Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Đình Vũ

Hội thảo cộng sinh công nghiệp tại KCN Đình Vũ đã giúp các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ hiểu rõ hơn “bài toán”về cộng sinh công nghiệp. Từ đó tìm ra các giải pháp hữu hiệu để hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội, tiến đến phát triển KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.
Cộng sinh công nghiệp tiến đến mục tiêu phát triển KCN sinh thái

Toàn cảnh Hội thảo

Ngày 22/11/2022 tại thành phố Hải Phòng, diễn ra Hội thảo cộng sinh công nghiệp tại KCN Đình Vũ (DEEP C). Hội thảo do Ban Quản lý Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đồng tổ chức.

Tham gia Hội thảo có ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng; bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO, đại diện Ban Quản lý Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”; ông Ankit Kapasi, Chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái của Sofies; ông Đinh Mạnh Thắng, Chuyên gia cao cấp về sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (VNCPC) cùng đại diện khoảng 80 đại biểu đến từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng, UBND quận Hải An, Điện lực Hải Phòng, một số KCN trên địa bàn Thành phố, các đơn vị cung cấp dịch vụ quan tâm đến Dự án và các doanh nghiệp hoạt động trong KCN Đình Vũ.

Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện từ nguồn tài trợ của SECO; thời gian thực hiện Dự án là 3 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2023). Dự án được triển khai với các KCN được thí điểm lựa chọn là: KCN DEEP C (Hải Phòng), KCN Amata (Đồng Nai), KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng).

Hội thảo nhằm nâng cao kiến thức về cộng sinh công nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp, kế hoạch để hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội, thực hiện các mục tiêu tiến tới KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.

Hội thảo cung cấp những hiểu biết chung về: các khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến nhận diện và thực hiện cộng sinh công nghiệp; cung cấp thông tin về những mô hình cộng sinh công nghiệp; ví dụ điển hình về những cơ hội cộng sinh công nghiệp đã được nghiên cứu, triển khai thực tế tại Việt Nam và trên thế giới.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, được thực hiện bởi UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thông qua Hội thảo, các chuyên gia quốc tế và trong nước về KCN sinh thái sẽ cung cấp góc nhìn tổng quan về cộng sinh công nghiệp và các ví dụ điển hình liên quan đến các loại hình cộng sinh công nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư trong KCN Đình Vũ cùng thảo luận sâu hơn về các cơ hội cộng sinh công nghiệp đã có và các cơ hội cộng sinh được chuyên gia xác định trong quá trình đánh giá hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn. Đồng thời, thông qua hoạt động tương tác sẽ xác định các cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng mới. Đây là cơ sở để Dự án sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng thông qua các hoạt động xác định, sắp xếp thứ tự ưu tiên và triển khai kế hoạch hành động.


Các cán bộ kỹ thuật và quản lý môi trường đến từ KCN Đình Vũ tham dự Hội thảo

Hội thảo nhận được sự quan tâm của các sở, ban, ngành của thành phố Hải Phòng và các đơn vị trong lĩnh vực chuyên ngành môi trường tại Thành phố

Thông qua các hoạt động thảo luận, tương tác sẽ đưa ra được các ý tưởng về những cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng, thứ tự ưu tiên thực hiện các cơ hội, từ đó thực hiện các bước tiếp theo của Dự án; kết nối ý tưởng cộng sinh và các đơn vị có liên quan để triển khai ý tưởng cộng sinh công nghiệp.


Bà Đỗ Thị Hồng Giang, cán bộ Ban Quản lý Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” giới thiệu những nội dung chính của Hội thảo.

Phát triển KCN sinh thái là lựa chọn tất yếu trong tiến trình phát triển toàn cầu


Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng phát biểu chào mừng Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết, phát triển cộng sinh công nghiệp nói riêng và phát triển KCN sinh thái nói chung đã và đang được quan tâm ưu tiên trong chiến lược phát triển KCN bền vững của Việt Nam, cũng như thành phố Hải Phòng. Phát triển KCN sinh thái là một sự lựa chọn tất yếu của Việt Nam, là một lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp và là đòi hỏi mới của tiến trình phát triển toàn cầu, giúp các doanh nghiệp đi nhanh sẽ xây dựng được vị thế cạnh tranh mới.

Theo ông Hải, thực tế cho thấy, việc phát triển mô hình cộng sinh công nghiệp, các KCN sinh thái sẽ là bước tiến đầy triển vọng cho các ngành nghề về lĩnh vực về môi trường của thành phố Hải Phòng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Từ đó, đem lại lợi ích to lớn về tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người, góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, một nền kinh tế gắn với môi trường của Việt Nam trong tương lai. Cộng sinh công nghiệp chính là một trong những phương pháp để đưa nền kinh tế hiện tại đến gần hơn với nền kinh tế tuần hoàn.

