Năm 2014, nhiều chính sách mới về Tài nguyên và Môi trường được ban hành và thực hiện

Năm 2014, nhiều chính sách mới thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Tài nguyên và Môi trường đã được ban hành và triển khai thực hiện trên toàn quốc. Điển hình như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai… thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân và doanh nghiệp.

KCN
 Ảnh minh họa

Đề cập về những kết quả ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được trong năm 2014, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định: “Nhìn chung, công tác của Bộ trong thời gian vừa qua được triển khai tích cực, nhiều việc lớn của Bộ đã được hoàn thành. Các đơn vị trực thuộc Bộ đã thực hiện tốt kế hoạch, nhiệm vụ được giao; đẩy nhanh tiến độ giải ngân; tập trung cao độ cho việc xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 của đơn vị, của ngành. Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ. Bộ đã tập trung xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8; xây dựng các văn bản quy định chi tiết và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản Luật”.

Những kết quả cụ thể đó là: Bộ hoàn thành việc tham mưu trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định; 13 Thông tư thuộc thẩm quyền để hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng chính sách pháp luật đất đai đã ban hành số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo trình tự thủ tục, kịp thời, khoa học, tính thực tiễn cao. Đặc biệt, hiệu lực thi hành Luật Đất đai năm 2013 (1/7/2014) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sẽ cùng thời điểm. Qua đó đã loại bỏ được khoảng trống pháp luật so với trước đây, được cộng đồng ghi nhận đánh giá cao.Tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và công bố các thủ tục hành chính mới lĩnh vực đất đai tại Quyết định số 1839 ngày 27/8/2014. Theo đó, gồm 41 thủ tục đối với Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, giảm 30 thủ tục so với trước đây; 62 thủ tục đối với địa phương chưa thành thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp, giảm 9 thủ tục so với trước đây. Việc công bố nhằm đảm bảo sự thống nhất, công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; góp phần phát triển kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí tài nguyên đất đai.

Hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương xây dựng Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đây là một Dự án Luật quan trọng nhằm thể chế hóa các chính sách lớn của Đảng, Nhà nước; là cơ sở để quản lý tài nguyên biển và hải đảo một cách tổng hợp, thống nhất; bảo vệ, khai thác bền vững và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế – xã hội trước mắt và lâu dài; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường biển và hải đảo; giải quyết cơ bản các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên biển và hải đảo giữa các ngành, các cấp… Ngày 23 tháng 6 năm 2014, Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được Chính phủ trình Quốc hội để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.

Ban hành Nghị định số 51/2014 ngày 21/5/2014 của Chính phủ, quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tổng hợp, thống nhất nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên biển, hải đảo, bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, hải đảo; các mâu thuẫn, xung đột về lợi ích giữa các hoạt động kinh tế trên cùng một khu vực biển, nhiều chức năng của khu vực biển bị khai thác quá mức hoặc việc sử dụng các khu vực biển không phù hợp với vị trí địa lý, quy luật tự nhiên và chức năng sử dụng của khu vực biển dẫn đến các hệ sinh thái dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng gia tăng.

Về lĩnh vực môi trường: Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (Luật số 55/2014/QH13) với đa số phiếu tán thành vào ngày 23/6/2014. Luật Bảo vệ Môi trường 2014 gồm có 20 chương, 170 điều trong đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo nguyên tắc Nhà nước quản lý thống nhất về bảo vệ môi trường; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng về bảo vệ môi trường; xác định rõ hơn nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường và nhiệm vụ được chi từ kinh phí sự nghiệp môi trường; bổ sung thêm nội dung mới về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; gắn kết bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh tăng trưởng xanh, khuyến khích phát triển công nghiệp và đô thị sinh thái; khuyến khích sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) thứ 2.203 của thế giới, thứ 6 của Việt Nam và là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Vườn quốc gia Côn Đảo hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển rất đặc sắc và hiếm có trên thế giới và đã được Ngân hàng Thế giới đưa vào danh sách hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu và là khu vực trọng điểm nằm trong kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam.

Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 45 ngày 8/1/2014. Đây là lần đầu tiên, Quy hoạch được xây dựng và việc ban hành văn bản này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm; duy trì, phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu; phục hồi diện tích hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia; mở rộng, thành lập thêm và vận hành có hiệu quả các hành lang đa dạng sinh học nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, ngành Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thành công việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định tại Nghị định số 203/2013 của Chính phủ ban hành ngày 28/11/2013 quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, tổng số Giấy phép khai thác khoáng sản Trung ương cấp phải thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là 495 Giấy phép; ước tính tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của 495 Giấy phép khai thác khoáng sản khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Trong đó thu trong năm 2014 gần 2.500 tỷ đồng. Ngoài việc tăng thu ngân sách nhà nước, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản căn cứ theo yêu cầu trữ lượng, chất lượng khoáng sản nằm trong lòng đất đã nâng cao công tác về quản lý nhà nước về khoáng sản.

