Posts

Biến CO2 thành nguyên liệu làm chai lọ, giấy gói hoặc vải vóc

Các nhà khoa học ở ĐH Kyoto (Nhật Bản) đã phát triển công nghệ cho phép biến CO2 thành polymer hữu cơ, sau đó có thể được biến đổi thành nguyên liệu làm chai lọ, giấy gói hoặc vải vóc.

Phương pháp mới dựa trên việc hút các phân tử CO2 trong khí quyển và không gây tốn nhiều năng lượng. Vật liệu sau đó có thể được biến đổi thành nguyên liệu làm chai lọ, giấy gói hoặc vải vóc.

“Vũ khí” bí mật ở đây là chuỗi polymer xốp (PCP) được tạo ra từ ion kẽm. Những ion này có khả năng giữ các phân tử CO2 hiệu quả hơn 10 lần so với các polymer khác. Hơn nữa, vật liệu này còn có thể tái sử dụng và tiếp tục có hiệu quả lớn sau 10 lần tái chế.

Làm thế nào thu giữ và tái tạo CO2 mà không tốn nhiều năng lượng?

“Chúng tôi đã thiết kế thành công loại vật liệu polymer xốp, có khả năng giữ các phân tử CO2 với hiệu quả cao; đồng thời có thể nhanh chóng biến thành các vật liệu hữu cơ có ích” – nhà khoa học Ken-ichi Otake ở ĐH Tokyo cho biết.

Ý tưởng cô lập carbon (hay còn gọi là thu giữ carbon) đã xuất hiện từ khá lâu; tuy nhiên tính hoạt động yếu của CO2 khiến cho việc thu giữ và tái tạo mà không tốn nhiều năng lượng trở nên rất khó khăn. PCP có thể là giải pháp để vượt qua rào cản này.

Dựa trên phân tích cấu trúc, các nhà khoa học thấy rằng khi các phân tử CO2 di chuyển đến gần PCP, cấu trúc phân tử của chúng xoay tròn và thay đổi, khiến cho carbon bị giữ lại trong PCP.

Vật liệu PCP hoạt động như một cái sàng phân tử, có khả năng nhận biết phân tử theo kích thước và hình dạng. Sau khi kết thúc quá trình, vật liệu này có thể tái sử dụng hoặc tái chế như polymer hữu cơ.

Phương pháp cô lập carbon mới này có thể trở nên đặc biệt hữu ích trong tương lai. Chính vì thế mà các nhà khoa học ở ĐH Tokyo vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn/Giaoducthoidai (25/10/2019)

Smartphone – kẻ tội đồ phá hủy môi trường sống

Với mức tăng phi mã do nhu cầu luôn muốn đổi máy mới của người dùng và chân lý bán càng nhiều hàng càng tốt từ nhà sản xuất, điện thoại di động đang là thiết bị có đóng góp nhiều nhất trong việc thải carbon ra môi trường sống.

Thiết bị nhỏ nhưng mối lo rất to

Với hầu hết mọi hoạt động công nghiệp của con người ngày nay đều phát ra khí thải nhà kính, nên cũng không quá ngạc nhiên khi biết rằng việc sản xuất và sử dụng điện thoại thông minh cũng để lại nhiều dấu ấn xấu cho trái đất, bao gồm thải khí carbon, sử dụng và phá hủy tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, với smartphone mọi thứ trông càng tệ hơn vì quy mô và tốc độ ảnh hưởng đang tăng nhanh chóng, dấy lên nhiều điều đáng lo ngại.

Năm 2007, riêng ngành công nghệ thông tin (CNTT), bao gồm máy tính (để bàn và xách tay), điện thoại, tablet và các hạ tầng viễn thông như trạm phát sóng, bộ định tuyến (router) và các trung tâm dữ liệu đã đóng góp khoảng 1,3% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Mặc dù con số này có vẻ thấp nhưng nó sẽ tăng gần như gấp đôi lên 2,5% vào năm 2020 theo một nghiên cứu năm 2018 từ trường Đại học McMaster của Canada.

Nếu không được kiểm soát, con số này dễ dàng đạt 14% vào năm 2040, tương đương với hơn một nửa lượng khí thải trên toàn thế giới của cả ngành vận tải và điều này sẽ khiến ngành CNTT trở thành ngành công nghệ gây hại môi trường bậc nhất.

Điều đáng buồn, thiết bị đóng góp nhiều nhất cho việc thải carbon ra môi trường của ngành CNTT lại là thiết bị rất thân quen, mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống chúng ta mỗi ngày – điện thoại thông minh.

Xuất phát điểm với mục đích chính là giúp con người tự do liên lạc ở bất cứ nơi đâu, điện thoại đã trải qua một loạt thay đổi mang tính cách mạng và giờ đây, nó đóng vai trò là một thiết bị đa năng, bao gồm liên lạc (qua rất nhiều cách, chứ không chỉ có gọi điện và nhận cuộc gọi truyền thống), lưu trữ dữ liệu, truy cập thông tin, mua hàng và vô số tính năng khác đang ngày được thêm vào và mở rộng liên tục bởi các kỹ sư công nghệ và các nhà sản xuất.

Sự đa năng của smartphone khiến nó trở thành một vật bất ly thân của hàng chục triệu người trên toàn thế giới, khiến các hoạt động có liên quan smartphone, bao gồm việc sản xuất ra nó, dự đoán sẽ tạo ra một lượng khí thải carbon ở mức 11% trong tổng số lượng khí thải của ngành CNTT vào năm 2020, tương đương 124 triệu tấn CO2, vượt qua mức của máy tính và màn hình.