“Việc phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái được thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm. Nội dung này đã được Thành phố đưa vào Nghị quyết số 06/NQ-TU, ngày 7/4/2022 của Thành ủy Hải Phòng về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công tác quản lý, thúc đẩy các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030, đưa vào các chương trình, nhiệm vụ hàng năm của Thành phố….”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, việc phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái hiện nay còn rất mới tại Việt Nam, nên gặp nhiều khó khăn, thách thức. UNIDO đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Dự án KCN sinh thái và đã đạt được những kết quả bước đầu. Dự án KCN sinh thái đã đóng góp xây dựng, đánh giá bộ tiêu chí KCN sinh thái, giúp các doanh nghiệp triển khai các hoạt động cộng sinh công nghiệp và sản xuất sạch hơn.

Cùng với đó, việc ra đời Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN, KKT, đã góp phần tạo nhiều động lực để các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp KCN tiến gần đến mục tiêu xây dựng KCN sinh thái và thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn.

“Ban Quản lý KKT Hải Phòng đánh giá cao sự có mặt đầy đủ của các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ và khách mời tham gia Hội thảo. Đây là một cơ hội quý để các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn về cộng sinh công nghiệp, nên đề nghị các doanh nghiệp cần tăng cường thảo luận nhóm và đặt các câu hỏi để các chuyên gia giải đáp thắc mắc liên quan đến chủ đề Hội thảo…”, ông Hải đề nghị.


Bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO, đại diện Ban Quản lý Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” đánh giá tổng quan về dự án KCN sinh thái và nhấn mạnh những cơ sở pháp lý để tạo đòn bẩy triển khai KCN sinh thái thành công tại Việt Nam.

Bà Trâm Anh khẳng định, phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái là một con đường tất yếu và là sự lựa chọn tối ưu của Việt Nam. Hiện việc chuyển đổi sang KCN sinh thái được áp dụng xuyên suốt theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (8 tiêu chí về KCN sinh thái, trong đó có Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn) và chuyển đổi theo khung quốc tế về mô hình KCN sinh thái, bước đầu đã mang lại những kết quả nhất định về hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội.

Bà cho biết thêm, tại Hội thảo này, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ trình bày về bức tranh tổng quan về cộng sinh công nghiệp, một số nghiên cứu điển hình tại Việt Nam đã được triển khai hoặc lên kế hoạch triển khai trong khuôn khổ Dự án; các khách mời và đại biểu tham dự Hội thảo sẽ thảo luận nhóm về xác định các cơ hội cộng sinh công nghiệp và thứ tự ưu tiên, đồng thời đưa ra quan điểm, cũng như cam kết trong việc triển khai thực hiện cộng sinh công nghiệp tại doanh nghiệp.

Cơ hội và các thách thức trong quá trình triển khai cộng sinh công nghiệp


Ông Ankit Kapasi, Chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái của Sofies phát biểu khái quát về cộng sinh công nghiệp.

Tại Hội thảo, ông Ankit Kapasi, Chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái của Sofies đã khái quát tổng quan bức tranh về cộng sinh công nghiệp, trong đó phân tích các giá trị cốt lõi của cộng sinh công nghiệp, bao gồm những khái niệm chính và công cụ thực hiện như: mục tiêu, lợi ích và thách thức của cộng sinh công nghiệp; phương pháp và công cụ nhận diện các cơ hội; cơ cấu và mô hình quản trị…

Chuyên gia Ankit Kapasi cho biết, cộng sinh công nghiệp là sự phối hợp giữa các ngành, các doanh nghiệp khác nhau nhằm sử dụng tài nguyên hiệu quả, cùng chia sẻ tài sản chung (điện, nước, hiệp đồng nguồn cung, khách hàng, sản phẩm phụ) với mục tiêu là tối đa hóa nguồn lực, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho các bên, cộng đồng và đô thị.

Mục đích cụ thể của cộng sinh công nghiệp là tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên, giảm phát thải thông qua quản lý bền vững chất thải và các sản phẩm phụ giữa các ngành/công ty; cộng sinh giữa các công ty giúp hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

“Nói tóm lại, thông điệp chính của cộng sinh công nghiệp là hàng ngày phát thải ra, thực hiện tái chế cộng sinh công nghiệp; là sự hợp tác giữa các bên để đạt được 3 khía cạnh quan trọng về kinh tế, môi trường và xã hội”, chuyên gia Ankit Kapasi nhấn mạnh.

Về khó khăn, thách thức, ông Ankit Kapasi cho rằng, có nhiều vấn đề doanh nghiệp phải đối mặt như: nguồn lực (liệu doanh nghiệp có đủ nguồn lực để triển khai cộng sinh công nghiệp hay không?), thiếu chuyên môn, thiếu nhận thức, chưa nắm bắt được cơ hội.

