- Cơ quan tài trợ: Bộ Công Thương
- Đối tác thực hiện: VNCPC
- Thời gian triển khai: 09/2021 – 12/2021
- Lĩnh vực: Làng nghề TTCN
- Khu vực: Việt Nam
- Liên hệ: Đỗ Thị Dịu
- Email: [email protected]
- Điện thoại: (84-24) 3868 4849 – máy lẻ 32
Mục tiêu
Gói thầu được thực hiện nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất bền vững tại các làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) thông qua việc xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí về làng nghề TTCN bền vững. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030 (theo Quyết định số 889/2020/QĐ-TTg) của Bộ Công Thương góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hoạt động
Các hoạt động chính của nhiệm vụ
- Khảo sát, đánh giá hiện trạng làng nghề, phân tích tính bền vững, xác định các vấn đề còn tồn tại ở các làng nghề TTCN;
- Nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về xây dựng làng nghề bền vững, xây dựng Bộ tiêu chí về làng nghề TTCN bền vững;
- Lựa chọn làng nghề phù hợp để áp dụng thí điểm Bộ tiêu chí về làng nghề TTCN bền vững, từ đó đánh giá tiềm năng mở rộng và áp dụng tại các làng nghề ở Việt Nam.
Hoạt động đã triển khai
- Thu thập thông tin thứ cấp, phân tích hiện trạng làng nghề, làng nghề TTCN tại các tỉnh thành trên cả nước;
- Tiến hành khảo sát thực tế tại 5 làng nghề TTCN đại diện cho các ngành nghề TTCN khác nhau tại các quận, huyện khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội;
- Đánh giá hiện trạng làng nghề, phân tích tính bền vững, xác định các vấn đề còn tồn tại ở các làng nghề ở Việt Nam;
- Xây dựng Bộ tiêu chí về làng nghề TTCN bền vững dựa trên bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới; kết quả rà soát các tài liệu, báo cáo, các công trình đề tài nghiên cứu và hoạt động khảo sát thực tế tại các làng nghề TTCN;
- Lựa chọn đơn vị và áp dụng thử nghiệm Bộ tiêu chí làng nghề TTCN tại Làng nghề dệt Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội); Phân tích đánh giá kết quả áp dụng thử nghiệm, đúc rút bài học kinh nghiệm và kiến nghị để áp dụng và triển khai bộ tiêu chí vào thực tế được hiệu quả và đánh giá chính xác mức độ bền vững của Làng nghề dệt Phùng Xá nói riêng và các làng nghề TTCN khác trên cả nước;
- Triển khai hoạt động tham vấn chuyên gia (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam – VICRAFTS; Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội; Các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; Ban đại diện làng nghề TTCN, chủ cơ sở sản xuất trong làng nghề và chính quyền địa phương nơi các làng nghề TTCN đang hoạt động,…) và hoàn thiện bố cục nội dung bộ tiêu chí. Đây là cơ sở quan trọng giúp xây dựng bộ tiêu chí làng nghề TTCN bền vững được khách quan, khả thi và phù hợp với năng lực triển khai về sau cũng như định hướng phát triển làng nghề TTCN tại Việt Nam.