Chàng trai chế tạo gạch không nung từ giấy phế thải
Từ lâu, Hoàng Sang đã trăn trở, tìm giải pháp nghiên cứu, sản xuất ra nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Với nhiệt huyết sức trẻ và tinh thần luôn học hỏi, tìm tòi, sau 7 tháng nghiên cứu, Nguyễn Cao Hoàng Sang, sinh viên Trường Đại học Kiến Trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã chế tạo thành công sản phẩm gạch không nung từ giấy phế thải. Đây là loại vật liệu xây dựng được đánh giá có chất lượng bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và giảm sức lao động cho công nhân.
Sản phẩm gạch không nung làm từ giấy phế thải. (Ảnh: VOV.VN)
Từ lâu, Hoàng Sang đã trăn trở, tìm giải pháp nghiên cứu, sản xuất ra nguyên liệu thân thiện với môi trường. Qua tìm hiểu, những thế hệ sinh viên đi trước cũng đã chế tạo ra các loại gạch không nung bảo vệ môi trường nhưng hiệu quả chưa cao và giá thành không cạnh tranh được trên thị trường. Từ đó, Sang bắt tay vào nghiên cứu gạch không nung làm từ giấy phế liệu để đón đầu xu thế trong ngành xây dựng.
Ban đầu Sang đi gom giấy phế liệu từ khắp nơi, từ lớp học, quán photocopy, nhà sách… đem về ngâm vữa. Sau đó xay nhỏ và trộn với cát, ximăng để tạo thành hỗn hợp bê tông đúc gạch. Hai thành phần chính tạo thành gạch không nung này là chất kết dính và cốt liệu, tùy vào mục đích sử dụng mà thay đổi tỉ lệ cấp phối để tạo ra sản phẩm gạch không nung theo yêu cầu.
Nguyễn Cao Hoàng Sang cho biết: “Để đạt được hàm lượng cấp phối mong muốn thì em đã thí nghiệm rất nhiều mẫu, ghi chú lại và thí nghiệm nên để xem viên gạch có đạt được giá trị cường độ nén theo yêu cầu chưa, quá trình thí nghiệm được lặp lại nhiều lần. Em sẽ hiệu chỉnh hàm lượng cấp phối để sản phẩm có cấp phối tối ưu nhất, về chất lượng và giá thành.”
Sang đã chế tạo ra 2 loại gạch: loại để xây vách ngăn trong nhà và loại dùng để xây tường bao bên ngoài. Hai loại gạch nói trên sau khi được ngâm vào nước một tuần không bị bong tróc và vẫn đảm bảo độ cứng cần thiết; còn khi nung trên bếp dầu trong 30 phút vẫn không bị bắt lửa, không cháy ngầm.
Gạch không nung làm từ giấy phế liệu có quy trình sản xuất đơn giản, có thể ứng dụng cho các xưởng sản xuất gạch nhỏ, vốn đầu tư ban đầu thấp. Loại gạch này thân thiện với môi trường, đảm bảo khả năng chịu lực, cách âm, cách nhiệt rất tốt. Ưu điểm nổi trội của gạch làm từ giấy phế liệu là nhẹ. Vì vậy, công nhân thi công dễ dàng, chủ đầu tư giảm được chi phí làm nền móng.
Thạc sỹ Phan Thế Vinh, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Sang rất nhiệt tình, chịu khó mày mò ở phòng thí nghiệm để làm đủ thứ. Sản phẩm gạch không nung này nói chung là rất ưu điểm, nhẹ và cách âm cách nhiệt, vừa sử dụng được giấy tái chế, rất nhiều lợi ích. Giảm chi phí được công trình, tải trọng, nhân công. Gạch này nhẹ nên móng sẽ giảm đi, nhờ đó thi công sẽ nhanh hơn, quá trình thi công không bị độc hại.”
Sản phẩm này bán ra thị trường với giá rẻ và có nhiều ưu thế hơn 2 loại gạch không nung là gạch xi măng cốt liệu và gạch bê tông khí chưng áp hiện có mặt trên thị trường. Sang cho biết thêm: “Trong thời gian tới em sẽ hoàn thiện đề tài của mình để tính toán thêm các chất phụ gia cũng như tìm được cách phối tốt nhất cho sản phẩm gạch. Em cũng hy vọng có 1 đơn vị hoặc cơ sở sản xuất nào đó hỗ trợ em hoàn thiện sản phẩm gạch, tốt cho môi trường và giảm giá thành tối đa cho sản phẩm.”
Khi đưa vào sản xuất đại trà, gạch từ giấy phế liệu của Nguyễn Cao Hoàng Sang còn tận dụng được mùn thải ở các nhà máy giấy, giảm được nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đề tài cũng đạt giải Nhì – giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2014 do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với trường Đại học Quốc gia tổ chức; giải “Xây dựng bền vững” của cuộc thi Holcim Prize – giải thưởng dành cho những sáng tạo trong ngành xây dựng; giải thưởng Loa thành năm 2014, do Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức.
Theo vov.vn