Công nghệ mới tạo ra nấm men chạy bằng năng lượng mặt trời

Các nhà khoa học đã tạo ra công nghệ mới có thể tạo ra nấm men bằng cách thu năng lượng từ mặt trời. Nhóm nghiên cứu cho biết, kỹ thuật này cực kỳ dễ thực hiện, không chỉ giúp hiểu thêm về sự tiến hóa mà còn tạo ra bia và nhiên liệu sinh học tốt hơn.

Bất kỳ nhà sản xuất bia hoặc làm bánh nào cũng biết rằng men rất nhạy cảm với ánh sáng. Việc tiếp xúc với ánh sáng khiến men dễ bị hỏng và sản phẩm như bánh mì hoặc bia không tạo được độ phồng. Chất men phát triển, hoạt động tốt nhất trong bóng tối hoàn toàn và được kiểm soát nhiệt độ cẩn thận. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học tại Georgia Tech đã chế tạo men không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh trong ánh sáng.

Các nhà nghiên cứu đã chỉnh sửa gen của nấm men để biến nó thành sinh vật quang dưỡng – một sinh vật thu ánh sáng và sử dụng nó để tạo ra năng lượng. Hầu hết khả năng này xuất hiện thông qua bộ máy phân tử phức tạp, sẽ quá cồng kềnh để đưa vào một sinh vật không có bối cảnh di truyền thích hợp.

Đối với nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu đã cung cấp cho nấm men công cụ đơn giản hơn nhiều – protein gọi là rhodopsin, có khả năng tự chuyển đổi ánh sáng thành năng lượng. Chúng không chỉ khép kín mà các gen của chúng còn được truyền đi một cách tự nhiên giữa các sinh vật, thông qua quá trình gọi là chuyển gen ngang. Cơ chế này là yếu tố chính trong các quá trình như kháng kháng sinh.


Nấm men được thiết kế để có thể tạo ra năng lượng từ ánh sáng.

Autumn Peterson, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Rhodopsin được tìm thấy trên khắp cây sự sống và dường như được sinh vật lấy gen từ nhau trong quá trình tiến hóa”.

Nhóm nghiên cứu đã tổng hợp gen rhodopsin từ loại nấm ký sinh và đưa nó vào một cơ quan gọi là không bào trong tế bào nấm men. Ngay cả khi không có bất kỳ sự tối ưu hóa nào, nấm men vẫn có thể tạo ra năng lượng từ ánh sáng để hỗ trợ năng lượng thông thường từ oxy. Khi được thắp sáng, men đã qua chỉnh sửa phát triển nhanh hơn men tự nhiên khoảng 2% và hoạt động tốt hơn men đã qua chỉnh sửa để trong bóng tối.

Anthony Burnetti, đồng tác giả của nghiên cứu cho hay: “Ở đây, chúng tôi có một gen duy nhất và chúng tôi chỉ đưa nó qua bối cảnh thành một dòng chưa bao giờ là sinh vật quang dưỡng trước đây và nó vẫn hoạt động. Điều này nói lên rằng hệ thống này thực sự dễ dàng thực hiện công việc trong một sinh vật mới”.

Nhóm nghiên cứu cho biết, nghiên cứu này có thể giúp các nhà khoa học thiết kế chủng nấm men năng suất cao hơn cho mọi thứ từ bia đến nhiên liệu sinh học. Nhưng mục tiêu cụ thể của họ là sử dụng nó để nghiên cứu quá trình tiến hóa, cụ thể là sự sống có thể đã tạo ra bước nhảy vọt từ dạng đơn bào sang dạng đa bào như thế nào. Năm ngoái, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một chút chọn lọc tự nhiên nhân tạo và qua hàng nghìn thế hệ đã phát triển nấm men lớn hơn 20.000 lần và cứng hơn 10.000 lần, hình thành các cụm khuẩn lạc bắt đầu thể hiện một số đặc tính của đa bào.

