Hướng đi bền vững cho cá tra

Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) về sản xuất và tiêu thụ cá tra tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, ngành công nghiệp cá tra sẽ có sự thay đổi từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ, bảo đảm cho người nuôi thu lãi từ 1.000-1.500 đồng/kg. Tổng lợi nhuận năm 2015 đạt từ 1.200-1.800 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt từ 1.600-2.400 tỷ đồng.

Netting-the-Fish

Theo Bộ NN&PTNT, tình hình tiêu thụ cá tra của Việt Nam trong những năm gần đây gặp không ít khó khăn. Tại các tỉnh có vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL, đến cuối tháng 5/2014 đã thả nuôi 2.954 ha, giảm 19% so cùng kỳ; trong đó thu hoạch 1.487ha, giảm 13% và sản lượng thu hoạch đạt 335.023 tấn, giảm 19,7% so cùng kỳ. Giá bán cá tra nguyên liệu có nhiều chuyển biến: Tháng 1/2014 dao động ở mức 21.000-23.000 đồng/kg, nhưng từ tháng 2 đã tăng lên và đạt đỉnh vào tháng 4/2014 ở mức 27.000 đồng/kg. Người nuôi cá bắt đầu có lãi. Tuy vậy, hiện nay, thị trường xuất khẩu có dấu hiệu chững lại nên nhu cầu thu mua cá của các doanh nghiệp cũng giảm thấp, giá cá tra loại 0,8-0,85 kg/con chỉ còn 22.000-23.000 đồng/kg.

Chính vì thế, Bộ NN&PTNT đã nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách, triển khai kế hoạch để khắc phục tình trạng này. Theo đó, ngành công nghiệp cá tra sẽ có sự thay đổi từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ.

Bộ NN&PTNT quy hoạch đến năm 2020, diện tích nuôi cá tra trong vùng là 7.260ha (theo chuẩn VietGAP), phân bố tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang. Đây là những địa phương có chế độ thủy văn thuận lợi, cụ thể là lưu lượng dòng chảy lớn, trao đổi nước tốt và tự làm sạch dòng chảy tốt, giúp giảm thiểu ô nhiễm nước mặt cục bộ. Trong đó, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp dẫn đầu về diện tích với 4.230ha. Các tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sản lượng đạt 1,6 triệu tấn, chế biến đạt từ 750.000-800.000 tấn thành phẩm, trong đó tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao đạt 15-20%, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2,5-3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 29.000 lao động.

Hiện ĐBSCL có 94 nhà máy chế biến cá tra, tổng công suất gần 1 triệu tấn/năm, thừa khả năng chế biến sản lượng cá tra sản xuất từ nay đến năm 2020. Vì vậy, các tỉnh không xây dựng mới mà khuyến khích đầu tư nâng cấp nhằm tăng năng lực chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao của các nhà máy. Trong năm 2014-2015, các tỉnh đổi mới dây chuyền sản xuất tại các nhà máy hiện có nhằm nâng cao chất lượng thành phẩm, giảm giá thành sản xuất. Từ năm 2016-2020, các tỉnh không phát triển thêm dây chuyền sản xuất cá tra philê mà tập trung đầu tư lắp mới nhiều dây chuyền sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công suất 45.000 tấn/năm. Công nghệ mới được đưa vào sản xuất phụ phẩm cá tra để tạo ra sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như: cá tra đóng gói nhỏ để nấu hay ăn liền, bào chế dược phẩm, mỹ phẩm.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị gia tăng cho cá tra thì ngay trong quá trình nuôi cá sẽ có biện pháp để giảm giá thành sản xuất. Theo các chuyên gia kinh tế, cá giống, thức ăn là những yếu tố đầu vào quan trọng nhất nên phải tăng cường quản lý giống và quản lý nguồn thức ăn từ các nhà cung cấp, phân phối. Đầu tư hệ thống sản xuất giống đảm bảo 100% giống cá tra đưa vào sản xuất là giống sạch, đạt chất lượng cao. Cụ thể, khu vực sản xuất cá bột và cá giống chất lượng cao được bố trí trên diện tích 2.500 ha với 328 cơ sở thuộc các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh để đến năm 2015 cung ứng cho người nuôi 1,9 tỷ con giống đạt chuẩn, đến năm 2020 cung ứng 2,5 tỷ con.

Ngoài ra, các cơ sở áp dụng công nghệ sinh học để tạo ra giống cá tra thịt trắng, năng suất cao. Phát triển nguồn nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu như ngô, đậu tương, bột cá… cung cấp cho các cơ sở chế biến thức ăn để giảm giá thành sản xuất. Xây dựng cơ chế kiểm soát chất lượng và giá thức ăn. Tùy theo quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng và trình độ kỹ thuật để ứng dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến. Ví dụ như các cơ sở nuôi nhỏ lẻ ứng dụng Quy phạm quản lý tốt hơn (BMP), các vùng nuôi tập trung ứng dụng Quy phạm thực hành nuôi tốt (GAP) và các tiêu chuẩn quốc tế khác.

Nhằm tạo đầu ra ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ cá tra tại nước ngoài, cần quan tâm tìm hiểu pháp luật của nước nhập khẩu, trong đó, thống nhất tiêu chuẩn trang trại cá của Mỹ và tiêu chuẩn VietGAP; tăng cường quảng bá hình ảnh cá tra Việt Nam tại các nước EU; đồng thời mở trung tâm đầu mối phân phối, bán đấu giá cá tra tại các nước EU nhằm tạo thuận lợi trong phân phối sản phẩm.

Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSCL cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng tiêu thụ cá tra tại các thị trường tiềm năng như Nga, Trung Quốc, Mexico, Trung Đông, Ấn Độ, ASEAN. Các tỉnh đổi mới phương thức xuất khẩu bằng cách tăng cường xuất khẩu trực tiếp cho các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại lớn, siêu thị, thay thế dần hình thức xuất khẩu qua trung gian nhằm tăng hiệu quả xuất khẩu./.

Theo ven.vn