Posts

Trái Đất đang trong thời kỳ nóng kỷ lục – “Hậu quả” của hiệu ứng nhà kính

Cơ quan quan sát khí hậu Châu Âu cho biết, tháng 3 vừa qua là tháng Trái Đất nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 10 liên tiếp phá kỷ lục nhiệt độ mà nguyên nhân chính là do tình trạng hiệu ứng nhà kính.

Kể từ tháng 6/2023, kỷ lục về mức nhiệt cao liên tục bị phá vỡ và tháng 3/2024 không phải là ngoại lệ. AFP ngày 9/4 dẫn số liệu của Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), cơ quan theo dõi thời tiết của Liên minh Châu Âu (EU), cho thấy nhiệt độ toàn cầu trong tháng 3 vừa qua được ghi nhận nóng hơn 1,68 độ C so với mức nhiệt trung bình trong tháng 3 từ năm 1850-1900, thời kỳ tiền công nghiệp.

Nhiều phần rộng lớn trên Trái Đất từ Châu Phi cho đến Greenland, Nam Mỹ và châu Nam cực trong tháng 3 có nhiệt độ cao hơn mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đó cũng là tháng thứ 10 liên tiếp có mức nhiệt phá vỡ kỷ lục và là đỉnh điểm của một năm nóng nhất lịch sử, cao hơn mức tiền công nghiệp 1,58 độ C.

Phó giám đốc C3S Samantha Burgess nhận xét đây là xu hướng đáng báo động và cảnh báo thế giới đang ở cực gần với việc vượt qua ngưỡng giới hạn mà các nhà lãnh đạo thế giới đạt được vào năm 2015 tại Paris (Pháp).

Theo bà Burgess, tình hình nhiệt độ biển cũng gây sốc không kém khi mức nhiệt kỷ lục đo được trên bề mặt các đại dương trong tháng 2 tiếp tục bị phá vỡ trong tháng 3. Điều này là cực kỳ bất thường.

Dữ liệu của C3S bắt đầu được tổng hợp từ năm 1940 nhưng những nguồn thông tin khác về khí hậu như từ lõi băng, vòng gỗ trên thân cây và san hô giúp các nhà khoa học có được thêm thông tin từ xa hơn trong quá khứ. “Chúng tôi biết rằng giai đoạn mà chúng ta đang sống có thể là ấm nhất trong ít nhất 100.000 năm qua”, bà Burgess nói.


Trái Đất ngày càng nóng lên là do hậu quả của hiệu ứng nhà kính. Ảnh minh họa

Một trong những nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên là do tình trạng hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính có tên tiếng Anh là “Greenhouse Effect”. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học giải thích, hiệu ứng nhà kính là hiệu ứng làm cho không khí của Trái Đất nóng lên do bức xạ sóng ngắn của Mặt Trời có thể xuyên qua tầng khí quyển chiếu xuống mặt đất và mặt đất hấp thu nóng lên lại bức xạ sóng dài vào khí quyển để CO2 hấp thu làm cho không khí nóng lên.

CO2 trong khí quyển giống như một tầng kính dày bao phủ Trái Đất, làm cho Trái Đất không khác gì một nhà kính lớn. Theo tính toán, nếu không có lớp khí quyển, nhiệt độ trung bình ở lớp bề mặt Trái Đất sẽ xuống tới -230C, nhưng nhiệt độ trung bình thực tế là 150C, có nghĩa là hiệu ứng nhà kính đã làm cho Trái Đất nóng lên 380C.

Ngoài khí CO2 ra, các khí CH4, CFC, SO2, metan, ozôn, các halogen và hơi nước cũng là nguyên nhân tác động và gây lên hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Cộng với sự phát triển dân số và công nghiệp với tốc độ gia tăng chóng mặt cũng tác động trực tiếp tới nhiệt độ của Trái Đất.

Theo các chuyên gia, những tác hại mà hiệu ứng nhà kính để lại không ít hệ lụy đến sức khỏe con người, sinh vật và môi trường sống. Do đó cần tăng cường trồng nhiều cây xanh. Đây chính là một trong những công việc tuy đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại là phương pháp vô cùng hiệu quả và được ưu tiên hàng đầu để giảm hiệu ứng nhà kính. Có cây xanh sẽ gia tăng sự hấp thụ khí CO2 thông qua quá trình quang hợp của cây xanh, từ đó, giúp làm giảm lượng khí CO2 trong khí quyển một cách đáng kể, sẽ khắc phục hiệu quả hiệu ứng nhà kính.

Nâng cao ý thức tiết kiệm điện. Điện năng được sản xuất từ việc đốt các nguyên liệu cũng như nhiên liệu hóa thạch. Khi các nguyên – nhiên liệu này đốt sẽ sinh ra một lượng rất lớn CO2 và thải ra môi trường. Không chỉ là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn làm tăng hiệu ứng nhà kính ảnh hưởng xấu đến cuộc sống con người, sinh vật.