Về khoáng sản, đã phát hiện than quy mô lớn, chất lượng tốt ở khu vực ven biển huyện Tiền Hải, Thái Bình. Kết quả phân tích cho thấy than có chất lượng tốt, xác định được vị trí phân bố của 5 tập chứa than và các vỉa than trong tập, đạt mục tiêu giai đoạn đến 2015 của Đề án với tài nguyên than cấp 333 đạt 3 tỷ tấn trên diện tích 265 km2. Điều đó cho thấy tiềm năng than ở Bể Sông Hồng là rất lớn với công nghệ khí hóa than ngầm trong tương lai gần, việc khai thác than ở Bể Sông Hồng là khả thi. Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng chuẩn hóa năng lượng của đất nước trong những năm tiếp theo.

Hoàn thành giai đoạn I Đề án Chính phủ “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam cho 10 tỉnh miền núi phía Bắc. Theo đó, hoàn thành bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đa tỷ lệ 1:50.000 của 10 tỉnh miền núi khu vực phía Bắc; khoanh định các vùng nguy hiểm, tiềm ẩn các nguy cơ trượt lở trong mùa mưa lũ; giúp các cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng quy hoạch định hướng phát triển kinh tế, dân cư, giao thông, phòng chống thiên tai một cách hiệu quả và bền vững.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ trì công bố Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng và đưa vào vận hành trong mùa lũ năm 2014 nhằm thống nhất về việc xả lũ, đảm bảo phát điện, nhất là an toàn cho dân cư vùng hạ du. Quy trình đã quy định cụ thể chế độ vận hành, cơ chế phối hợp giữa các chủ hồ; trách nhiệm của địa phương, các bộ ngành trong chỉ đạo, điều hành,kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình của các chủ hồ, các cơn quan có liên quan.

Hoàn thành báo cáo cập nhật 2 năm/lần lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Báo cáo được gửi đến Ban Thư ký Công ước khí hậu trước khi tổ chức Hội nghị lần thứ 20 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP20) vào tháng 12 năm 2014 tại Lima, Pê-Ru. Việt Nam là một trong các nước đang phát triển trên thế giới sớm hoàn thành xây dựng báo cáo; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Qua đó nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả nghĩa vụ và cam kết của Việt Nam – một bên nước tham gia Công ước khí hậu đối với việc triển khai các Chương trình biến đổi khí hậu ưu tiên; hướng đến xây dựng nền kinh tế cac-bon thấp theo hướng tăng trưởng xanh. Là tài liệu quan trọng giúp cơ quan Trung ương, địa phương xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những kết quả nổi bật nêu trên của ngành Tài nguyên và Môi trường là tiền đề quan trọng để ngành bước vào thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được giao. Để tạo nên những đột phá trong năm 2015, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang yêu cầu ngay từ bây giờ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và ngành tập trung chỉ đạo sâu sát hơn nữa đối với từng mảng công việc của đơn vị; hoàn thành các nhiệm vụ ngay từ tháng đầu năm bảo đảm chất lượng và hiệu quả cao.

Với những nhiệm vụ chung, Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục trực tiếp chỉ đạo cải cách hành chính; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Bộ trong đơn vị; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị chấp hành nghiêm chế độ, thời gian làm việc, tham dự các cuộc họp đúng giờ; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị trong việc tham gia phối hợp giải quyết công việc và thực hiện Chương trình công tác.

Tăng tốc đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện tốt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thiện, trình Bộ trưởng ban hành 35 thông tư, thông tư liên tịch, bảo đảm chất lượng đúng tiến độ; hoàn thiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 ngành tài nguyên và môi trường. Hoàn thiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2015. Lập kế hoạch giao ban công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường theo 3 miền trong năm 2015.

Tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhân sự của các đơn vị trực thuộc Bộ; kiện toàn tổ chức, bộ máy của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Hoàn thiện Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức của Bộ; Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của các Viện thuộc Bộ. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; hoàn thiện Chiến lược phát triển các trường trực thuộc Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia và cấp Bộ giai đoạn 2016-2020; trình Bộ trưởng Quy chế quản lý các đề tài dự án khoa học và công nghệ (sửa đổi).

Khẩn trương hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa giới hành chính gắn liền với việc xây dựng hồ sơ địa giới hành chính; công tác phân giới cắm mốc Campuchia; tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam- Lào; các nhiệm vụ liên quan đến vấn đề Biển Đông…

Theo: stnmt.binhthuan.gov.vn