Doanh nghiệp tiết giảm chi phí hiệu quả và bền vững hơn nhờ RECP

Trong sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí hiệu quả và bền vững là điều doanh nghiệp nào cũng muốn hướng tới. Đánh giá sản xuất sạch hơn (RECP) chính là cơ hội giúp doanh nghiệp tiếp cận với những cách làm hiệu quả hơn.

Mục đích của đánh giá RECP là giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp có thể tăng năng suất và giảm tiêu thụ tài nguyên, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Hợp phần thực hiện RECP trong doanh nghiệp là một bước đi ở cấp doanh nghiệp nhằm góp phẩn chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống hiện tại sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Hoạt động này bao gồm tư vấn và huấn luyện trực tiếp tại các doanh nghiệp được lựa chọn tại các khu công nghiệp để triển khai RECP trong thực tiễn.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) với 20 năm kinh nghiệm đã được lựa chọn là đơn vị tư vấn của dự án trong hợp phần này.

Tham gia dự án, một công ty chế biến thực phẩm với 100% vốn đầu tư nước ngoài đã nhận được rất nhiều lợi ích khi được các chuyên gia VNCPC tư vấn.

Chi phí xử lý nước thải giảm còn 1/2

Hiện công ty có nguyên liệu chính cho quá trình sản xuất là các loại thủy sản tươi sống hoặc đông lạnh như cua, tôm, cá mòi, cá nục,… Quy trình sản xuất của công ty tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và quy trình quản lý chất lượng quốc tế như HACCP, HALAL, IFS (Higher Level), GMP, ISO 22000, BRC.

Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát thực tế, các chuyên gia VNCPC đã phát hiện: các công đoạn rã đông, rửa và vệ sinh thiết bị, nhà xưởng phát sinh lượng lớn nước, với hàm lượng cao các chất hữu cơ (BOD, COD), Nito, Photpho cao.

Hệ thống xử lý nước thải của công ty lại gặp khó khăn trong vấn đề xử lý Photpho. Do vậy, hàng tháng chỉ tính riêng chi phí cho việc xử lý nước thải, công ty đã phải trả cho khu công nghiệp tới 700 triệu đồng.

Theo đề xuất của các chuyên gia VNCPC, để xử lý hàm lượng Photpho cao trong nước thải, công ty cần bổ sung công đoạn đông keo tụ sau quá trình xử lý sinh học.

Với cách làm này, ước tính chi phí đầu tư ban đầu vào khoảng 500 triệu đồng, cộng với chi phí hóa chất dự kiến mỗi tháng 200 triệu đồng. Sau đầu tư, mỗi tháng công ty chỉ phải trả khoảng 100 triệu đồng cho việc xử lý nước thải. Như vậy, chỉ sau 2 tháng khoản đầu tư đã có thể hoàn vốn.

Lắp đặt thiết bị làm nước lạnh: Chủ động và tiết giảm chi phí

Bên cạnh đó, trung bình mỗi ngày công ty đang phải mua khoảng 500-600 kg đá, với giá 750 đồng/kg. Đây chính là khoản lãng phí lớn, để tiết giảm chi phí này, công ty nên sử dụng một thiết bị làm lạnh riêng.

Khi đầu tư máy làm nước lạnh, công ty sẽ có các lợi ích như: chủ động được lượng nước lạnh, không phụ thuộc vào nhà cung cấp đá; giảm bớt được công đoạn nghiền đá trước khi sử dụng; tránh thất thoát nhiệt khi trộn đá – nước; giảm thất thoát đá và nước trong quá trình sử dụng.

Quá trình vận hành máy làm nước lạnh sẽ tiêu thụ điện, nhưng chi phí này sẽ nhỏ hơn so với chi phí mua đá từ bên ngoài và chi phí nghiền đá. Quá trình vận hành sẽ tiết kiệm được lượng nhiệt, đá và nước thất thoát. Thời hạn hoàn vốn khoảng 2-3 năm. Song giải pháp này sẽ giảm lượng đá, nước sử dụng và giảm lượng nước thải.

Tiết kiệm khoảng 360 triệu đồng tiền điện/năm

Các chuyên gia VNCPC cũng đã chỉ ra các lãng phí điển hình của doanh nghiệp về điện năng như: Điện áp cao gây ra tổn thất năng lượng, đồng thời làm quá tải điện áp toàn hệ thống, khiến các thiết bị điện bị giảm tuổi thọ vì quá nóng. Tổn thất này ước tính  khoảng 0,5% tổng thiêu thụ điện của nhà máy, tương đương gần 15.000 kWh/năm.

Rò rỉ điện trên đường dây truyền tải từ máy biến áp về tủ điện tổng của nhà máy cũng vào khoảng 14.850 kWh/năm.

Chưa kể tới các tổn thất điện tại kho lạnh do: cửa tò vò không đóng kín; kho lạnh có nhiều tuyết và dàn lạnh đóng băng do việc đóng mở thường xuyên. Hàng năm, tổn thất điện có thể lên tới trên 26.000 kWh…

Tiếp thu ý kiến tư vấn của các chuyên gia về tiết kiệm năng lượng, công ty đã tiết kiệm được 10% điện năng tiêu thụ, tương đương tiết kiệm 360 triệu đồng/năm (tương đương giảm 209,2 tấn CO2 phát thải).

Trên thực tế, các giải pháp RECP đều có tính khả thi cao với chi phí đầu tư phù hợp. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã sớm triển khai áp dụng và đã thu được những kết quả rất đáng kích lệ.

VNCPC