Sử dụng phương tiện di chuyển bảo vệ môi trường. Thực tế, những phương tiện di chuyển phổ biến nhất hiện nay như xe máy, ô tô,… khi hoạt động sẽ thải ra khí CO2 rất nhiều và gây ô nhiễm môi trường, cũng như tăng hiệu ứng nhà kính. Vì lẽ đó, nếu có thể bạn hãy tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, đi xe đạp hay đi bộ sẽ là những cách bảo vệ môi trường và trái đất hiệu quả nhất.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đẩy mạnh các công tác truyền thông để bảo vệ môi trường để mỗi người dân tự có ý thức để giảm hiện tượng hiệu ứng nhà kính.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/trai-dat-dang-trong-thoi-ky-nong-nhat-trong-100000-nam–hau-qua-do-hieu-ung-nha-kinh-d220320.html

Nhiệt độ tại Nam Cực tăng nhanh gấp 3 lần phần còn lại của Trái Đất

Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy Nam Cực – nơi xa xôi hẻo lánh nhất của Trái Đất – nóng lên với nhiệt độ khoảng 0,6 độ C trong một thập kỷ, trong khi đó phần còn lại của Trái Đất tăng 0,2 độ C.

Trong 30 năm qua, nhiệt độ tại Nam Cực tăng nhanh gấp 3 lần so với phần còn lại của Trái Đất mà nguyên nhân là do tình trạng ấm lên của các đại dương khu vực nhiệt đới.

Các nhà nghiên cứu tại New Zealand, Anh và Mỹ đã đưa ra kết luận trên sau phân tích dữ liệu tổng hợp về thời tiết trong 60 năm qua, kết hợp với các mô hình dựng bằng máy vi tính.

Phát hiện này hoàn toàn trái ngược với nhiều ý kiến của nhiều người lâu nay cho rằng Nam Cực là nơi có nhiệt độ mát mẻ ngay cả khi khu vực châu Nam Cực đang ấm lên.

Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy Nam Cực – nơi xa xôi hẻo lánh nhất của Trái Đất – nóng lên với nhiệt độ khoảng 0,6 độ C trong một thập kỷ, trong khi đó phần còn lại của Trái Đất tăng 0,2 độ C.

Theo các nhà khoa học, việc nhiệt độ đại dương ấm hơn ở phía Tây Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ qua đã làm giảm áp suất khí quyển trên biển Wedwell ở phía Nam Đại Tây Dương.

Chính điều này đã làm tăng luồng không khí nóng trực tiếp đến Nam Cực, làm ấm hơn 1,83 độ C kể từ năm 1989.

Ngoài ra, các tác giả nghiên cứu cho biết xu hướng nóng lên tự nhiên có thể do khí thải nhà kính nhân tạo và xu hướng này có thể đang che giấu hiệu ứng nóng lên của tình trạng ô nhiễm carbon tại Nam Cực.

Trong thế kỷ 20, nhiệt độ nóng lên được ghi nhận trên khắp Tây Nam Cực và Bán đảo Nam Cực, còn nhiệt độ tại Nam Cực lại giảm xuống. Điều này đã khiến nhiều người cho rằng Nam Cực có thể “miễn dịch” trước tình trạng ấm lên.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất này đã cho thấy điều ngược lại.

Theo lý giải của các tác giả, sự thay đổi này là do Dao động liên vùng Thái Bình Dương (IPO). Chu kỳ IPO kéo dài khoảng từ 15-30 năm, và có sự xen kẽ giữa các trạng thái “dương” – thời điểm vùng biển Thái Bình Dương nhiệt đới nóng hơn và vùng biển phía Bắc Thái Bình Dương lạnh hơn mức trung bình và trạng thái “âm” khi nhiệt độ có sự đảo ngược bất thường.

Các nhà nghiên cứu cho biết IPO đã chuyển sang trạng thái “âm” vào đầu thế kỷ 21, dẫn đến sự đối lưu lớn hơn và cực đoan áp lực hơn ở vĩ độ cao, dẫn đến một luồng không khí ấm hơn ngay trên Cực Nam.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí tại chí Biến đổi khí hậu tự nhiên, số ra ngày 29/6./.

Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/nhiet-do-tai-nam-cuc-tang-nhanh-gap-3-lan-phan-con-lai-cua-trai-dat/649104.vnp

Khi biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai

Những hình thái thời tiết “chưa từng có tiền lệ” cùng những tác động tàn phá môi sinh cũng đã khiến con người nhận thức và hành động quyết liệt hơn để chống biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: ethailand)

“Tình trạng khẩn cấp về khí hậu” – từ điển tiếng Anh uy tín hàng đầu thế giới Oxford đã chọn đây là “Từ của năm 2019,” khi biến đổi khí hậu không còn là mối nguy cơ, không còn là chuyện sẽ xảy ra trong tương lai, mà là những gì người dân trên toàn thế giới, cả nước phát triển lẫn nước nghèo, đã và đang phải hứng chịu từng ngày.

Những hình thái thời tiết “chưa từng có tiền lệ” cùng những tác động tàn phá môi sinh cũng đã khiến con người nhận thức và hành động quyết liệt hơn để chống biến đổi khí hậu.

Năm 2019, một trong 20 năm nóng nhất lịch sử, cũng phản ánh sức “nóng” của các phong trào bảo vệ Trái Đất, từ các mặt báo cho tới đường phố.

Tuy nhiên, đây cũng là năm chứng kiến những bước thụt lùi trong cuộc chiến ngăn nhiệt độ toàn cầu nóng lên khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) lún sâu vào chia rẽ sâu sắc trong những nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nói 2019 là năm của những thảm họa thiên nhiên không có gì là quá khi hầu hết các vùng trên toàn cầu đều trải qua những hình thái thời tiết đáng báo động nhất từ trước tới nay, như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo rằng loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Những đợt cháy rừng có tàn phá khủng khiếp tại “lá phổi Xanh” Amazon hay Australia đều được cho là nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Ít nhất 74.155 vụ cháy rừng đã xảy ra tại Brazil chỉ trong 8 tháng đầu năm, con số cao kỷ lục kể từ năm 2013.

Hơn một nửa trong số này lan rộng ở khu rừng nhiệt đới Amazon đã phát đi tín hiệu cảnh báo nguy cấp và là bằng chứng rõ ràng nhất về sức tàn phá do hoạt động của con người gây ra đối với thiên nhiên.

Biến đổi khí hậu khiến mùa cháy rừng năm 2019 tại Australia bắt đầu sớm hơn mọi năm và diễn biến khắc nghiệt hơn. Ít nhất 3 triệu ha rừng đã bị thiêu rụi trong vài tháng gần đây.


Một nhân viên chữa cháy tại New South Wales. (Ảnh: Stuff.co.nz)

Chìm trong màn khói bụi ô nhiễm từ các đám cháy, thành phố Sydney phải ban bố cảnh báo y tế khẩn cấp. Hỏa hoạn nghiêm trọng hơn do tình trạng hạn hán kéo dài thời gian trước đó, lại càng như được “tiếp sức” khi diễn ra trong những ngày nóng nhất từ trước tới nay tại quốc gia này.

Thiên tai khắc nghiệt, dường như bởi mang theo sự tức giận của thiên nhiên, trút lên những chủ nhân của hành tinh. Nước Mỹ mở đầu năm 2019 với một đợt lốc xoáy vùng cực làm tê liệt toàn bộ khu vực Trung Tây và duyên hải phía Đông trong vài ngày.

Khi đó, hàng chục triệu người Mỹ đã trải qua một đợt lạnh giá sâu, nhiệt độ tương đương Bắc cực và có lúc còn rơi xuống -49 độ C.

Khoảng hai tháng sau, một trận “bom bão tuyết” với những đợt tuyết tan chảy nhanh đã nhấn chìm các vùng đất rộng lớn ở 9 bang thuộc vùng Đồng bằng Mỹ và Trung Tây trong ngập lụt, gây thiệt hại tới hàng trăm triệu USD.

Siêu bão Kenneth hồi tháng 4 san phẳng nhiều vùng ở Mozambique khiến hơn 40 người thiệt mạng và hàng chục nghìn nhà cửa tan biến.

Tuần đầu tiên của tháng 9, bão cấp 5 Dorian với sức gió lên tới 320km/h tấn công quần đảo Bahamas, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng trong khi 250 người khác mất tích, tàn phá hàng nghìn nhà cửa và cơ sở sản xuất.

Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử trên biển Caribbe và là thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất trong lịch sử quần đảo này.

Tháng 10, Nhật Bản “oằn mình” hứng chịu hậu quả của bão Hagabis. Cơn bão mạnh đã cướp đi sinh mạng của gần 40 người và khiến hơn 200 người mất tích.

Trong khi đó, các nước châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Thái Lan, Sri Lanka và Philippines… đều hứng chịu các trận bão mạnh, khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải đi sơ tán và chịu thiệt hại hàng triệu USD.

Lũ lụt và hạn hán ở các quốc gia như Somalia và Cộng hòa dân chủ Congo, khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh đói ăn khi vụ mùa bị mất trắng. Những trận lụt lịch sử, mưa lớn chưa từng có tàn phá hàng triệu ngôi nhà, đẩy người dân vào cảnh “màn trời chiếu đất.”

