So với tiêu chuẩn mới ISO 50001, tiêu chuẩn ISO 14001 ra đời sớm hơn và có một số lượng đông đảo các doanh nghiệp áp dụng. Một câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống ISO 14001 thường đặt ra khi muốn triển khai xây dựng HTQL năng lượng theo ISO 50001 là khi áp dụng cùng lúc 2 tiêu chuẩn này, doanh nghiệp gặp phải thuận lợi và khó khăn gì?
Ảnh minh họa
Theo TS.Mike Brogan, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực QLNL, đồng thời là chuyên gia hướng dẫn xây dựng HTQL năng lượng ISO 50001, thì tiêu chuẩn ISO 50001 và ISO 14001 sẽ bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Đây chính là điểm thuận lợi giúp các DN có thể tích hợp 2 tiêu chuẩn này với nhau, tiến tới sử dụng môt HTQL tích hợp, giúp DN hoạt động hiệu quả hơn, bớt cồng kềnh mà không cần phải đầu tư thêm quá nhiều.Trong một trao đổi với bà Phạm Thị Nga, Điều phối viên Dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và tiêu chuẩn quản lý năng lượng” do Bộ Công Thương phối hợp với tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện, nhằm hỗ trợ các DN xây dựng HTQL năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001, bà Nga cho biết: “Doanh nghiệp đã áp dụng HTQL chất lượng ISO 9001 hoặc HTQL môi trường ISO 14001 sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi áp dụng HTQL năng lượng ISO 50001 vì một loạt các yêu cầu của tiêu chuẩn này hoàn toàn tương thích với các HTQL chất lượng và HTQL môi trường”.
Cụ thể hơn, theo TS.Mike Brogan, cả 2 tiêu chuẩn này đều được xây dựng theo mô hình PDCA (Plan-Do -Check -Act) hay còn biết đến với 4 bước: Hoạch định- Thực hiện- Kiểm tra- Xem xét. Đây là một khuôn khổ chung để tích hợp hoạt động quản lý năng lượng và quản lý môi trường trong tổ chức.
Khi tích hợp 2 tiêu chuẩn này, các công cụ và kỹ thuật tương tự có thể được sử dụng cho các hoạt động chung xây dựng ISO 14001 và ISO 50001 như: quản lý tài liệu, lập kế hoạch kiểm toán, đánh giá mức độ khắc phục…
Bởi, các công cụ được sử dụng để quản lý tài liệu và kỹ thuật theo tiêu chuẩn ISO 14001 đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 50001. Hệ thống kiểm toán và quản lý hoạt động khắc phục áp dụng cho tiêu chuẩn ISO 14001 có thể được sử dụng cho ISO 50001. Ngoài ra, nhiều quy trình trong ISO 14001 có thể dễ dàng thích ứng, giúp giảm lưu lượng thông tin và sự trùng lặp.
Điểm khác biệt đáng lưu ý nhất của ISO 50001 so với ISO 14001 là ISO 50001 tập trung vào các hoạt động kỹ thuật và các giải pháp phần mềm giúp quản lý các mục tiêu và các chỉ tiêu một cách năng động và hiệu quả hơn. Đồng thời, tự động báo cáo theo dõi cải thiện hiệu suất năng lượng.
Do đó, một hệ thống công nghệ thông tin mạnh mẽ sẽ giúp cho việc tích hợp 2 tiêu chuẩn này trở lên dễ dàng. Các ưu điểm mà hệ thống này mang lại như hỗ trợ quản lý các tài nguyên tốt hơn, cho phép làm việc theo nhóm tốt hơn, dễ dàng truy cập thông tin, lập kế hoạch hoạt động hiệu quả hơn, bảo trì tốt hơn. Nhờ vậy, DN có thể có nhiều thời gian để đầu tư cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng mới, giúp các hoạt động năng lượng hiệu quả hơn.
Việc tích hợp 2 tiêu chuẩn này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho DN thông qua việc cải thiện hiệu quả trong tổ chức. Tuy nhiên, DN cũng phải đối mặt với một số khó khăn khi tích hợp 2 tiêu chuẩn này.
Theo TS.Mike Brogan, những trở ngại lớn nhất khi tích hợp ISO 50001 và ISO 14001 là phải kết hợp những nhóm nhân viên làm việc cho những hệ thống khác nhau với những kỹ năng khác nhau thành một đội ngũ làm việc chung, am hiểu cả 2 hệ thống tiêu chuẩn. Bởi, công đoạn kiểm tra, đánh giá lúc này sẽ phứa tạp hơn khi tiến hành đồng thời về cả năng lượng và môi trường.
DN chỉ thực sự đạt được lợi ích khi 2 nhóm: Quản lý môi trường và quản lý năng lượng cùng phối hợp chặt chẽ với nhau, để tìm cách tiết kiệm năng lượng trong tất cả các hoạt động của tổ chức.