Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam tham gia Hội thảo giới thiệu Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”

Với tư cách là một trong những đơn vị tư vấn tham gia thực hiện Dự án, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tham gia Hội thảo giới thiệu Dự án vào các ngày 6/8, 12/8 và 14/8/2015 được tổ chức lần lượt tại các tỉnh Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng.

Thông qua các hoạt động khảo sát và đánh giá sơ bộ ban đầu tại 3 KCN – gồm KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ) và KCN Hoà Khánh (Đà Nẵng) được lựa chọn thí điểm triển khai chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái – được thực hiện trong tháng 7 vừa qua, PGS. TS. Trần Văn Nhân (giám đốc VNCPC) đã có bài trình bày về tiềm năng thực hiện nâng cao hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) trong các doanh nghiệp tại đây. Kết quả đánh giá sơ bộ của đoàn chuyên gia VNCPC cho thấy toàn bộ các công ty được khảo sát đều có tiềm năng thực hiện cải thiện hiện quả sản xuất và chuyển đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Mức tiết kiệm được ước tính như sau:

  • KCN Khánh Phú (8 doanh nghiệp được khảo sát): năng lượng 5-20%, nước 10-30%;
  • KCN Trà Nóc 1&2 (16 doanh nghiệp được khảo sát): điện 5-30%, nước 5-20%;
  • KCN Hoà Khánh (8 doanh nghiệp được khảo sát): năng lượng 5 – 10%, nước 3-5%;

Ngoài ra, các doanh nghiệp đều có cơ hội tiết kiệm nguyên vật liệu với mức độ phụ thuộc vào các ngành nghề khác nhau.

IMG-20150806-03313

PGS. TS Trần Văn Nhân – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn VN trình bày báo cáo sơ bộ về tiềm năng RECP của các doanh nghiệp trong buổi hội thảo tại Ninh Bình 06/08/2015 

Trong khuôn khổ Dự án, các doanh nghiệp tại đây khi đăng ký tham gia dự án sẽ được đào tạo về RECP, được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và nguồn vốn để đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm chất thải ra môi trường. Hỗ trợ từ Dự án được thực hiện theo quy trình toàn diện gồm: đánh giá hiện trạng, xác định tiềm năng và phương án chuyển đổi, lập hồ sơ vay vốn để tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính như Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (bảo lãnh 50% và trả thưởng tới 25% vốn vay ) hoặc hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Bảo vệ Môi trường, Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia với các dự án thay đổi công nghệ khả thi.

Mr. Dong_Can Tho-1

Ông Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo tại thành phố Cần Thơ ngày 12/08/2015

Tại các Hội thảo, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời là Giám đốc Quốc gia của Dự án đã có lời phát biểu khai mạc và khẳng định “ Với cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các công nghệ sản xuất tiên tiến và các nguồn tài chính ưu đãi, thực hiện chuyển đổi với chi phí hợp lý, Dự án hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng doanh thu gắn với phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập hiệu quả”.

Tiếp theo phiên khai mạc, tại Ninh Bình, ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã có lời phát biểu chào mừng Hội thảo. Tại Cần Thơ, ông Trần Minh Kiệt – Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN và Khu Chế xuất thành phố Cần Thơ đã phát biểu chào mừng Hội thảo và đánh giá “các hỗ trợ của dự án dành cho các doanh nghiệp trong tỉnh để cải thiện sản xuất, được hỗ trợ về vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ là kịp thời và cần thiết cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay”. Tại Đà Nẵng, ông Lê Hoàng Đức – Phó ban Quản lý các KCN và Khu Chế xuất thành phố Đà Nẵng cũng có lời phát biểu chào mừng Hội thảo và cho rằng việc lựa chọn KCN Hòa Khánh của Đà Nẵng làm mô hình thí điểm là rất hữu ích cho các doanh nghiệp tại đây.

IMG_2793

Ban Chủ toạ Hội thảo tại Đà Nẵng ngày 14/8/2015 

Tại hội thảo, ông Heinz Leuenberger – Cố vấn trưởng kỹ thuật của Dự án đã có bài thuyết trình giới thiệu Dự án, mô tả các hoạt động và lợi ích Dự án sẽ mang lại cho sự phát triển các KCN nói chung và doanh nghiệp trong KCN nói riêng.

IMG_2788

Ông Heinz Leuenberger – Cố vấn trưởng Dự án trong bài phát biểu tại hội thảo ở Đà Nẵng 14/08/2015

Trong phần giới thiệu về cơ chế tài chính xanh cho các hoạt động đầu tư công nghệ sạch và phát thải ít các bon dành cho các doanh nghiệp trong KCN, TS. Nguyễn Đình Chúc – Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng nhận định “Một trong những khó khăn cơ bản mà các doanh nghiệp trong nước gặp phải là tiếp cận tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho các khoản đầu tư vào công nghệ do hạn chế trong năng lực lập hồ sơ kỹ thuật và tài chính. Cơ chế hỗ trợ của Dự án sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản chi phí để đầu tư cho sản xuất và cải thiện công nghệ. Đây là lợi thế nổi trội mà các doanh nghiệp tham gia Dự án có được khi tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi từ Dự án”.

Kết thúc chương trình Hội thảo buổi sáng, đoàn chuyên gia và đại diện Ban quản lý Dự án đã có buổi làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp gồm: Nhà máy Kính nổi Tràng An – Chi nhánh công ty TNHH Dương Giang (KCN Khánh Phú); Công ty Thuỷ sản Quang Minh, Công ty Thuỷ sản Phương Đông và Công ty TNHH Thái Sơn(Khu CN Trà Nóc 1); Công ty Thép Việt Mỹ và Nhà máy Giấy Tân Long (Khu CN Hoà Khánh) vào buổi chiều cùng ngày. Các doanh nghiệp đều bày tỏ sự quan tâm đến Dự án và một số công ty đã đăng ký tham gia ngay sau buổi làm việc cũng như cam kết sẽ tích cực phối hợp với bên Dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO và các cơ quan liên quan hy vọng kết quả của Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ và cải thiện môi trường tại các KCN, đồng thời, là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên cả nước.

Theo Admin VNCPC