Các đợt thiên tai liên tiếp nối nhau, thảm họa chồng thảm họa, người dân tại các quốc gia này thậm chí không có thời gian để xây lại nhà cửa hay tìm kiếm nguồn thực phẩm khác.

Hồi tháng 5, Liên hợp quốc phải huy động nguồn quỹ hỗ trợ khắc phục hạn hán tại Somalia thì tới tháng 11, cơ quan này lại tiếp tục phải kêu gọi một đợt khác để khắc phục lũ lụt.

Không chỉ riêng Somaila, cả vùng Đông Phi trải qua tháng 10 với những ngày mưa tầm tã, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất từ năm 1982 đã khiến hàng triệu người dân ở Nam Phi, Angola, Zambia… thiếu nước uống và thiếu lương thực.

Trong năm nay, các vụ lũ lụt, lở đất do mưa lớn gây ra đã tàn phá Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Bangladesh, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Ở châu Âu, tháng 7/2019 là tháng đáng nhớ trong ký ức người dân khi nhiều quốc gia tại châu lục này trải qua hình thái thời tiết “nóng như đổ lửa.”

Nhiệt độ lên mức kỷ lục trên 45 độ C ở nhiều nước; Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan… liên tục ban hành báo động đỏ vì nắng nóng bất thường.

Nền nhiệt tăng cao khiến cháy rừng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khó kiểm soát. Theo báo cáo của tổ chức World Weather Attribution, biến đổi khí hậu nhiều khả năng đã khiến cho mức tăng nhiệt độ cao hơn ít nhất gấp 5 lần so với trước đây.

Phía bên kia Đại Tây Dương, một đợt sóng nhiệt gây nắng nóng bất thường trên diện rộng thiêu đốt các khu vực Trung Tây, duyên hải phía Nam và Đông nước Mỹ khi nhiệt độ có lúc lên tới 37,8 độ C, cướp đi sinh mạng của hơn 20 người.

Tháng 7/2019 được ghi nhận là tháng nóng nhất trên Trái Đất trong 140 năm qua.

Những diễn biến trên đã thực sự làm thay đổi nhận thức của các công dân toàn cầu, từ đó thổi bùng phong trào đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Điển hình là chiến dịch mang tên “Thứ Sáu vì tương lai” do nữ sinh trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng, đã nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người bạn trên toàn thế giới, với hàng trăm cuộc tuần hành hằng tuần ở khắp nơi, yêu cầu chính phủ các nước có hành động và kế hoạch khí hậu cụ thể.

Không chỉ một chiến dịch đơn lẻ, năm 2019 còn chứng kiến làn sóng tuần hành của phong trào “Extinction Rebellion” khởi phát từ Anh và sau đó lan rộng trên toàn thế giới.

Càng về cuối năm, các cuộc tuần hành càng được tổ chức nhiều hơn tại khắp nơi từ châu Âu đến châu Á, thúc ép hành động để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.

Trước những bằng chứng không thể chối cãi và áp lực từ các phong trào, nhiều chính phủ cũng đã bắt đầu điều chỉnh chính sách dù còn chậm. Liên minh châu Âu (EU) và tổng cộng 66 quốc gia đã lên kế hoạch đạt mục tiêu triệt tiêu carbon trước năm 2050. Các thành phố London và Paris cũng đã ban bố các cơ chế khẩn cấp khí hậu và sinh thái chính thức.

Tuy nhiên, vẫn không ít quan ngại rằng những tiến triển trên có thể suy yếu khi các nền kinh tế đang phát triển vẫn cần tới nhiên liệu hóa thạch để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.

Nhiều nước có lượng khí phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil “mập mờ” về việc thực hiện các cam kết về khí hậu trong ngắn hạn.

Ngày 4/11, chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi thỏa thuận toàn cầu này.

Đây được cho là một bước thụt lùi không hề nhỏ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bởi Mỹ từng là quốc gia phát thải nhiều nhất trong lịch sử.

Hội nghị COP 25 diễn ra từ 2/12-15/12 cũng đã kết thúc với một tuyên bố chung chung vì các bên tham gia không ngừng tranh cãi về trách nhiệm và cách phân chia gánh nặng tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Khi tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu đã trầm trọng tới “điểm không thể cứu vãn,” chỉ có con người mới có khả năng cứu hành tinh, cũng là tự cứu chính mình. Năm 2020 được kỳ vọng sẽ là một năm của “sự thay đổi,” của hành động thực chất vì khí hậu trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn./.

Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/khi-bien-doi-khi-hau-khong-con-la-cau-chuyen-cua-tuong-lai/615057.vnp