Một trong những thách thức chính của dự án đó là cung cấp đủ năng lượng cho nấm men đang phát triển. Oxy là nguồn chính của nó, nhưng khi các cấu trúc ngày càng lớn hơn thì việc khuếch tán đủ oxy khắp nơi càng khó khăn hơn. Bước tiếp theo là cần cố gắng thực hiện thí nghiệm tiến hóa đa bào với nấm men quang hướng để xem liệu việc có nhiều lựa chọn hơn để sản xuất năng lượng có giúp tăng cường vi khuẩn hay không.

Hà My
https://vietq.vn/cong-nghe-moi-tao-ra-nam-men-chay-bang-nang-luong-mat-troi-s17-d218104.html

Công nghệ pin hạt nhân có thể sử dụng 50 năm không cần sạc

Một công ty khởi nghiệp Trung Quốc công bố đang trong quá trình nghiêm cứu thử nghiệm thí điểm loại pin hạt nhân siêu nhỏ có thể tạo ra điện trong 50 năm mà không cần sạc hoặc bảo trì.

Thực tế, các nhà khoa học ở Liên Xô và Hoa Kỳ đã có thể phát triển công nghệ này để sử dụng trong tàu vũ trụ, hệ thống tưới nước và các trạm khoa học từ xa, tuy nhiên pin nhiệt hạch vừa tốn kém vừa cồng kềnh.

Do đó với công nghệ mới này, công ty Betavolt có trụ sở tại Bắc Kinh trở thành công ty đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công việc thu nhỏ năng lượng nguyên tử, đặt 63 đồng vị hạt nhân vào một mô-đun nhỏ hơn một đồng xu. Pin hoạt động bằng cách chuyển đổi năng lượng được giải phóng khi phân hủy các đồng vị thành điện năng, thông qua một quá trình được khám phá lần đầu tiên vào thế kỷ 20.


Pin hạt nhân siêu nhỏ có thể sử dụng 50 năm không cần sạc (Ảnh: Independent)

Theo đó pin hạt nhân đầu tiên của Betavolt có thể cung cấp 100 microwatt điện và điện áp 3V, đồng thời có kích thước 15x15x5 milimet khối, tuy nhiên công ty có kế hoạch sản xuất pin có công suất 1 watt vào năm 2025.

Về khả năng ứng dụng, với kích thước nhỏ, pin hạt nhân có thể được sử dụng hàng loạt để tạo ra nhiều năng lượng hơn, do đó có thể tạo ra những chiếc điện thoại di động không bao giờ cần sạc và máy bay không người lái có thể bay mãi mãi. Thiết kế nhiều lớp của nó cũng có nghĩa là nó sẽ không bắt lửa hoặc phát nổ trước lực đột ngột, đồng thời có khả năng hoạt động ở nhiệt độ từ -60C đến 120C.


Mô phỏng cấu trúc của pin hạt nhân cỡ nhỏ do Betavolt đang phát triển.

“Pin năng lượng nguyên tử Betavolt có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng lâu dài trong nhiều tình huống, chẳng hạn như hàng không vũ trụ, thiết bị AI, thiết bị y tế, bộ vi xử lý, cảm biến tiên tiến, máy bay không người lái nhỏ và robot siêu nhỏ”, công ty Betavolt tuyên bố.

Trước lo ngại về pin hạt nhân có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, Betavolt khẳng định: “Pin năng lượng nguyên tử do Betavolt phát triển tuyệt đối an toàn, không có bức xạ bên ngoài và phù hợp để sử dụng trong các thiết bị y tế như máy điều hòa nhịp tim, tim nhân tạo và ốc tai trong cơ thể con người”.

“Pin năng lượng nguyên tử thân thiện với môi trường. Sau thời gian phân rã, 63 đồng vị biến thành đồng vị ổn định của đồng, không có tính phóng xạ và không gây ra bất kỳ mối đe dọa hay ô nhiễm nào cho môi trường”, đại diện Betavolt nói.

