Công nghệ giúp thủy sản Việt xuất ngoại

Hiện nay, các mặt hàng thủy sản quan trọng của Việt Nam không những đáp ứng được sản lượng xuất khẩu mà chất lượng còn từng bước đảm bảo yêu cầu của các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ…. Chính việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) đã giúp Việt Nam có được thành quả này.

Làm chủ công nghệ nhân giống

 

ms3

Ép trứng thụ tinh nhân tạo cho cá tra (Ảnh: nongnghiep.vn)

Tiến sĩ Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ Phát triển KHCN địa phương, Bộ KHCN khẳng định, đóng góp lớn nhất của KHCN trong thủy sản là công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến giúp tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Quả thật như vậy, sản phẩm thủy sản của Việt Nam hiện có mặt ở 156 quốc gia, đứng đầu thế giới về sản lượng cá tra, đứng thứ 3 về sản lượng tôm…. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản luôn đạt mức hơn 6 tỷ USD những năm gần đây. Có được kết quả này, một phần quan trọng là do Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất, chủ động nguồn giống. Mỗi năm, Việt Nam sản xuất được 12 tỷ con cá bột gồm cá rô phi, cá tra, cá ba sa; 25 tỷ con giống tôm. Bên cạnh đó, đã sản xuất được các giống cá giò, cá vược, cá song, cá hồng, cua biển, ốc hương, bào ngư….

Đặc biệt, một số công nghệ sản xuất giống đã tiếp cận hoặc vượt trình độ quốc tế như cua biển có tỷ lệ sống đến cỡ giống đạt 6-8%, cao hơn trung bình 3-5% ở khu vực Đông Nam Á, ốc hương có thể đạt tỷ lệ sống đến con giống là 20%, cao hơn so với Ấn Độ và các nước trong khu vực.

Hay nhờ ứng dụng thành công kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá tầm với tỷ lệ cá cái rụng trứng đạt 71%, tỷ lệ nở của trứng đạt 50-70%, đã góp phần thay thế nguồn trứng nhập ngoại, hạ giá thành sản xuất cá giống, tăng sức cạnh tranh với cá tầm Trung Quốc đang chiếm ưu thế trên thị trường.

Bên cạnh đó, đã nghiên cứu thành công mô hình nuôi tôm sú năng suất cao: 1,5-2,5 tấn/ha; các mô hình nuôi kết hợp cá – lúa có năng suất 4,5-5 tấn/ha, trong đó năng suất cá đạt từ 1-1,3 tấn/ha; mô hình nuôi cá rô phi đạt 10 tấn/ha; cá ba sa đạt 15-20 tấn/ha.

“Chỉ tính riêng sự thành công trong nghiên cứu làm chủ các công nghệ sản xuất 4 loại giống: cua biển, ốc hương, cá song, bào ngư đã giúp tiết kiệm khoảng 100 triệu USD tiền nhập con giống/năm, đồng thời mở ra triển vọng xuất khẩu các loại giống này trong vài năm tới với tổng giá trị đạt khoảng 7.500 tỷ đồng/năm”, ông Luật nhấn mạnh.

Đảm bảo chất lượng chế biến

Supa17

Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong chế biến, 100% cơ sở chế biến đông lạnh đạt quy chuẩn Việt Nam và điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, nhờ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP nên đủ điều kiện để xuất khẩu sang tất cả các nước trên thế giới.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra thống kê chi tiết, hiện cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, hơn 440 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc, 30 doanh nghiệp sang Liên bang Nga, 60 doanh nghiệp sang Brazil và gần 450 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang Nhật Bản….

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho cá tra Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế, Chính phủ mới ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Theo đó, đến năm 2015, các cơ sở sản xuất cá tra thương phẩm buộc phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGap (Vietnamese Good Agricultural Practices). Với các quy định nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến, các sản phẩm cá tra xuất khẩu sẽ hướng tới đáp ứng tốt nhất cho tất cả các thị trường trên thế giới.…

Trước áp lực ngày càng khắt khe của các đối tác nước ngoài thông qua các rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm thủy sản, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN không chỉ làm gia tăng sản lượng, mà quan trọng hơn là đảm bảo bài toán chất lượng cho sản phẩm. “KHCN chính là lực lượng trực tiếp và đóng vai trò quan trọng đối với kim ngạch xuất khẩu thủy sản”, ông Luật nhấn mạnh.

Sự đóng góp của các tiến bộ kỹ thuật về giống, chủ động trong sản xuất giống, quy trình nuôi… đã góp phần to lớn đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ 20 triệu USD năm 1980 lên 6,8 tỷ USD năm 2013, và dự kiến đạt 7 tỷ USD năm 2014.

Theo ven.vn