Hà Tĩnh: Nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn cho doanh nghiệp
Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã có bước đột phá về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút nhiều DN công nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Tỉnh đã thu hút nhiều dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm mang tầm quốc gia như Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Fomosa, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng… Bên cạnh đó, việc thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đã góp phần gia tăng các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Theo số liệu thống kê, đến hết ngày 31/12//2014 toàn tỉnh có gần 17.000 cơ sở sản xuất công nghiệp. Đây là những cơ sở sẽ được tỉnh ưu tiên trong các chương trình triển khai thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 và Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 04/11/2011 phê duyệt Kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn.
Ông Nguyễn Hiền Lương – Phó giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Trong giai đoạn 2012-2015, Sở Công Thương đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp từ tuyên truyền đến đánh giá nhanh, đánh giá chi tiết sản xuất sạch hơn. Ngân sách của tỉnh dành cho các hoạt động này lên đến 1.465 tỷ đồng. Trong đó, chúng tôi xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng vào sự thành công của Chương trình và phải đi trước một bước để từ đó tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, tiến tới thay đổi trong hành động của DN”.
Theo đó, công tác thông tin tuyên truyền được xây dựng và triển khai thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như báo, đài truyền hình, bản tin, tờ rơi… Đặc biệt, trong giai đoạn 2012-2015, Hà Tĩnh đã tổ chức được 16 lớp tập huấn với 3.152 lượt người tham dự trong đó có 2.652 lượt người từ các DN, hợp tác xã và hộ sản xuất cá thể. Bên cạnh đó, 20 DN đã được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, 20 DN được hỗ trợ tư vấn đánh giá nhanh về sản xuất sạch hơn, và 01 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã được xây dưng tại Cụm làng nghề sản xuất chế biến mộc xã Thái Yên (Đức Thọ).
Cũng theo ông Nguyễn Hiền Lương, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tích cực hướng dẫn DN cách thức tiếp cận, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch sạch hơn trong công nghiệp nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất sạch hơn cho các ngành công nghiệp đặc thù của địa phương như chế biến gỗ, thủy sản, nông sản, rèn, đúc, đồng thời có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các DN điển hình thực hiện dựa trên các tiêu chí theo quy định hiện hành.
Theo Minh Kỳ – ven.vn