Công ty Betavolt hiện đang tiến hành thử nghiệm thí điểm và có kế hoạch bắt đầu sản xuất pin hàng loạt để phục vụ thị trường đại chúng trong tương lai gần.

Duy Trinh (theo Independent)
https://vietq.vn/dot-pha-cong-nghe-pin-su-dung-nang-luong-hat-nhan-co-the-su-dung-50-nam-khong-can-sac-d218037.html

Phát triển vật liệu gỗ trong suốt bền hơn gấp 10 lần so với thủy tinh

Các nhà nghiên cứu đang phát triển 1 loại vật liệu mới, có tên là gỗ trong suốt, mục đích thay thế cho mặt kính hoặc mica có độ bền gấp 10 lần thủy tinh. Nếu thành công, công nghệ này sẽ là 1 bước ngoặt cho ngành công nghiệp màn hình.

Hơn 30 năm trước, nhà thực vật học người Đức, Siegfried Fink đã thành công trong việc tạo ra gỗ trong suốt và ông đã công bố kỹ thuật của mình trong một tạp chí chuyên ngành về công nghệ gỗ. Bài báo năm 1992 này đã là nghiên cứu cuối cùng về gỗ trong suốt trong, cho đến khi một nhà nghiên cứu tên là Lars Berglund tình cờ phát hiện nó.


Mảnh kính được tạo ra từ gỗ trong suốt (Ảnh: USDA Forest Service)

Berglund đã được truyền cảm hứng từ phát hiện của Fink, nhưng không phải vì lý do thực vật học. Nhà khoa học vật liệu này, làm việc tại Viện Công nghệ Hoàng gia (Kungliga Tekniska Högskolan- KTH) ở Thụy Điển, chuyên về composite polymer và quan tâm đến việc tạo ra một lựa chọn mạnh mẽ hơn cho nhựa trong suốt.

Sau nhiều năm thực nghiệm, nghiên cứu của những nhóm này đang bắt đầu đạt được thành công. Gỗ trong suốt có thể sớm được sử dụng trong màn hình siêu cường cho điện thoại thông minh; trong đèn trang trí mềm, sáng bóng; và thậm chí cả như các tính năng cấu trúc, chẳng hạn như cửa sổ có thể thay đổi màu sắc.

“Tôi thực sự tin rằng vật liệu này có tương lai hứa hẹn,” Qiliang Fu, một chuyên gia vật liệu nanotechnolog tại Đại học Lâm nghiệp Nanking ở Trung Quốc, người đã làm việc trong phòng thí nghiệm của Berglund khi là sinh viên nghiên cứu.

Gỗ được tạo ra từ vô số các kênh nhỏ dọc, giống như một bó ống rắn được liên kết với nhau bằng keo. Những tế bào hình ống này truyền chất nước và dưỡng chất qua cây, và khi cây được thu hoạch và độ ẩm bay hơi, các khe hở không khí được tạo ra. Để tạo ra gỗ trong suốt, các nhà khoa học cần phải sửa đổi hoặc loại bỏ keo, gọi là lignin, giữ các bó túi tế bào lại với nhau và cung cấp cho thân cây và những cành cây nhiều tông màu nâu đất. Sau khi tẩy màu lignin đi hoặc loại bỏ nó bằng cách nào đó, một kết cấu xương màu trắng sữa của các tế bào rỗng vẫn còn lại.

Kết cấu này vẫn mờ, vì tường tế bào làm bẻ đè ánh sáng theo một mức độ khác nhau so với không khí trong các túi tế bào – giá trị gọi là chỉ số khúc xạ. Việc điền khe hở không khí bằng chất như nhựa epoxy làm bẻ đè ánh sáng theo một mức độ tương tự với tường tế bào khiến gỗ trở nên trong suốt.