Để giải quyết khó khăn trên, theo chuyên gia Ankit Kapasi, cần xây dựng mạng lưới, cơ quan điều phối để kết nối các doanh nghiệp hợp tác trao đổi chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật. Các KCN trên thế giới hình thành các trung tâm KCN, các trung tâm này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và chủ đầu tư KCN chuyển đổi sang KCN sinh thái và cộng sinh công nghiệp.

Theo ôngAnkit Kapasi, có 5 loại cộng sinh công nghiệp: chia sẻ tiện ích về cơ sở hạ tầng (dùng chung năng lượng, nước); cung cấp các địa điểm làm việc chung; trao đổi chất thải, sản phẩm phụ (vật liệu dư thừa); chia sẻ về dịch vụ, hoạt động giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa các KCN với nhau; hình thành mối liên kết, tận dụng, chia sẻ tài nguyên, hạ tầng của KCN với dân cư và đô thị lân cận, qua đó tạo ra nhiều việc làm và cơ hội hợp tác, phát triển.

“Cộng sinh công nghiệp và đô thị đóng vai trò rất quan trọng, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương”, ông Ankit Kapasi nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng và phân tích chi tiết một số KCN điển hình trên thế giới đã triển khai tốt cộng sinh công nghiệp, như: KCN Kwinana (Úc); KCN Map Ta Phut (Thái Lan); cộng sinh công nghiệp – đô thị ở Kalundborg (Đan Mạch). Đặc biệt tiêu biểu là KCN Kwinana (Tây Úc), đây là KCN nặng lớn nhất tại Tây Úc đã và đang thu hút các ngành công nghiệp chế biến đa dạng, tạo việc làm cho 4.000 công nhân lao động. Các KCN này đã triển khai tốt cộng sinh công nghiệp, giúp các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào tài nguyên, góp phần nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp; bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và cộng đồng xung quanh KCN; tạo nhiều việc làm cho người lao động và mang lại cơ hội lớn trong thu hút đầu tư.

Thay mặt Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), ông Đinh Mạnh Thắng, Chuyên gia cao cấp về sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn đã trình bày một số cơ hội cộng sinh công nghiệp điển hình; những nghiên cứu tại Việt Nam đã được triển khai thành công thời gian qua và kế hoạch triển khai cộng sinh công nghiệp trong khuôn khổ của Dự án.


Ông Đinh Mạnh Thắng, Chuyên gia cao cấp về sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn trình bày ý kiến tại Hội thảo

Chia sẻ về kết quả hợp phần cộng sinh công nghiệp từ pha trước của Dự án nhằm đánh giá tiềm năng chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái, ông Thắng cho biết, kết quả đạt được tại các KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu (Ninh Bình); KCN Trà Nóc 1 & 2 (Cần Thơ) và KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) tương đối khả quan. Tại Ninh Bình, Dự án đã khảo sát 22 doanh nghiệp, phát hiện 14 cơ hội cộng sinh, lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu 4 cơ hội. Tại Đà Nẵng, đã khảo sát 57 doanh nghiệp, phát hiện 22 cơ hội cộng sinh, lựa chọn nghiên cứu chuyên sâu 7 cơ hội. Tại Cần Thơ đã khảo sát được 58 doanh nghiệp, phát hiện 24 cơ hội cộng sinh và lựa chọn nghiên cứu 8 cơ hội.

Ông Thắng chia sẻ: “Những kết quả tích cực trên đã góp phần lan tỏa và thúc đẩy các doanh nghiệp KCN và các công ty hạ tầng KCN mong muốn được tham gia vào Dự án KCN sinh thái để chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, cùng hiệp đồng công nghiệp, tạo nên nhiều giá trị to lớn về lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội”.

Về rảo cản chính trong cộng sinh công nghiệp, ông Thắng cho rằng, hiện nay Dự án đang vướng mắc bởi các rào cản pháp lý do bị chi phối bởi các luật chuyên ngành về môi trường nhưng chưa giải quyết được (Luật Tài nguyên Môi trường, Luật quản lý chất thải trong KCN…). Mặt khác, đa số các doanh nghiệp trong cùng một KCN không có mối quan hệ để trao đổi, chia sẻ và giao lưu với nhau, nên họ chưa tìm được sự kết nối, tương tác để cùng hiệp đồng cộng sinh công nghiệp, do đó cần có một ban quản lý để kết nối các doanh nghiệp với nhau.


Các chuyên gia nhận xét về bài trình bày của các nhóm thảo luận

Các doanh nghiệp tìm ra nhiều giải pháp triển khai cộng sinh công nghiệp

Các nhóm thảo luận xác định rõ vai trò quan trọng của cộng sinh công nghiệp, vì sẽ mang lại lợi ích cao cho doanh nghiệp. Đa số nghiệp đều ủng hộ cộng sinh công nghiệp và mong muốn triển khai giải pháp này càng sớm càng tốt.

