Hạt vi nhựa nguy hiểm như thế nào?

Ô nhiễm hạt vi nhựa hiện giờ không chỉ là cảnh báo mà đã tác động tới từng cá nhân. Vậy hạt vi nhựa nguy hiểm như thế nào hãy cùng tìm hiểu nhé.

Mỗi người nuốt vào bụng ít nhất 50.000 hạt vi nhựa/năm

Hạt vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Ô nhiễm hạt vi nhựa được gây ra chủ yếu do sự phân hủy rác thải nhựa và tình trạng này đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hạt vi nhựa ở trong không khí, đất, sông hồ và kể cả những vùng biển sâu nhất trên thế giới.

Các hạt vi nhựa cũng được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, hải sản và bia. Chúng cũng được tìm thấy trong các mẫu phân người lần đầu vào tháng 10/2018 – bằng chứng cho thấy con người đã ăn phải hạt vi nhựa.

Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Journal of Environmental Science and Technology (Mỹ), lấy dữ liệu từ 26 nghiên cứu trước đó đã đo lượng hạt vi nhựa trong cá, động vật có vỏ, đường, muối, bia và nước, cũng như không khí trong các thành phố lớn.

Các hạt vi nhựa được tìm thấy trong tinh thể muối.

Các nhà khoa học đã sử dụng chế độ ăn uống do Chính phủ Mỹ quy định nhằm tính toán lượng hạt vi nhựa con người ăn phải trong 1 năm. Ước tính trung bình người lớn ăn khoảng 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm, còn trẻ em là 40.000.

Thực tế, phần lớn thực phẩm và nước uống vẫn chưa được kiểm tra, và nghiên cứu trên chỉ mới ước tính 15% lượng calorie mà con người tiêu thụ.

“Con số có thể lớn hơn nhiều. Vẫn còn một lượng dữ liệu khổng lồ cần được bổ sung” – ông Kieran Cox, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Victoria (Canada), nhìn nhận.

Những thực phẩm khác như bánh mì, thực phẩm chế biến, thịt, sản phẩm bơ sữa và rau quả cũng có thể chứa các hạt vi nhựa, nhà nghiên cứu Kieran Cox cho biết. “Khả năng cao là sẽ có rất nhiều hạt vi nhựa trong các thực phẩm này. Con số có thể lên đến hàng trăm ngàn”.

Hạt vi nhựa trong thực phẩm ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Mới đây nhất, các nhà khoa học phát hiện các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập vào mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí tới gan. Đã có tổng cộng 9 loại hạt nhựa được phát hiện trong cơ thể người, phổ biến nhất là nhựa PP và nhựa PET thường thấy trong bao bì đồ ăn, thức uống. Điều đáng nói là cứ một hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe con người. Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hormone dẫn đến các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.

Tuy nhiên, hiện nay các bằng chứng khoa học vẫn chưa đủ thuyết phục để đề xuất các quy định về giới hạn cho phép hàm lượng các vi nhựa trong nước và thực phẩm. Việc này đòi hỏi cần có sự đầu tư cho các nghiên cứu tiếp theo về ảnh hưởng của vi nhựa và nano nhựa lên sức khỏe con người.

Con người cần làm gì để tránh hấp thụ hạt vi nhựa?

Tính đến thời điểm này, tại nhiều quốc gia đã có lệnh cấm đối với đồ nhựa sử dụng 1 lần bởi những lo ngại rằng hóa chất trong nhựa sẽ gây ra các bệnh ngộ độc, vô sinh hay gián đoạn di truyền cho cả con người và sinh vật biển.

Việc cần làm ngay bây giờ là hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hạt vi nhựa trong chăm sóc cá nhân, từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, các chai nhựa, cốc, ống hút một lần.

Tại Việt Nam, trong khi chờ đợi các quy định cụ thể, việc cần làm ngay bây giờ là hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hạt vi nhựa trong chăm sóc cá nhân, từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, các chai nhựa, cốc, ống hút một lần.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần có một chế tài đủ mạnh để việc phân loại rác nhựa tại nguồn hay tại các địa điểm công cộng được thực hiện quy củ hơn. Hạn chế tối đa việc xả thải nhựa trực tiếp ra môi trường biển là cách tốt nhất để ngăn chặn hiểm họa ô nhiễm môi trường và bảo vệ tốt cho sức khỏe con người.

VNCPC (tổng hợp)