàn đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam do ông Nguyễn Đắc Vinh làm Chủ tịch đã góp ý vào chủ đề “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước”. Đoàn Việt Nam chia sẻ, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước đa dạng và phong phú nhưng trên thực tế, nguồn nước có thể sử dụng ngay lại có hạn và phân bố không đều. Nhiều vùng bị thiếu nước sạch sinh hoạt do ô nhiễm, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và các tác nhân khác. Do đó, Quốc hội cần có vai trò thúc đẩy hành động trong việc bảo vệ nguồn nước.

Thay mặt đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Đắc Vinh đề xuất tới IPU 132 nhiều giải pháp để quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, trong đó nhấn mạnh việc cần điều chỉnh luật pháp, chính sách về quản lý nguồn nước; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chia sẻ và tăng trữ nguồn nước xuyên quốc gia, đồng thời thúc đẩy cơ chế đối thoại giữa các nghị viện để tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế cho việc quản lý nguồn nước và nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.

“Nhiều dòng sông chảy qua nhiều nước khác nhau. Nếu chúng ta không có sự hợp tác, thống nhất thì rất nhiều nước trên cùng một dòng sông sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, vấn đề này cần được giải quyết trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các quốc gia” – ông Nguyễn Đắc Vinh nói.

Cam kết mạnh mẽ 

Điều hành phiên thảo luận chung của Đại hội đồng IPU 132 ngày 29-3, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, IPU 132 diễn ra vào năm 2015 – thời điểm chuyển giao quan trọng của cộng đồng thế giới với nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững, xác định các mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn các nghị viện, nghị sĩ thế giới tham dự IPU 132 sẽ thực sự “biến lời nói thành hành động,” thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong 15 năm tới.

Là người phát biểu đầu tiên tại phiên thảo luận chung, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng đã điểm lại một số thành tựu trong việc thực hiện 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) cũng như những tồn tại mà Việt Nam đang gặp phải như tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng.

Trong khi đó, Cố vấn đặc biệt, đại diện Tổng Thư ký Liên hợp quốc tham dự IPU132, bà Amina Mohammed nhấn mạnh, IPU 132 là thời điểm đi đến giai đoạn cuối cùng của quá trình đàm phán để định ra các mục tiêu phát triển bền vững sẽ được thông qua vào tháng 9-2015. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để định ra các biện pháp làm cho thế giới phát triển bền vững hơn, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành các phiên họp chung của IPU132Sáng 29-3, tại phiên họp của Hội đồng điều hành IPU132, theo giới thiệu của đoàn Pakistan và đề cử của đoàn Philippines, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đã được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng với trách nhiệm chính là điều hành tất cả các phiên họp trong khuôn khổ IPU132.

Theo Tiến Hưng/ An ninh Thủ đô