Dành 1.000 tỷ đồng sẵn sàng hỗ trợ DN đổi mới công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa chính thức ra mắt Quỹ Đổi mới Công nghệ quốc gia nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng lấy khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo làm nền tảng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Quỹ được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Liên quan đến hoạt động của Quỹ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, Quỹ ra đời với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm cho xã hội. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tiếp nhận được các kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học kể cả công nghệ nhập khẩu và ứng dụng vào sản xuất kinh doanh để đổi mới công nghệ của chính doanh nghiệp.
Theo ông Quân tại doanh nghiệp Việt Nam hầu hết đều là mô hình doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, với quy mô hoạt động hạn chế nên doanh nghiệp không đủ năng lực để đầu tư và đổi mới công nghệ, nhưng nếu không đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, có sức cạnh tranh trên thị trường thì doanh nghiệp sẽ thua ngay cả trên sân nhà, chứ chưa nói đến cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Vì thế, sự hỗ trợ từ Chính phủ trong lĩnh vực này là rất cần thiết
Do đó, Quỹ này hoạt động nhằm vào doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp – doanh nghiệp khởi nguồn hay những doanh nghiệp được thành lập từ kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, các trường đại học….kết quả nghiên cứu là những giải pháp hữu ích có tính ứng dụng cao trong đời sống
Bộ trưởng Quân cho rằng, với mức đầu tư 1.000 tỷ, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể có thể trông cậy để đổi mới. Quỹ cho vay với với lãi suất thấp, thậm chí dự án lớn được Quỹ bảo lãnh vốn vay từ các ngân hàng thương mại trong quá trình đổi mới công nghệ và đầu tư cho sản phẩm mới.
Bộ trưởng khẳng định, việc sử dụng nguồn vốn sẽ cạnh tranh, minh bạch. Theo quy định, mức hỗ trợ cao nhất của Quỹ đối với dự án có hàm lượng khoa học cao tối đa 30% tổng kinh phí của dự án do doanh nghiệp xây dựng. Quỹ ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ cơ khí, tự động hóa…
Khi doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới thì phải trình được dự án đã được thông qua cấp quản lý trong lĩnh vực. Cụ thể, đối với doanh nghiệp địa phương thì dự án phải phù hợp với chiến lược địa phương đó, đối với bộ ngành thì phải phù hợp với chiến lược phát triển của ngành.
Sau cùng, Bộ sẽ có Hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học đầu ngành, đơn vị quản lý đầu ngành trong lĩnh vực đó để thẩm định dự án và quyết định mức đầu tư. Suốt quá trình tiếp theo phê duyệt các đơn vị chức năng của Bộ cùng với Quỹ sẽ giám sát quá trình sử dụng Quỹ cho dự án của doanh nghiệp, có báo cáo, đánh giá giữa kỳ hay kiểm tra đột xuất để đảm bảo doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích và cuối cùng là đánh giá nghiệm thu sản phẩm của dự án. Những gì nhà nước tài trợ thì sản phẩm phải tương ứng với điều kiện hội đồng đề ra.
Theo dantri.com.vn