Lượng khí thải carbon từ điện thoại thông minh không chỉ từ việc sản xuất, mà ngay cả việc sử dụng chúng mỗi ngày. Một nghiên cứu vào năm 2014 đã dự đoán rằng vào năm 2019 này, lượng khí nhà kính thải ra từ việc sạc smartphone sẽ hơn 13 triệu tấn, tương đương với lượng khí thải của 1,1 triệu ô tô.

Chưa dừng lại ở đó, một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy việc xem 1 giờ video trên điện thoại thông minh mỗi tuần trong một năm sẽ tiêu tốn cùng một lượng năng lượng như hai tủ lạnh chạy trong 1 năm. Vì sao có thể lớn đến như vậy? Vì năng lượng tiêu thụ này không chỉ bắt nguồn từ pin của chiếc smartphone mà còn bởi các cơ sở hạ tầng, nơi diễn ra một loạt các hoạt động nền để thực hiện các tác vụ trên điện thoại. Do hầu hết năng lượng để duy trì hạ tầng này được cung cấp từ các nguồn năng lượng không thể tái tạo nên việc sử dụng điện thoại thông minh, nếu không được kiểm soát, chắc chắn sẽ tạo ra sự phát triển không bền vững.

Đáng lưu ý, quá trình sản xuất smartphone chiếm khoảng 85% đến 95% tổng lượng khí thải carbon phát sinh từ thiết bị này. Trong một báo cáo của tổ chức Greenpeace của Mỹ, người ta thấy rằng từ năm 2007 đến 2017, việc sản xuất điện thoại thông minh toàn cầu đã sử dụng khoảng 968 TWh (Terawatt giờ), con số này tương đương với lượng năng lượng toàn bộ quốc gia lớn thứ 2 về dân số là Ấn Độ đã tiêu thụ trong năm 2014. Con số 968 TWh đó được bắt nguồn phần lớn từ nhiên liệu hóa thạch và khoảng 67% trong số đó có nguồn gốc từ than đá.

Để sản xuất ra một chiếc smartphone hoàn chỉnh, người ta khai thác và sử dụng nhiều chất liệu và đây là một quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng. Một loạt các chất liệu điển hình có thể kể đến như nhôm, đồng, coban, vonfram, bạc, vàng, neodymium, indium, palladium và gallium. Chip và bo mạch là 2 thành phần chứa phần lớn các chất liệu cần tốn nhiều năng lượng nhất để khai thác.

Hãy là người dùng thông minh, có ý thức bảo vệ môi trường sống

Về phía người người dùng cuối, khoảng 78% doanh số điện thoại thông minh đến từ người mua một chiếc điện thoại mới để thay thế thiết bị họ đang sử dụng. Con số này phản ánh văn hóa thoải mái vứt bỏ đồ cũ dù chúng vẫn còn sử dụng tốt tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Một phần lớn văn hoá này được thúc đẩy và tiêm nhiễm vào ý thức người dùng thông qua nỗ lực quảng cáo với kinh phí khổng lồ từ cả nhà sản xuất smartphone lẫn nhà cung cấp dịch vụ di động, nhằm đẩy mạnh doanh thu hàng năm phải tăng liên tục.

Các thương hiệu lớn thường tung ra các mẫu mới để lôi kéo người tiêu dùng thay đổi smartphone của họ. Thậm chí tệ hơn, một số nhà sản xuất còn phân phối ra các bản cập nhật phần mềm làm chậm hiệu suất hoạt động điện thoại, điều mà cả Apple và Samsung đã bị phạt vào năm 2018, nhằm tăng thêm lý do để người dùng phải “ngoan ngoãn” mua điện thoại mới.

Hậu quả của những chiến thuật này là vấn đề ngày càng tăng của chất thải điện tử. Đây là loại rác gia tăng nhanh nhất về số lượng hiện nay, gấp đôi so với nhựa. Trong năm 2021, dự kiến ​​sẽ có hơn 50 triệu tấn chất thải điện tử mà loài người phải đau đầu xử lý.

Hầu hết chúng ta đều cần một chiếc smartphone bên mình để hỗ trợ và giải trí trong cuộc sống hàng ngày vì sự đa năng và tiện dụng của nó. Chúng ta nên là người tiêu dùng có trách nhiệm bằng cách sử dụng điện thoại thông minh của mình lâu nhất có thể và tái sử dụng chúng bằng cách gửi tặng cho bạn bè, người thân hoặc sử dụng với mục đích khác (biến chiếc smartphone cũ thành máy phát nhạc, camera an ninh…).

Các nhà sản xuất cần hỗ trợ và nỗ lực nghiên cứu các công nghệ có thể tái sử dụng các vật liệu có giá trị bên trong những chiếc smartphone cũ, giúp cho thị trường điện thoại thông minh phát triển bền vững hơn. Những thay đổi, cải thiện mới trên những phiên bản trong tương lai nên tập trung thêm về những yếu tố thân thiện môi trường, chứ không chỉ quá tập trung vào lợi nhuận, từ đó các nguồn lực có giá trị mới có thể được sử dụng hiệu quả.

Theo moitruong.com.vn/Thegioiso (2/9/2019)