Về cơ hội cộng sinh công nghiệp tại KCN Đình Vũ, những giải pháp được các nhóm đưa ra được các chuyên gia nhận định đều dễ triển khai và đạt lợi ích cao. Mặt khác, KCN Đình Vũ hiện có nhiều lợi thế để triển khai giải pháp này nhờ sự quyết tâm cao của chủ đầu tư KCN Đình Vũ, đã đầu tư nguồn lực con người và cơ sở vật chất toàn diện, đồng bộ phục vụ cho hoạt động triển khai cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn. Đồng thời, KCN này còn luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ tích cực của chính quyền thành phố Hải Phòng và Ban Quản lý KKT Hải Phòng trong suốt quá trình KCN hoạt động đầu tư, kinh doanh.


Chuyên gia Ankit Kapasi hướng dẫn các nhóm xác định cơ hội cộng sinh công nghiệp và giải pháp triển khai thực hiện tại doanh nghiệp

Đánh giá những khó khăn, thách thức khi triển khai cộng sinh công nghiệp tại KCN Đình Vũ, đa số các ý kiến mà doanh nghiệp đưa ra đều nhấn mạnh khó khăn chính về rào cản cơ sở pháp lý, bên cạnh vấn đề về nguồn vốn (do có một vài giải pháp đầu tư lớn nên cần nguồn vốn đầu tư lớn).


Bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO phát biểu bế mạc Hội thảo

Bế mạc Hội thảo, bà Nguyễn Trâm Anh đánh giá cao sự tham gia tích cực, nhiệt tình thảo luận nhóm của các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ, qua đó đã tìm ra các cơ hội, lợi thế, cũng như những thách thức đối với doanh nghiệp, từ đó đưa ra nhiều giải pháp quan trọng để triển khai hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Để giải quyết một trong những khó khăn của các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ về nguồn vốn, bà Trâm Anh cho biết, ngay sau Hội thảo kết thúc, buổi chiều cùng ngày sẽ diễn ra chương trình tập huấn công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và KCN chuyển đổi mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam. Tại buổi tập huấn này, các chuyên gia quốc tế và trong nước của Dự án sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thực hành và sử dụng hiệu quả công cụ tài chính phục vụ cho mục đích chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái.

“Các doanh nghiệp trong KCN Đình Vũ và các đại biểu tham dự Hội thảo tiếp tục tham gia đầy đủ và đóng góp các giải pháp quan trọng trong buổi tập huấn, thực hành và thảo luận hỗ trợ công cụ tài chính cho doanh nghiệp và KCN, nhằm chuyển đổi sang doanh nghiệp sinh thái, KCN sinh thái thành công tại KCN Đình Vũ…”, bà Trâm Anh mong muốn./.

Một số hình ảnh hoạt động tại Hội thảo và bên lề Hội thảo


Ông Florian Beranek, chuyên gia quốc tế của UNIDO tại Hà Nội (ngồi ngoài cùng từ trái sang) tham dự Hội thảo


Ngay trong ngày diễn ra Hội thảo, KCN Đình Vũ đón tiếp Đoàn công tác Bờ Biển Ngà đến thăm quan và tìm hiểu môi trường đầu tư trong KCN

Đoàn công tác Bờ Biển Ngà thăm quan KCN Đình Vũ

Nguyễn Hằng
https://kinhtevadubao.vn/giai-phap-trien-khai-hieu-qua-cong-sinh-cong-nghiep-trong-kcn-dinh-vu-24655.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

Than sinh học: Tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học chính là giải pháp thông minh giúp ứng phó với biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp của Việt Nam. Không chỉ có vậy, than sinh học còn có rất nhiều tiềm năng ứng dụng đang được triển khai tại Việt Nam

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng các đối tác đã phối hợp tổ chức  Sự kiện kết nối nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường than sinh học tại Việt Nam. Đây là hoạt động thuộc Dự án “Thúc đẩy mô hình kinh doanh hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ tại Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Khu công nghiệp Sinh thái Toàn cầu (GEIPP) – Việt Nam do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Dự án nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam với 3 mục tiêu chính: Nhận diện “công nghệ xanh” và nâng cao nhận thức về công nghệ nhiệt phân; Nghiên cứu khả thi và xây dựng các mô hình kinh doanh; Thúc đẩy thị trường than sinh học.