Theo nhà khoa học vật liệu Liangbing Hu, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu về gỗ trong suốt tại Đại học Maryland ở College Park, vật liệu mà các nhà nghiên cứu làm việc thường mỏng – thường ít hơn một milimét đến khoảng một centimet nhưng các tế bào tạo ra một cấu trúc chắc chắn như một cái ổ ong, và những sợi gỗ nhỏ này mạnh mẽ hơn cả sợi cacbon tốt nhất. Và với nhựa thêm vào, gỗ trong suốt vượt trội so với nhựa và kính: trong các thử nghiệm đo lường cách vật liệu dễ vỡ hoặc gãy dưới áp suất, gỗ trong suốt cho khả năng cứng cáp gấp ba lần so với nhựa trong suốt như Plexiglass và khoảng 10 lần so với thủy tinh.

Với những tiến bộ đáng kể này, gỗ trong suốt hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong ngành công nghiệp và đời sống hàng ngày, từ công nghệ màn hình điện thoại thông minh đến trang trí nội thất và cửa sổ thông minh. Nhìn chung, đây là một bước tiến quan trọng trong việc sáng tạo vật liệu và ứng dụng chúng trong thế giới hiện đại.

Duy Trinh (Theo Scientific American)
https://vietq.vn/phat-trien-vat-lieu-go-trong-suot-ben-hon-gap-10-lan-so-voi-thuy-tinh-d217958.html

Sản xuất thành công than sinh học từ vỏ sắn phế phẩm

Nhóm giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã nghiên cứu chế tạo thành công than sinh học từ vỏ sắn phế phẩm ứng dụng làm chất hấp phụ màu xanh methylene trong nước thải.

TS. Đỗ Quý Diễm, thành viên nhóm cho biết, than sinh học (biochar) là khoáng chất dạng rắn giàu carbon, có thể thu được khi nhiệt phân yếm khí sinh khối (biomass) các phụ phẩm nông nghiệp. Tùy thuộc vào nhiệt độ nhiệt phân và loại sinh khối mà sản phẩm biochar thu được có thành phần, tính chất khác nhau.

Phế phẩm cây trồng như rơm rạ, vỏ trấu, sắn, dừa, cà phê, phế thải gỗ… là một trong những nguồn sinh khối tiềm năng để phục vụ nhu cầu sản xuất biochar. Trong đó, vỏ sắn (khoai mì) có hai dạng cấu trúc là vỏ gỗ và vỏ cùi. Vỏ gỗ chiếm 0,5 – 3% khối lượng củ, gồm các tế bào có cấu tạo từ cellulose và hemicellulose, hầu như không có tinh bột.

Vỏ cùi dày hơn vỏ gỗ, chiếm khoảng 8 – 20% khối lượng củ, gồm các tế bào được cấu tạo bởi cellulose và tinh bột. Với loại này, tại các nhà máy sản xuất tinh bột sắn phải thải bỏ một lượng lớn, lượng vỏ sắn trực tiếp thải bỏ gây lãng phí, độc hại và ô nhiễm cho môi trường.


Nhóm giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã nghiên cứu chế tạo thành công than sinh học từ vỏ sắn phế phẩm.

Một trong những loại nước thải gây ô nhiễm môi trường nặng nhất là nước thải dệt nhuộm, sản xuất da, gỗ, mực in… Màu hữu cơ xanh methylene (MB) là hóa chất được sử dụng rộng rãi trong các ngành nhuộm vải, nilon, da, gỗ; sản xuất mực in,… MB có thể gây ra các bệnh về mắt, da, đường hô hấp, tiêu hóa, thậm chí là ung thư.

Do tính tan cao, MB nói riêng và các thuốc nhuộm nói chung là tác nhân gây ô nhiễm các nguồn nước, độc hại đến con người và các sinh vật sống. Hơn nữa, thuốc nhuộm trong nước thải rất khó loại bỏ vì chúng ổn định với ánh sáng, nhiệt và các tác nhân gây oxy hóa.

