Xây dựng tương lai bền vững cho khu vực Mê Kông

Việt Nam đặc biệt coi trọng và ưu tiên những nỗ lực phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đồng thời mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước Mê Kông và các đối tác phát triển trong nỗ lực này.

Chiều ngày 9/8, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (HNBT) ASEAN 47 đã diễn ra các HNBT Hạ nguồn Mê Kông-Mỹ (LMI) lần thứ bảy và Hạ nguồn Mê Kông-Những người bạn (FLM) lần thứ tư dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar và Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Tham dự có Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mê Kông và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh; Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), đại diện cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự HNBT FLM.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam dự các Hội nghị nói trên.

Người dân sống trên sông Mê Kông (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Ảnh: Thiennhien.net

Với chủ đề “Xây dựng tương lai bền vững cho khu vực Mê Kông trong bối cảnh an ninh lương thực-nguồn nước-năng lượng và hỗ trợ hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015”, HNBT LMI lần thứ tư tập trung thảo luận các cơ hội và thách thức đối với sự phát triển bền vững của lưu vực Mê Kông, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp hợp tác cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực hướng tới cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Các Bộ trưởng nhất trí rằng sau 5 năm kể từ khi thành lập, LMI đã trở thành cơ chế hợp tác hiệu quả giữa Mỹ và các nước Mê Kông nhằm đối phó với những thách thức phát triển chung thông qua sáu trụ cột hợp tác về nông nghiệp và an ninh lương thực, kết nối, giáo dục, an ninh năng lượng, môi trường và nguồn nước, và y tế.

Tuyên bố chung của Hội nghị công bố Chương trình hợp tác LMI mới trong 5 năm tiếp theo, trong đó tập trung triển khai sáu dự án trọng điểm bao gồm: Kết nối Mê Kông, hạ tầng thông minh cho Mê Kông, kết nối thông qua giáo dục và đào tạo, đào tạo kỹ năng truyền thông cho lãnh đạo, trung tâm khởi nghiệp cho phụ nữ và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục đối thoại chính sách liên quan tới phát triển bền vững khu vực, đồng thời tăng cường hoạt động điều phối và phối hợp với Sáng kiến Hội nhập của ASEAN (IAI). Hội nghị chính thức khởi động Nhóm Chuyên gia và Nhân vật nổi tiếng (EEPG) có nhiệm vụ nghiên cứu và khuyến nghị các biện pháp thúc đẩy phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông, báo cáo lên các quan chức cao cấp và Bộ trưởng LMI.

HNBT FLM lần thứ tư nhất trí tăng cường hợp tác kết nối khu vực, quản lý bền vững nguồn nước và bảo vệ môi trường lưu vực Mê Kông.

Các Bộ trưởng khẳng định cam kết xây dựng quan hệ đối tác ở mọi cấp độ địa phương, liên quốc gia, khu vực và giữa các châu lục nhằm ứng phó hiệu quả với những thách thức phát triển và vấn đề nước tại khu vực Mê Kông.

Hội nghị khẳng định ưu tiên biến những thách thức trong bảo đảm an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực thành cơ hội tăng trưởng và phát triển bền vững cho cả tiểu vùng. Nhiều đối tác phát triển trong và ngoài khu vực như EU, Australia, WB và ADB… cam kết tiếp tục hỗ trợ cho các nước Mê Kông trong quản lý bền vững nguồn nước, xây dựng hạ tầng thông minh, năng lượng sạch, nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, đánh giá tác động môi trường… EU quyết định tăng gấp ba lần viện trợ dành cho các nước Mê Kông trong giai đoạn 2014-2020.

Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị đặc biệt FLM ở cấp Thứ trưởng về phát triển bền vững tại Lào vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015.

Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng và ưu tiên những nỗ lực phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đồng thời mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước Mê Kông và các đối tác phát triển trong nỗ lực này.

Phó Thủ tướng đề xuất tăng cường hơn nữa hợp tác và đối thoại trong khuôn khổ LMI và FLM, trước hết là hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển với ASEAN và hỗ trợ Ủy hội Mê Kông quốc tế tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo về tác động của đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Theo Chinhphu.vn