Ông Hannes Zellweger – Trưởng nhóm thực hiện Dự án (ngồi phía bên trái)

Phát biểu tại sự kiện, ông Hannes Zellweger – Trưởng nhóm thực hiện Dự án cho biết: Phát triển và chuyển giao công nghệ xanh là yếu tố trọng tâm trong chiến lược giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không chỉ của Thụy Sĩ mà cả Việt Nam. Sự kiện lần này nhằm kết nối các bên hữu quan hoạt động trong lĩnh vực than sinh học để trao đổi về các khoảng trống và nhu cầu chính của ngành. Đây là bước đệm cho việc định hình và phát triển một diễn đàn cấp quốc gia về than sinh học. Qua đó, khuyến khích tất cả các bên liên quan cùng chia sẻ và trao đổi thông tin; tương tác, hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu; sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ nhiệt phân và than sinh học tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia sự kiện chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo còn góp phần nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giảm phát thải khí nhà kính, kết nối hợp tác để thúc đẩy việc chuyển đổi các phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học có giá trị, đồng thời thúc đẩy thị trường than sinh học.

Than sinh học: Giải pháp giúp ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo UNIDO, than sinh học có nguồn gốc từ sinh khối chất thải nông nghiệp là một công nghệ phát thải âm thông qua việc cô lập các-bon dài hạn và hiệu quả với những lợi ích tiềm năng to lớn trong thực hành nông nghiệp tái tạo. Than sinh học cũng được coi là một giải pháp sạch, hiệu quả và bền vững để khử các-bon trong ngành nông nghiệp, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, một số thành viên từ cộng đồng nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã tiên phong và phát triển các dự án than sinh học hơn 20 năm qua. Lợi ích rõ nét nhất của than sinh học đang được sử dụng là để cải tạo chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng.

TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam)

Tại sự kiện, TS Lương Hữu Thành, Viện Môi trường Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cũng chia sẻ về lợi ích mà than sinh học mang lại đối với ngành nông nghiệp. Theo TS Lương Hữu Thành than sinh học có độ pH cao và có thể hoạt động giống như vai trò của vôi để tăng độ pH của đất. Khi vật chất hữu cơ và thành phần sét trong đất thấp và đất có kết cấu thô thì việc duy trì độ ẩm đất có thể giúp thành lập thảm thực vật và than sinh học có thể trợ giúp để làm điều này. Đặc biệt, việc rửa trôi chất dinh dưỡng cũng có thể giảm được bằng cách áp dụng bón than sinh học cho đất.

Đề cập đến lợi ích từ than sinh học, ông Võ Văn Quốc Bảo đến từ Trường Đại học Nông Lâm Huế cho hay: Với mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ổn định diện tích gieo trồng lúa nước khoảng 51.000 – 52.000 ha/năm. Ước tính cho khối lượng phụ phẩm rơm, trấu sau thu hoạch là 3.944.000 tấn rơm và 724.000 tấn trấu.

Ông Võ Văn Quốc Bảo – Trường Đại học Nông Lâm Huế

Phần lớn lượng phụ phẩm này bị đốt, bỏ trên đồng ruộng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, tắc nghẽn dòng chảy, mất an toàn giao thông… Bên cạnh đó, việc đốt phế phẩm ngoài trời sẽ gây hiệu ứng nhà kính. Do đó, phương pháp để sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm này là ứng dụng công nghệ, thiết bị để sản xuất ra than sinh học, sử dụng để cải tạo đất trồng, giúp tăng năng suất cây trồng.

… Và những tiềm năng khác

Bà Đỗ Thị Dịu- Chuyên gia của VNCPC

Theo bà Đỗ Thị Dịu – Chuyên gia của VNCPC, hiện ngoài ứng dụng trong nông nghiệp, than sinh học còn được ứng dụng rất nhiều trong lọc nước và xử lý nước thải, trong y tế, trong làm đẹp và đời sống hằng ngày. Song các ứng dụng này vẫn chưa được triển khai rộng khắp. Vì vậy rất cần sự chung tay góp sức của các cơ quan, tổ chức, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp để than sinh học ngày càng phát huy được những tác dụng hữu ích của mình.

VNCPC

THƯ MỜI: Sự kiện kết nối nhằm thúc đẩy phát triển thị trường than sinh học tại Việt Nam

Từ năm 2017, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) với sự tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) đã giới thiệu và quảng bá công nghệ nhiệt phân sản xuất than sinh học như một giải pháp thông minh về chống biến đổi khí hậu cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Sự kiện nhằm kết nối các bên hữu quan hoạt động trong lĩnh vực than sinh học và trao đổi về các khoảng trống và nhu cầu chính của ngành. Đây là bước đệm cho việc định hình và phát triển một diễn đàn cấp quốc gia về than sinh học. Qua đó khuyến khích tất cả các bên liên quan cùng chia sẻ và trao đổi thông tin; tương tác, hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu; sản xuất, kinh doanh và ứng dụng công nghệ nhiệt phân và than sinh học tại Việt Nam.