Thực tế đã có nhiều công trình nghiên cứu phương pháp để xử lý thuốc nhuộm trong nước thải như phương pháp hấp phụ, trao đổi ion, keo tụ…, trong đó phương pháp hấp phụ tỏ ra có nhiều ưu việt bởi tính kinh tế, hiệu quả, thao tác đơn giản và dễ thực hiện. Nhóm nghiên cứu lựa chọn vỏ sắn để tạo than sinh học sử dụng như một chất hấp phụ methylene trong nước thải.

Mẫu vỏ sắn sau khi thu gom được rửa sạch, cắt nhỏ và đem sấy khô ở nhiệt độ 105 độ C trong 3 giờ. Tiếp theo, mẫu được nung yếm khí ở nhiệt độ 600 độ C trong 1 giờ, thu được sản phẩm mẫu than BC-S, có màu đen, không mùi. Kết quả phân tích cho thấy hình thái bề mặt của BC-S ở dạng các hạt phẳng xếp chồng lên nhau, chứa nhiều hóc được biết như là các tâm hấp phụ, kích thước hạt trung bình 10µm.

Xen giữa các hạt phẳng là các rãnh mao quản, hạt phẳng tương đối đều nhau, các lỗ trống xen kẽ nhiều và sâu làm tăng diện tích bề mặt riêng, vì vậy sẽ làm tăng khả năng hấp phụ. Cấu trúc BC-S tồn tại dạng tinh thể carbon graphite chứa các nhóm đặc trưng của than sinh học có diện tích bề mặt riêng là 2,66 m2/g. Các kết quả phân tích cho thấy trong cấu trúc của sản phẩm là một dạng khoáng chứa nhiều nhóm chức hữu cơ và carbon, làm cho than sinh học có khả năng hấp phụ hóa học.

Nghiên cứu khả năng ứng dụng BC-S làm chất hấp phụ MB, tại nồng độ 15ppm, thời gian hấp phụ là 25 phút, cho thấy khả năng hấp phụ cực đại là 5,10 mg MB/g BC-S. Các kết quả cho thấy có thể sử dụng BC-S làm chất hấp phụ xử lý nước thải mang màu rộng rãi ở quy mô công nghiệp.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/san-xuat-thanh-cong-than-sinh-hoc-tu-vo-san-phe-pham-d217942.html

Ủy ban châu Âu đạt được thỏa thuận về kiểm soát xuất khẩu chất thải

Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt được thỏa thuận chính trị về kiểm soát các chuyến hàng hóa có chứa chất thải. Các quy định trong thỏa thuận trên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái sử dụng chất thải làm nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm và thúc đảy sự phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Việc xuất khẩu chất thải nhựa từ Liên minh châu Âu (EU) sang các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD ) sẽ bị cấm. Từng quốc gia cần đảm bảo các điều kiện môi trường nghiêm ngặt trong vòng 5 năm kể từ khi các quy định mới trong thỏa thuận có hiệu lực sẽ được nhập khẩu rác thải từ EU để xử lý. Đồng thời, việc vận chuyển chất thải tái chế trong EU sẽ dễ dàng hơn nhờ các quy trình số hóa hiện đại và Liên minh châu Âu sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống tội phạm buôn bán chất thải.

Thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu chất thải có thể giải quyết lượng rác thải nhựa không ngừng tăng cao vànhững thách thức trong việc quản lý. Với biện pháp này, các nhà lập pháp tại Liên minh châu Âu hi vọng có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường ở các nước thứ ba do rác thải nhựa tạo ra ở EU.

Khai thác tiềm năng của thị trường rác thải tại EU để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn

Việc lưu thông chất thải để tái chế và tái sử dụng giữa các quốc gia thành viên là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi của EU sang nền kinh tế tuần hoàn và đảm bảo an ninh cung cấp nguyên liệu thô.

