“Mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng”: Vận hội mới cho ngành thủy sản

Với tiềm năng to lớn, ngành thủy sản sẽ đóng vai trò động lực, đi đầu trong công cuộc đột phá phát triển “Mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng”, một nội dung quan trọng trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Sứ mệnh đặc biệt

Với tổng sản lượng thuỷ sản năm 2013 đạt gần 6 triệu tấn đã giúp nâng bình quân đầu người dân Việt Nam một năm về thuỷ sản lên hơn 66,5kg. Đây là con số có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với đời sống kinh tế – xã hội người Việt Nam hôm nay. Bởi với một nước trên 90 triệu dân, mà tổng sản lượng các loại thịt gia súc gia cầm năm 2013 mới đạt khoảng 4,3 triệu “tấn hơi xuất chuồng”, nghĩa là Việt Nam còn là “quốc gia nghèo” về nguồn thịt thực phẩm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển thể chất giống nòi. Như vậy, nếu nghèo cả “tôm – cá” ở cả vĩ mô, cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chắc chắn không thể kiềm giữ được lạm phát ở mức như hiện nay.

Với nhịp độ tăng trưởng khoảng 5,5%/năm trong 3-4 năm gần đây, theo số liệu Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thuỷ sản năm 2013 lớn gấp gần 2 lần năm 2005. Giá trị sản xuất thuỷ sản theo giá hiện hành từ 63.678 tỷ đồng năm 2005 tăng lên hơn 230.000 tỷ đồng năm 2013, gấp 3,5 lần so năm 2005… Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản năm 2013 đã đạt trên 6,7 tỷ USD, loại trừ kim ngạch nhập khẩu, thủy sản xuất siêu trên 6 tỷ USD, trở thành mặt hàng xuất siêu lớn thứ 4 của cả nước và là mặt hàng duy nhất có yếu tố trong nước sau 3 mặt hàng có yếu tố ngoại quốc (điện thoại di động, dệt may-giày dép và dầu thô). Trong đó, đáng chú ý, riêng tôm đông lạnh xuất khẩu từ 1,27 tỷ USD năm 2005 lên gần 2 tỷ USD năm 2013, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, và cá đông lạnh xuất khẩu (chủ yếu cá tra, cá basa) cũng từ 0,6 tỷ USD năm 2005 lên khoảng 2,5 tỷ USD năm 2013…

Từ các góc nhìn vĩ mô có thể khẳng định, ngành thuỷ sản đang và sẽ là một trong những ngành mũi nhọn sáng giá của nền kinh tế biển Việt Nam, cả hiện tại và tương lai.

Tăng đầu tư, mở rộng liên kết

Đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự hỗ trợ to lớn và hiệu quả của Nhà nước, mà tiêu biểu là sự phát triển vượt bậc của đội tàu khai thác hải sản xa bờ với tổng công suất vượt 6 triệu CV, gấp hơn 2 lần năm 2005, theo Tổng cục Thống kê, hiện có khoảng 28.000 chiếc tàu so với 20.537 chiếc năm 2005. Tuy nhiên, những kết quả đạt được, theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng biển của Việt Nam.

Hơn 66kg thuỷ sản/đầu người/năm vẫn là con số khiêm tốn so với nhiều quốc gia có biển trên thế giới. Năm qua cả nước đã phải nhập khẩu hàng triệu tấn thức ăn chăn nuôi trị giá hơn 3 tỷ USD, tăng 23,6% so năm trước, trong đó, ngoài ngô, đậu tương, khô lạc thì bột cá luôn là chất liệu chủ lực mà nhập khẩu mỗi năm một nhiều. Có thể nói, ngành chăn nuôi gia súc gia cầm ở Việt Nam chưa phát triển được như mục tiêu kế hoạch đề ra từ hơn 10 năm trước, một phần là do thiếu sự “hậu cần, hậu thuẫn” của ngành thuỷ sản.

Hơn nữa, hiện còn rất thiếu những sản phẩm thuỷ sản chế biến cao cấp, có giá trị gia tăng cao, là những sản phẩm có thể phục vụ đắc lực cho các hoạt động du lịch và xuất khẩu. Nguyên nhân xuất phát từ sự “…thiếu  liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt”, đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nhà nước sẽ có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh CNH nông nghiệp, HĐH nông thôn. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hoà lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông – công nghiệp – dịch vụ công nghệ cao gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững.

Hiện thực hóa những ý tưởng nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ ngành trồng trọt, chăn nuôi, mà cả ngành thuỷ sản sẽ có bước đột phá phát triển, đưa nền nông nghiệp Việt Nam tiến lên phát triển toàn diện, bền vững.

Tuy vậy, bên cạnh những chính sách, giải pháp của Chính phủ, rất cần mở rộng liên kết liên doanh, hợp tác đầu tư trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, để lấp đầy dần “vùng lõm” trong khu vực nông – lâm – thuỷ sản hiên chỉ chiếm chưa đầy 1,5% tổng vốn FDI tại Việt Nam./.

Theo VEN