Thời gian: 8.30 – 12.00, Thứ Sáu, ngày 16/09/2022 (Chương trình dự kiến xem ở phần dưới)

Địa điểm: Khách sạn Adonis, số 55 Quang Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Ngôn ngữ: Tiếng Anh và Tiếng Việt

Để tham gia hội thảo, Quý vị vui lòng đăng ký trước ngày 13/09/2022 theo đường dẫn sau: https://vncpc.org/biochar-networking-event/

Các chi phí liên quan đến vé máy bay, đi lại và ăn ở của Quý vị sẽ do dự án chi trả theo định mức quy định. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ Ms. Đỗ Thị Dịu, email: [email protected], ĐT: +84 243.8684.849 (máy lẻ 32) hoặc DĐ: +84 344.864.692.

Than sinh học có nguồn gốc từ sinh khối chất thải nông nghiệp được biết đến là một công nghệ phát thải âm thông qua việc cô lập các-bon dài hạn và hiệu quả với những lợi ích tiềm năng to lớn trong thực hành nông nghiệp tái tạo. Than sinh học cũng được coi là một giải pháp sạch, hiệu quả và bền vững để khử cacbon trong ngành nông nghiệp, qua đó hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, một số thành viên từ cộng đồng nghiên cứu, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã tiên phong và phát triển các dự án than sinh học hơn 20 năm qua. Đến nay, phần lớn các hoạt động đã triển khai ở quy mô thí điểm trong lĩnh vực nông nghiệp với sự hỗ trợ của quốc tế. Cơ hội thương mại hấp dẫn nhất đối với than sinh học ở Việt Nam nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là ứng dụng than sinh học giúp nâng cao chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng. Các hoạt động nghiên cứu về ứng dụng lọc nước và than hoạt tính đang xuất hiện, trong khi đó hiện có rất ít nghiên cứu về quá trình cô lập các-bon. Có thể thấy rằng giữa các nghiên cứu về than sinh học và thực tế sản xuất, tiếp thị và sử dụng than sinh học trên phạm vi toàn quốc vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn.

CHƯƠNG TRÌNH DỰ KIẾN

Thời gian (VN)

Hoạt động

Phụ trách

08h30 – 09h00

Đăng ký đại biểu

09h00 – 09h10 Giới thiệu thành phần tham dự và mục tiêu của hội thảo VNCPC

Bà Nguyễn Lê Hằng

09h10 – 09h20 Phát biểu khai mạc và chào mừng dss+

Ông Hannes Zellweger

09h20 – 09h30 Dự án nhiệt phân quy mô nhỏ dss+

Ông Dominic Hafner

09h30 – 09h45 Các hoạt động nghiên cứu được thực hiện trên than sinh học Đại học/Viện nghiên cứu:

(Xác nhận sau)

09h45 – 10h00 Các tác động về mặt chính sách lên thị trường than sinh học ở Việt Nam Đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT

(Xác nhận sau)

10h00-10h20 Các dự án về than sinh học tại Việt Nam NGOs
10h20-10h30 Cách thức thúc đẩy thị trường than sinh học ở Việt Nam VNCPC

Bà Đỗ Thị Dịu

10h30 – 10h50 Nghỉ giải lao
10h50 – 11h50 Các cuộc thảo luận và sáng kiến để phát triển một nền tảng quốc gia về than sinh học:

–       Hình thức như thế nào? trang web/nền tảng trực tuyến với Hỏi & Đáp, chế độ tìm kiếm, tài liệu công khai (tài liệu báo cáo, chia sẻ và các đường dẫn, liên kết) …

–       Nội dung/tab chính là gì?

–       Nền tảng hoạt động như thế nào? Ngân sách, nguồn nhân lực, cơ chế tương tác

–       Loại đóng góp bằng hiện vật của các bên liên quan

–       Lợi ích và người thụ hưởng

VNCPC

Bà Nguyễn Lê Hằng

 

dss+

Ông Hannes Zellweger

Bà Grishma Jain

Ông Dominic Hafner

11h50 – 12h00 Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo VNCPC

Bà Nguyễn Lê Hằng

Rất hân hạnh được đón tiếp Quý vị tại sự kiện!

VNCPC

Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trân trọng kính mời: Quý đại biểu

Tham dự “Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững” do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức.

Hội thảo này được tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu “Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022.

  1. Mục tiêu hội thảo:

– Nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp.

– Kết nối và hợp tác để thúc đẩy ứng dụng và thương mại hóa công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam trong chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học giá trị.

  1. Thời gian: 14h00 – 16h00, thứ Năm, ngày 28/04/2022
  2. Đầu cầu chính: Phòng 101 B6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.
  3. Chủ trì: Lãnh đạo Vụ HTQT và đại diện UNIDO
  4. Hình thức:

– Trực tiếp tại đầu cầu chính: Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện UNIDO

– Trực tuyến: Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp, hiệp hội, hội, hợp tác xã, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; các cơ quan truyền thông, báo chí.Quý đại biểu tham dự Hội thảo xin đăng ký tham dự trước ngày 27/04/2022 theo đường link sau: https://forms.gle/q2K1yeHjLQDtsgxo6.