EU sẽ sớm hiện đại hóa các thủ tục hiện hành để nhanh chóng ứng dụng vào việc vận chuyển chất thải. Thủ tục theo dõi nhanh đối với một số điều kiện do các quốc gia thành viên chỉ định cũng sẽ được thực thi dễ dàng và hiệu quả hơn. Từ đó, các chất thải tái nhập khẩu vào nền kinh tế tuần hoàn trên toàn EU sẽ thuận lợi hơn mà không làm giảm mức độ kiểm soát cần thiết đối với các lô hàng đó.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt được thỏa thuận chính trị về kiểm soát các chuyến hàng hóa có chứa chất thải. Ảnh minh họa

Xử lý nạn buôn bán rác thải

Buôn bán chất thải là một trong những tội phạm môi trường nghiêm trọng nhất hiện nay, gây hại nghiêm trọng đối với môi trường. Hơn nữa, nhiều chuyên gia đã tìm ra mối liên hệ rõ ràng giữa buôn bán chất thải và tội phạm có tổ chức. Có tới 1/3 số lượng vận chuyển chất thải được cho là bất hợp pháp, tạo ra lợi nhuận bất hợp pháp đáng kể hàng năm.

Để tăng cường phản ứng của EU đối với nạn buôn bán rác thải, sẽ có sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia thành viên EU. Từ đó, đề ra nhiều biện pháp trừng phạt răn đe phù hợp đối với tội phạm liên quan đến buôn bán rác thải bất hợp pháp. Ủy ban châu Âu có thể hành động thực tế để hỗ trợ điều tra của các quốc gia thành viên về tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến buôn bán chất thải, với sự tham gia trực tiếp của Văn phòng Chống Lừa đảo Liên minh Châu Âu (OLAF).

Những bước tiếp theo

Nghị viện và Hội đồng Châu Âu giờ đây sẽ phải chính thức áp dụng quy định phù hợp với thỏa thuận chính trị đã đạt được. Sau khi được thông qua chính thức, quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ khi được công bố chính thức.

Ủy ban châu Âu đã chuẩn bị cho việc triển khai nhanh chóng các quy trình kỹ thuật số đúng thời hạn. Sau đó, EU sẽ tiếp cận thông qua các diễn đàn đa phương cũng như song phương để cung cấp và hỗ trợ cho các quốc gia đối tác đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu mới. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động quản lý chất thải tốt hơn và áp dụng các mô hình tuần hoàn hiệu quả trong nền kinh tế các nước đối tác của EU.

Những quy định mới có trong thỏa thuận kiểm soát chất thải trở thành cam kết chính của Thỏa thuận Xanh Châu Âu. Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới và Kế hoạch hành động không gây ô nhiễm cũng như Chiến lược mới của EU nhằm giải quyết tội phạm có tổ chức giai đoạn 2021-2025.

Chất thải có thể là một nguồn tài nguyên có giá trị nhưng nó phải được sử dụng cẩn thận. Khi chất thải được vận chuyển xuyên biên giới không được kiểm soát đúng cách và quản lý bền vững ở các quốc gia nhập khẩu, nó có thể gây hại cho sức khỏe con người và môi trường. Mặt khác, các chất thải này nếu được xử lý đúng cách có thể mang lại nhiều giá trị kinh tế tích cực và nhiều lợi ích đối với môi trường. Đây là trường hợp chất thải được tái chế và sử dụng làm vật liệu thứ cấp thay thế vật liệu thô và góp phần tạo ra nền kinh tế tuần hoàn hơn.

Thương mại quốc tế về chất thải đang không ngừng gia tăng và EU đóng một vai trò quan trọng trong đó. Quy định về vận chuyển chất thải hiện có hiệu lực từ năm 2006. Kể từ khi được thông qua, việc xuất khẩu chất thải từ EU sang các nước thứ ba đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là sang các nước không phải là thành viên của OECD. Việc thiếu các điều khoản chi tiết để đảm bảo chất thải được quản lý bền vững ở các quốc gia tiếp nhận rác thải đã dẫn đến những thách thức về thực thi yếu kém cũng như môi trường và sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia đó.

Khánh Mai (Theo: European Commission)
https://vietq.vn/uy-ban-chau-au-dat-duoc-thoa-thuan-ve-kiem-soat-xuat-khau-chat-thai-d217941.html

Quy định tái chế nhiều sản phẩm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024

Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024.

