Nông dân Tây Nguyên lãng phí 40% lượng nước tưới cây cà phê
Theo một nghiên cứu mới đây, ước tính trung bình nông dân sử dụng nhiều hơn 60% lượng nước cần để tưới cây trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4.
Ảnh minh họa
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Lĩnh vực này hiện đang thu hút 2,6 triệu người làm việc. Phần lớn diện tích trồng cà phê tập trung trên Tây Nguyên, nơi ngành nông nghiệp nói chung tiêu thụ đến 96% lượng nước cung cấp cho toàn khu vực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khai thác và sử dụng nước quá mức đang diễn biến mạnh mẽ, tình trạng khan hiếm nước đang dần trở nên một vấn đề bức thiết đối với nông dân, hộ gia đình và ngành sản xuất cà phê nói chung.
Theo các chuyên gia, nông dân trồng cà phê dùng trung bình 700 đến 1.000 lít nước để bơm tưới cho cây, trong khi lượng nước cần để cho ra sản lượng cà phê tương đương chỉ là một nửa con số trên, tương đương 300-400 lít.
Từ tháng 4/2015, dự án Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam đã được triển khai, dự kiến sẽ hỗ trợ quản lý nước hiệu quả cho 50.000 nông dân trồng cà phê ở khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai,Kon Tum và Lâm Đồng, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước do thiên tai, biến đổi khí hậu và kỹ thuật canh tác, tưới tiêu kém hiệu quả. Dự án do tập đoàn Nestlé, Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ với tổng trị giá 2 triệu Euro, sẽ kéo dài trong vòng 5 năm đến năm 2019.
Bên cạnh dự án nước, người nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên còn được hỗ trợ cây giống cà phê sạch bệnh và tập huấn khoa học kỹ thuật, đạt được hiệu quả kinh tế cao và còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn nước.
Theo BizLIVE