Theo các chuyên gia môi trường để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cơ quan, cộng đồng dân cư và cá nhân vào công tác bảo vệ môi trường cần phải đưa nội dung bảo vệ môi trường vào các phong trào thi đua, các hình thức khen thưởng hàng năm và đột xuất lồng ghép trong phong trào thi đua vào các văn bản luật, nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật Bảo vệ môi trường. Có như vậy, mức độ tham gia bảo vệ môi trường sẽ lan tỏa rộng khắp và thường xuyên hơn trên phạm vi toàn quốc.
Từ nhiều năm nay, Giải thưởng Môi trường Việt Nam là giải thưởng chính thức duy nhất của Bộ TN&MT trao tặng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Giải thưởng nhằm động viên, khuyến khích phong trào bảo vệ môi trường góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, đồng thời tuyên truyền giới thiệu các gương điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, lan tỏa phong trào thi đua yêu nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bộ TN&MT đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng và 63 tỉnh thành phố trong việc phối hợp, chỉ đạo và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, hiệu quả trong công tác BVMT, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến xuất sắc BVMT trong các lĩnh vực, các vùng miền khác nhau trên cả nước.
Tính riêng năm 2013, Bộ TN&MT đã ký quyết định công nhận 31 tổ chức, 1 cộng đồng và 18 cá nhân đạt Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Sau hơn 10 năm thực hiện, Giải thưởng Môi trường đã đạt được những kết quả nổi bật, phản ánh sinh động và chân thực thành tích BVMT của các tập thể, cá nhân cũng như của các cộng đồng dân cư trên cả nước, góp phần quan trọng tạo lập và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua BVMT tại Việt Nam. Tính đến nay, đã có gần 300 tổ chức cá nhân được tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Giải thưởng là nguồn động viên khuyến khích các cộng đồng dân cư hăng hái tham gia BVMT, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp giá trị vào sự nghiệp BVMT tại Việt Nam. Đáng lưu ý là số doanh nghiệp được tặng Giải thưởng chiếm tỷ lệ khá cao và có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tỷ lệ gần 30% tổng số giải thưởng.
Thay đổi nhận thức doanh nghiệp
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đặc biệt là bảo vệ môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp đang là vấn đề nan giải, gặp nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ và phối hợp của các cơ quan, ban, ngành.
Do vậy, để tồn tại và phát triển bền vững, các doanh nghiệp buộc phải quan tâm tới các khía cạnh môi trường, hiệu quả sinh thái và năng lượng của từng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Muốn làm được vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng và chuyển đổi qua hệ thống quản lý với kế hoạch hành động xanh, tạo lập cơ sở vững chắc đảm bảo yếu tố môi trường, tính hiệu quả về sinh thái và sử dụng năng lượng, hạn chế phát thải nhà kính.
Theo đánh giá của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, vài năm trở lại đây, số dự án môi trường được gửi đề nghị xin vay tăng mạnh, số vốn giải ngân cũng tăng từ 60 – 150% cho các dự án tại hơn 30 tỉnh thành. Nhiều doanh nghiệp đã và đang nghiêm túc thực hiện bảo vệ môi trường và xem đầu tư bảo vệ môi trường là một kênh đầu tư, vừa mang lại lợi ích cho mình vừa mang lại lợi ích cho xã hội, đáp ứng những quy định ngày càng khắt khe của pháp luật về môi trường.
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với lợi thế về vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý, đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường như Công ty Ford Việt Nam với Cúp vàng Môi trường (2007) do Bộ TN&MT trao tặng, Công ty Khu công nghiệp Việt Nam – Singapo (VSIP) đạt giải Doanh nghiệp thân thiện với môi trường tại Giải thưởng Rồng vàng năm 2009…
Một số doanh nghiệp trong nước đã chủ động áp dụng các giải pháp xử lý chất thải và đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất như: Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại thành công trong đề tài tách dầu mazút ra khỏi nước thải để phục vụ cho sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam với mục tiêu hướng tới “Mỏ sạch – an toàn – hiện đại”...
Theo tin môi trường, vea.gov.vn