Thông tin về phòng họp trực tuyến, ID và mật khẩu sẽ được gửi đến Quý đại biểu tham dự trực tuyến sau khi nhận được đăng ký. Chi tiết liên hệ với Văn phòng ISG, Vụ Hợp tác quốc tế (Đ/c Nhung: Tel: 024.3771.1736/0392.992.235; [email protected])

VNCPC

Tín dụng xanh: Làm sao để tiếp cận?

Vào ngày 30/3 và 1/4, chương trình tập huấn “Các nguồn vốn ưu đãi cho sản xuất bền vững và lập hồ sơ vay vốn” đã được Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), phối hợp với chuyên gia tài chính tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của hàng trăm doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Chương trình tập huấn là hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Xúc tiến cung cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái – công bằng tại Việt Nam” – (Ecofair). Dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ (SMEs) tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản thuộc 6 tiểu ngành: Chế biến gạo; Chế biến hạt điều; Chế biến rau, củ; Chế biến trái cây; Chế biến thịt và Thủy sản.

Các nguồn vốn/cơ chế tài chính hiện có

Theo PGS.TS. Lê Thu Hoa (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân): Hiện có những nguồn có khả năng cấp vốn đầu tư cho dự án của các doanh nghiệp SMEs đó là: Quỹ nội bộ; Vốn cổ phần; Các quỹ/ngân hàng phát triển, Các ngân hàng thương mại; Nhà cung cấp thiết bị/các công ty tài chính; Các chương trình của chính phủ; Các nguồn khác…

Đại diện VNCPC và PGS. TS. Lê Thu Hoa (ngồi giữa) trong chương trình tập huấn.

Cụ thể, Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam đang hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có công trình bảo vệ môi trường; xử lý chất thải; sản xuất sạch hơn; công nghệ và sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế; xử lý chất thải… Với vốn đối ứng tối thiểu 30%, các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu sẽ được vay với lãi suất ưu đãi 2,6%, trong thời gian cấp vốn 7 năm. Hiện quỹ đã có mặt tại 46 tỉnh/thành trên khắp cả nước.

Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với cơ chế tài trợ lãi suất ngắn hạn là 2,16%/năm, trung và dài hạn là 4%/năm. Thời gian cấp vốn 7 năm…

Ngoài ra còn có hình thức cho thuê tài chính trong nước là phương thức cấp tín dụng trung và dài hạn cho dự án đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận chuyển của doanh nghiệp.

Các hình thức cho thuê tài chính khác gồm: Cho thuê tài chính nhập khẩu; Cho thuê tài chính mua và cho thuê lại; Cho thuê vận hành: Khách hàng sử dụng tài sản (máy móc, thiết bị…) của công ty cho thuê tài chính trong một thời gian nhất định và hoàn trả lại tài sản đó cho bên thuê khi kết thúc thời hạn thuê tài sản.

Bên cạnh đó, còn có mô hình dịch vụ năng lượng (ESCO) cung cấp các dịch vụ năng lượng và/hoặc các biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng tại doanh nghiệp dưới  dạng các hợp đồng (EPC).

Quy trình vay vốn

Về quy trình vay vốn và phê duyệt các khoản vay, GS. Hoa cho biết: Khi muốn tiếp cận nguồn tài chính tiềm năng, các doanh nghiệp cần: Thu thập thông tin về những phương cách cho vay/tài trợ trong các năm trước của các nguồn tài chính tiềm năng. Xem xét động cơ thúc đẩy việc cho vay của nguồn cấp vốn khi chuẩn bị đơn xin vay vốn. Dự đoán trước các yêu cầu thông tin cần cung cấp cho các nguồn cấp vốn.

Theo đó, quy trình chung vay vốn và phê duyệt khoản vay sẽ trải qua 11 bước đó là: Tìm kiếm và tiếp cận các nguồn cấp vốn; Thảo luận sơ bộ chính thức với cán bộ tín dụng; Điền đơn xin vay vốn và thu thập các thông tin cần thiết; Nộp đơn xin vay vốn và các tài liệu liên quan cho Ngân hàng/Tổ chức tín dụng; Ngân hàng/tổ chức tín dụng thẩm định hồ sơ; Thỏa thuận các điều khoản cụ thể về khoản vay; Ngân hàng/Tổ chức tín dụng gửi thư cam kết; Ngân hàng/Tổ chức tín dụng gửi bản điều khoản xác định các điều khoản cho vay cụ thể; Ký hợp đồng vay vốn; Giải ngân và nhận vốn; Thực hiện dự án.

Lập hồ sơ vay vốn: Làm sao để nhận được sự hỗ trợ từ chuyên gia?

