Sản xuất sạch đã được triển khai như thế nào trên toàn quốc?
10 năm vừa qua, công tác triển khai áp dụng SXSH tại Việt Nam đã có được những thành công đáng kể. Mặc dù vậy, việc triển khai SXSH vào thực tiễn quản lý môi trường trong công nghiệp vẫn còn rất nhiều tồn tại và thách thức.
Từ tháng 8 năm 2010 đến tháng 2 năm 2011, Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong Công nghiệp (CPI) đã thực hiện khảo sát số liệu nền cho các mục tiêu trong chiến lược sản xuất sạch hơn với 63 Sở Công Thương và 9012 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên toàn quốc và thu được kết quả như sau:
Kết quả thực hiện đến năm 2015
Về việc đáp ứng mục tiêu 1 của chiến lược: Tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức về SXSH
Kết quả khảo sát năm 2015, có 55% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có biết về SXSH và lợi ích của SXSH với mức độ nhận thức khác nhau, từ việc nghe nói đến SXSH đến việc thực hiện áp dụng SXSH và thu được kết quả giảm định mức tiêu thụ nguyên, nhiên liệu đáp ứng mục tiêu chiến lược.
92% các doanh nghiệp có nhận thức về lợi ích của việc áp dụng SXSH đều nhận thức được lợi ích kinh tế và môi trường của việc áp dụng SXSH. Số còn lại (8%) mới nhận thức được SXSH mang lại lợi ích môi trường cho doanh nghiêp. Kêt quả khảo sát cũng cho thấy SXSH được biết đến tại tất cả các ngành sản xuất công nghiệp khảo sát (Mỏ và khai khoáng, thực phẩm và đồ uống, công nghiệp nhẹ, hóa chất, vật liệu xây dựng, luyện kim, thiết bị, tái chế, tài nguyên), không phân biệt quy mô (nhỏ, trung bình, lớn).
Về việc đáp ứng mục tiêu 2 của chiến lược: 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, giảm được tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm
Kết quả khảo sát năm 2015, có 32% doanh nghiệp cho biết có áp dụng SXSH, trong số đó có 24% cho biết đã giảm được tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm và 8% cho biết chưa thu được lợi ích nào rõ rệt. Nhóm 8% doanh nghiệp này có thể không sẵn sàng cung cấp thông tin về mức tiêu hao nguyên nhiên liệu do ảnh hưởng đến tính cạnh tranh.
Do quá trình khảo sát không thu được thêm thông tin xác minh bổ sung về lợi ích khi áp dụng SXSH với các doanh nghiệp cho biết đã áp dụng SXSH, cho biết chưa thu được lợi ích tiết kiệm rõ rệt nhưng vẫn cho biết lợi ích của SXSH là kinh tế và môi trường, tỷ lệ 24% doanh nghiệp áp dụng SXSH và giảm được tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị trong thực tế có thể lớn hơn so với kết quả tổng hợp ở trên.
Về việc đáp ứng mục tiêu 3 của chiến lược: Giảm 5-8% năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm
Kết quả khảo sát năm 2015, kết quả thực hiện mục tiêu này đa dạng, từ 0 đến 99% và ở tất cả các lĩnh vực nguyên liệu, hóa chất, điện, nước, than, dầu…. Tính đến thời điểm khảo sát, có 34% doanh nghiệp cho biết việc áp dụng SXSH đã giúp doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm từ 5% trở lên, số 66% doanh nghiệp còn lại có mức giảm tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm chưa rõ rệt hoặc dưới 5%.
Để tăng tỷ lệ doanh nghiệp giảm mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm trong các năm tiếp theo, hoạt động hướng dẫn SXSH của Sở Công Thương và các đơn vị tư vấn nên được hỗ trợ và tăng cường bằng các danh mục giải pháp tiết kiệm nước, điện, than, dầu thông thường, đồng thời tăng cường việc thực hiện các mô hình SXSH với các hỗ trợ tài chính đầu tư công nghệ.
Về việc thực hiện mục tiêu 4 của chiến lược: 90% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn trong giai đoạn 2016-2020
Mục tiêu này cần được định nghĩa rõ hơn để thuận tiện cho việc đo lường kết quả thực hiện trong thời gian tới cũng như xác định các hoạt động phù hợp để thực hiện mục tiêu.
Về việc thực hiện mục tiêu 5 của chiến lược: 70% Sở Công Thương có cán bộ chuyên trách có đủ năng lực hướng dẫn SXSH trong công nghiệp
Kết quả khảo sát năm 2015, có 73% Sở Công Thương có cán bộ chuyên trách có năng lực hướng dẫn sản xuất sạch hơn cho công nghiệp với các năng lực tương đối khác nhau, bao gồm 25% Sở Công Thương có cán bộ vừa được đào tạo thực hành hướng dẫn doanh nghiệp, vừa có hoạt động thực tế hướng dẫn doanh nghiệp tại địa phương và 48% Sở Công Thương hoặc là có cán bộ được đào tạo thực hành hướng dẫn doanh nghiệp, hoặc là có hoạt động thực tế hướng dẫn doanh nghiệp.
Để chất lượng hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng SXSH được nâng cao, qua đó tăng mức tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu cho các doanh nghiệp công nghiệp, trong thời gian tới cần có thêm các hoạt động tập huấn thực hành cho các cán bộ của Sở Công Thương, đặc biệt là các cán bộ được chỉ định làm đầu mối SXSH tại địa phương, cũng như tạo điều kiện và kinh phí cho các cán bộ này thu nhận thêm kinh nghiệm thực tế sau tập huấn về hướng dẫn SXSH, không chỉ là đánh giá nhanh mà còn bao gồm cả đánh giá chi tiết và triển khai mô hình SXSH.
Theo Sxsh.vn