Hội thảo “Đổi mới sản phẩm, chìa khóa cho tương lai bền vững”

Không gian đồng sáng tạo và Ươm mầm sản phẩm bền vững mang tên Hàng Xanh, đặt tại số 45 Bát Sứ , Hà Nội

HÀ NỘI 14/11/2013 – Hội thảo “Đổi mới sản phẩm – Chìa khóa cho tương lai bền vững” được tổ chức nhằm báo cáo các thành quả đạt được và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đổi mới sản phẩm trong suốt bốn năm triển khai dự án Đổi mới Sản phẩm Bền vững (SPIN) tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Hội thảo mang lại một cái nhìn toàn diện về thực tiễn đổi mới sản phẩm bền vững và triển vọng của Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung trong lĩnh vực này.

SPIN làm việc với hơn 500 công ty vừa và nhỏ thuộc 4 lĩnh vực: Dệt may, Đồ gỗ nội thất, Thủ công mỹ nghệ và Đóng gói; hỗ trợ đổi mới sản phẩm tại các khâu: Thiết kế sản phẩm (thiết kế lại và thiết kế mới sản phẩm), Xây dựng chiến lược sản phẩm, Tư vấn và Chuyển giao các công nghệ sạch. Dưới sự hợp tác bền chặt giữa doanh nghiệp, nhà thiết kế và chuyên gia của dự án, 2000 sản phẩm được thiết kế lại và thiết kế mới, thân thiện với môi trường, không gây độc hại tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt các sản phẩm này có tiềm năng lớn để đưa ra thị trường.

Dựa trên phương pháp luận sử dụng nguồn Tài nguyên hiệu quả và công nghệ Sạch, có 85 công ty tại Lào đổi mới sản phẩm tại khâu thiết kế và 85 công ty tại Campuchia tập trung đổi mới từ phía bên trong công ty. Tại Việt Nam, việc Đổi mới sản phẩm không chỉ dừng lại ở phạm vi của một công ty mà còn hình thành một chuỗi giá trị gồm nhóm các công ty cùng hoạt động trong một lĩnh vực để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất. Tại Lào và Campuchia, SPIN hỗ trợ tại mức giúp các công ty tiếp cận thích ứng với tự nhiên đang biến đổi thì tại Việt Nam, các doanh nghiệp được hỗ trợ theo hướng tiếp cận chủ động: dựa trên các công nghệ được chuyển giao, SPIN biến đổi và phát triển chúng để phù hợp với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và điều kiện tự nhiên của Việt Nam.

Chính mô hình và phương thức kinh doanh sáng tạo này giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng như tính thân thiện môi trường của sản phẩm.

Doanh nghiệp tham gia vào SPIN được nâng cao nhận thức, năng lực đối với việc đổi mới sản phẩm và quá trình sản xuất theo hướng bền vững. Ông Nguyễn Hồng Long, Điều phối viên khu vực dự án SPIN, cho biết: “Qua việc tham gia hội thảo và các khóa học do SPIN tổ chức, phần lớn các doanh nghiệp nhận ra rằng không quá khó để đổi mới sản phẩm bền vững mà vẫn đảm bảo được năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp được nâng cao năng lực và tạo động lực để hành động, bắt tay vào quá trình còn mới mẻ này bằng cách các kiến thức và công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và tận dụng được nguồn thải vào việc tạo ra nguyên-vật liệu cho sản xuất.”

Thành công nhất, hơn 30 công nghệ bền vững được phát triển, tối ưu hóa và phối hợp thành nhóm công nghệ để để phù hợp với điều kiên của doanh nghiệp và tự nhiên tại Việt Nam. Trong đó, 3 nhóm công nghệ được áp dụng thành công nhất là Năng lượng tái tạo, Mô hình nông nghiệp hữu cơ không chất thải và Vật liệu xanh. Nhóm công nghệ Năng lượng tái tạo gồm buồng sấy bằng năng lượng mặt trời và bếp Khí hóa dân sinh và công nghiệp; được áp dụng thành công cho các công ty sản xuất nấm, mây tre như Ngọc Động, Hiệp Hòa… Công nghệ Vật liệu xanh được áp dụng thành công ở lĩnh vực xử lý tre trong sản xuất đồ nội thất, làm thành chậu hoa hữu cơ tự phân hủy, sản phẩm tre cuốn…

Đặc biệt, mô hình nông nghiệp hữu cơ không chất thải mang tên I-Nature gồm nhóm 25 công nghệ bền vững tạo ra nhiều vòng phát triển khép kín giúp tạo ra cân bằng cho môi trường để vây trồng và vật nuôi phát triển theo hệ tuần hoàn. Mô hình này được phát triển dựa trên nền tảng mô hình nông nghiệp truyền thống và áp dụng công nghệ mới, tạo ra một mô hình trang trại hoàn toàn không chất thải, không gây tác hại đến môi trường và sức khỏe của con người. Hiện nay, mô hình này đang được triển khai rộng rãi tại Ba Vì, Sóc Sơn tại 10 hộ gia đình đã góp phần mang lại thu nhập cho người dân địa phương.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Long, sau SPIN, nhóm các công nghệ bền vững và cộng đồng doanh nghiệp với mức độ cam kết cao trong lĩnh vực này được hình thành và tạo nền tảng mở ra triển vọng cho tương lai bền vững tại Việt Nam.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Marcel Crul, Đại học Công nghệ Delft Hà Lan, sẽ trình bày về các cách thực hiện Đổi mới sản phẩm bền vững mới mà SPIN áp dụng cùng với các ví dụ điển hình tại Việt Nam. Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Bích Hòa, Phó Giám đốc Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam sẽ chia sẻ về Năng lực Đổi mới sản phẩm bền vững đã được xây dựng tại Việt Nam với kết quả đầu ra là Không gian đồng sáng tạo và Ươm mầm sản phẩm bền vững mang tên Hàng Xanh, đặt tại số 45 Bát Sứ được khai trương chính thức trong tháng 9 năm 2013.

Thông tin tại website: http://scp.vn