Bà Tô Hải Yến – Giám đốc dự án Eco-fair chia sẻ: Nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án Eco-fair, tiếp sau hoạt động tập huấn này, dự án sẽ dành nguồn lực kỹ thuật tư vấn trực tiếp miễn phí với các doanh nghiệp thuộc 6 tiểu ngành chế biến nông sản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hồ sơ tiếp cận nguồn vốn cho 20 dự án đầu tư theo hướng sản xuất bền vững.

Mong rằng thông qua các buổi tập huấn, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được các thông hữu ích và đăng ký tham gia các phiên tư vấn trực tiếp về lập hồ sơ vay vốn phù hợp với các nhu cầu đầu tư xanh hiện có.

Thông tin về dự án vui lòng liên hệ:

Ms Hằng: 0912.467.692;  Email: [email protected]

Ms Nhung: 0905.674.739; Email: [email protected]

VNCPC

RECP “chìa khóa” giúp doanh nghiệp chống lạm phát

Khi giá nhiên liệu cùng nhiều nguyên vật liệu liên tục tăng cao, doanh nghiệp đẩy phần khó sang cho khách hàng bằng cách tăng giá bán sẽ không phải là giải pháp lâu dài. Trong bối cảnh này, chỉ có RECP mới thực sự là cách lâu bền giúp doanh nghiệp chống lại lạm phát.

Lạm phát và nỗi lo của doanh nghiệp

Khi lạm phát, chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ tăng theo. Nếu điều chỉnh tăng giá bán sẽ khó giữ chân được người tiêu dùng vì không chỉ giảm lượng mua mà họ còn có thể tìm sản phẩm thay thế khác. Vì vậy, đây thực sự là bài toán nan giải đối với hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ do nguồn vốn hạn chế.

 

 

Hình minh họa.

Song lạm phát có tính chu kỳ và là vấn đề thường xuyên phải đối mặt của hầu hết các nền kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp đều phải chủ động trong việc tìm ra các giải pháp đối phó. Trên thực tế có không ít doanh nghiệp đã đầu tư cho việc cải tiến thay đổi mẫu mã của sản phẩm, thay thế nguyên liệu, đóng gói, cho đến đặc tính của sản phẩm. Chẳng hạn như một số sản phẩm vẫn giữ nguyên giá nhưng lại giảm trọng lượng, khiến cho người tiêu dùng thấy giá không đổi nhưng thực ra là giá đã tăng. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhà cung cấp với danh tiếng thấp hơn cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào.

Trong cái “rủi” có cái “may”

Trên thực tế, các doanh nghiệp chỉ có thể thích ứng với lạm phát vì việc kiểm soát lạm phát phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô của ngân hàng trung ương và của chính phủ. Mỗi khi lạm phát tăng cao cũng là một đợt sàng lọc các doanh nghiệp yếu kém, chính vì vậy chỉ những doanh nghiệp có sự thay đổi để thích ứng nhanh hay đã có những chuẩn bị từ trước mới có thể trụ vững và đón nhận thành quả từ chu kỳ kinh tế kế tiếp.

Hình minh họa.

Trong bối cảnh này, sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) đang được xem là “chìa khóa” không thể thiếu đối với tất cả các doanh nghiệp ở mọi quy mô hoạt động.

RECP là gì?

Theo định nghĩa của UNEP (Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc): RECP là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Đối với quá trình sản xuất: RECP bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại và giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải.

Đối với sản phẩm: RECP bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ.

Đối với dịch vụ: RECP hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

Làm sao để được tư vấn áp dụng RECP vào sản xuất?

Tin vui cho các doanh nghiệp nhỏ vừa và siêu nhỏ trong lĩnh chế biến nông sản tại Việt Nam khi tham gia vào dự án “Xúc tiến cung cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam” (Eco-fair) sẽ được hỗ trợ triển khai RECP vào trong quá trình sản xuất miễn phí, Đây là dự án được liên minh châu Âu tài trợ, hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành chế biến nông sản, chế biến thịt gia súc, gia cầm và thủy sản thực hiện các thực hành sinh thái – công bằng để nâng cao lợi thế khi tham gia các thị trường xuất khẩu tiềm năng, tăng cơ hội kết nối với khách hàng, thị trường.

Với mục tiêu này, một trong những hợp phần quan trọng của dự án là tư vấn trực tiếp áp dụng RECP tại doanh nghiệp. Hoạt động tư vấn này sẽ do Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) thuộc trường Đại học Bách Khoa thực hiện, giúp doanh nghiệp đánh giá, rà soát và nhận diện được các lãng phí về năng lượng, nước, vật liệu đang tồn tại trong hoạt động sản xuất hằng ngày để tìm ra các giải pháp khắc phục nhằm tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận cũng như đáp ứng các yêu cầu sản xuất bền vững từ khách hàng.

Doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ tư vấn miễn phí, vui lòng liên hệ Ms Nhung 0905.674.739; Email [email protected] để được hướng dẫn.

VNCPC