Cùng với xu thế tất yếu của thế giới, Việt Nam đang từng bước phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải.

Một trong những “giải pháp xanh” cho nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững chính là tái chế chất thải hiệu quả. Định hình được nhân tố này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản nhằm tăng cường quản lý chất thải, tái sử dụng, tái chế, trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Đặc biệt, với mục tiêu hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) với hai trách nhiệm là trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải và trách nhiệm tái chế bao bì, sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Cụ thể, nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ có thêm 2 trách nhiệm: tái chế sản phẩm, bao bì và thu gom, xử lý chất thải. Trong đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo lộ trình: một số sản phẩm, bao bì sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2024; một số sản phẩm thực hiện từ đầu năm 2025 và từ đầu năm 2027. Nhà sản xuất, nhập khẩu có quyền lựa chọn một trong hai phương án: hoặc tổ chức tái chế, hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Với trách nhiệm thu gom, tái chế chất thải, doanh nghiệp phải thực hiện ngay từ ngày 1/1/2022 – thời điểm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực. Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Đây là khoản đóng góp bắt buộc đối với nhà sản xuất, nhập khẩu.


Theo Luật Bảo vệ Môi trường các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Ảnh minh họa

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Tuấn Hùng cho hay, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được doanh nghiệp đưa ra thị trường hoặc nhập khẩu.

Tỷ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên đối với săm lốp là 5%; các loại pin sử dụng cho phương tiện giao thông (như Li, NiMH) và pin sử dụng cho các thiết bị điện-điện tử là 8%; tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với ắcquy từ 8-12%, tùy từng loại (trong đó ắcquy chì 12%, ắcquy các loại khác 8%).

Tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với bao bì là từ 10-22%, tùy từng loại (như giấy carton là 20%, bao bì giấy hỗn hợp 15%, bao bì nhôm 22%, bao bì nhựa PET là 22%, bao bì sắt và kim loại khác 20%); chai, lọ, hộp thủy tinh 15%…

Theo quy định, đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm: Thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, ximăng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế. “Riêng các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có tổng doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng hoặc có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng thì không phải thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì,” ông Hùng thông tin.

Về quy cách tái chế bắt buộc, ông Hùng cho hay theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn nhiều giải pháp tái chế.

Đơn cử như đối với săm lốp, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp tái chế như làm lốp dán công nghệ cao hoặc cắt, thu hồi bột cao su làm cốt liệu hoặc chưng phân đoạn thành dầu. Đối với pin sạc, doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp tái chế như sản xuất kim loại dạng phôi hoặc hóa chất công nghiệp; sản xuất hạt nhựa tái sinh hoặc các sản phẩm phụ từ nhựa như hóa chất thương phẩm, dầu nặng, khí tổng hợp làm nguyên, nhiên liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp…

Đối với dầu nhớt, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể áp dụng các giải pháp tái chế như chưng thu hồi dầu gốc hay loại dầu khác, hoặc chưng thu hồi dầu các phân đoạn. Với bao bì, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp tái chế khác nhau tùy thuộc loại bao bì (như bao bì giấy, giấy carton có pháp tái chế là sản xuất bột giấy thương phẩm hoặc các sản phẩm giấy như giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy).

Với bao bì nhôm, các doanh nghiệp có thể áp dụng giải pháp tái chế là sản xuất phôi nhôm hoặc sản xuất các sản phẩm khác; bao bì nhựa có thể tái chế sản xuất hạt nhựa tái sinh, sản xuất sản phẩm khác như dầu, xơ sợi…

Theo nhiều chuyên gia, EPR là chính sách đột phá trong quản lý chất thải, đưa ra giải pháp hiệu quả về tài chính cho xử lý vấn đề chất thải, đồng thời, EPR thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/thuc-hien-chinh-sach-tai-che-doi-voi–cac-nha-san-xuat-va-nhap-khau-trong-nam-2024-d217868.html