Tăng cường hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp

Sáng 18-9, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn giai đoạn 2005 – 2015. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết và Giám đốc Sở Công Thương Phan Văn Kha đồng chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Công thương, từ năm 2005 đến 2015, hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn đã phát huy hiệu quả tốt sau khi tiếp nhận hỗ trợ từ Chương trình khuyến công, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước tăng đóng góp cho ngân sách. Số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn từ 667 cơ sở đã tăng lên 990 cơ sở; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp huyện Hòa Vang cũng có sự chuyển dịch tăng từ 338 tỷ đồng (năm 2005) đến 1.532 tỷ đồng (năm 2014). Với tổng kinh phí khuyến công 7.400 triệu đồng, Sở Công thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp các cơ sở công nghiệp nông thôn tổ chức đào tạo nghề với nhiều ngành nghề đa dạng: chạm khắc đá mỹ nghệ, sản xuất chổi đót, sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, may công nghiệp, sản xuất mây tre đan. Số lao động có việc làm đạt khoảng 85% với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/ người/ tháng. Đặc biệt, 24 mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc hiện đại , xây dựng mô hình thí điểm về sản xuất sạch hơn… đã thu hút 44 tỷ đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp, tập trung các lĩnh vực cơ khí sửa chữa, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất bao bì cacton, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Kha – Giám đốc Sở Công Thương cho biết hiện hoạt động khuyến công tại Đà Nẵng chủ yếu tập trung tại Huyện Hòa Vang. Với kinh phí khá khiêm tốn (bình quân 160 triệu đồng/năm), một số đề án không thực hiện được hoặc tiến độ chậm do các cơ sở không đủ vốn, không vay được vốn hoặc do bị ảnh hưởng bởi tiến độ đầu tư nhà xưởng, mặt bằng sản xuất kéo theo việc triển khai thiết bị chậm lại. Công tác xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công còn nhiều khó khăn do doanh nghiệp còn tâm lý e ngại, chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, hiệu quả của hoạt động khuyến công mang lại đối với đơn vị, nên chưa mặn mà phối hợp triển khai đề án. Công tác tuyên truyền giới thiệu các mô hình sản xuất sản phẩm mới, công nghệ sản xuất mới, nhân rộng mô hình còn hạn chế.

Cũng theo ông Kha, trong giai đoạn 2016 -2020, công tác khuyến công thành phố sẽ  tập trung đẩy mạnh phát triển cơ sở công nghiệp nông thôn trên cơ sở hỗ trợ thúc đẩy các ngành nghề, sản phẩm đang có lợi thế, khôi phục, phát triển những ngành nghề truyền thống, ngành nghề phù hợp với địa phương: hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, hàng đặc sản, hàng lưu niệm phục vụ du lịch và xuất khẩu. Đặc biệt, đa dạng hóa các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu và giảm thiểu phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo sức lan tỏa trong việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.

Nhân dịp này, 7 tập thể, cá nhân được Sở Công thương thành phố và 3 tập thể được UBND thành phố trao tặng bằng khen vì những đóng góp trong hoạt động khuyến công giai đoạn 2005 – 2015.

Theo danang.gov.vn