Hội thảo Công nghệ nhiệt phân cải thiện chất lượng cà phê

Trong khuôn khổ Chương trình toàn cầu của UNIDO-UNEP về ‘Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã chọn công ty TNHH trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là đơn vị thực hiện dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì nền sản xuất các bon thấp trong ngành chế biến lúa-gạo và cà phê ở Việt Nam” (2013 -2017) với sự hỗ trợ kỹ thuật của công ty Sofies, Thụy Sỹ.

Mục tiêu của dự án này là: (i) Cải thiên môi trường địa phương; (ii) Giảm phát thải khí nhà kính và (iii) Mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Để giới thiệu và thảo luận các biện pháp nhân rộng các kết quả đã đạt được của dự án trong ngành cà phê, đặc biệt là kết quả chuyển giao công nghệ, sáng ngày 10/11/2017, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak, UNIDO đã phối hợp với công ty Viết Hiền, VNCPC, Sofies và Neumann Group tại Việt Nam đồng tổ chức hội thảo “Công nghệ nhiệt phân cải thiện chất lượng cà phê”. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của 130 đại biểu. Dự hội thảo có ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đak Lak, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng cục Trồng trọt và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo sở, ngành, các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh cùng đại diện hộ nông dân được hưởng thụ trực tiếp lợi ích từ dự án.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe giới thiệu kết quả áp dụng đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp chế biến cà phê, đặc biệt là thành công trong chuyển giao công nghệ nhiệt phân từ Thụy Sỹ cho công ty Viết Hiền nhờ sự kết nối của dự án với dự án REPIC của Sofies đang thực hiện ở Peru.

Bà Nguyễn Thị Huệ – Giám đốc Công ty TNHH Viết Hiền phát biểu khai mạc Hội thảo

Để triển khai thực hiện dự án, VNCPC và Sofies đã phối hợp Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng công ty lương thực I & II nghiên cứu tổng quan hai ngành này, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời đào tạo xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp điển hình tham gia dự án.

Trong 4 năm qua, dự án đã hướng dẫn và hỗ trợ 10 doanh nghiệp chế biến gạo và 10 công ty chế biến cà phê thực hiện đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, giúp các doanh nghiệp này tiết kiệm 1,08 triệu kwh/năm tương đương 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2/năm.

Đại diện nhà tài trợ UNIDO (giữa) và các chuyên gia thảo luận cùng đại biểu

Thành công nổi bật của dự án là đã thực hiện được mục tiêu của chương trình về chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường. Công ty Viết Hiền ở thành phố Buôn Ma Thuột không chỉ thành công trong tiếp nhận công nghệ nhiệt phân mà đã tự chế tạo thành công lò đốt quy mô công nghiệp theo công nghệ này để đốt vỏ cà phê. Sản phẩm của quá trình đốt này là nhiệt năng phục vụ quá trình sấy khô cà phê và than sinh học (biochar) có khả năng cải tạo đất cao.

Hệ thống lò đốt nhiệt phân và sấy do công ty Viết Hiền chế tạo được lắp đặt và đưa vào hoạt động thành công tại hợp tác xã Bình Minh, huyện Cư M’gar, đã giúp các xã viên của HTX này đạt hiệu quả cao trong vụ thu hoạch cà phê năm 2016 nhờ sấy sản phẩm khô kịp thời ngay sau thu hoạch. Hệ thống lò đốt nhiệt phân này cũng đã được xuất khẩu sang Brazil để thử nghiệm. Bên cạnh đó, công nghệ còn tiềm năng áp dụng để xử lý vỏ cà phê chế biến theo công nghệ ướt hoặc thu hồi nhiệt từ chất thải các ngành nông lâm nghiệp như bã mía, ngô, cây lương thực, v.v… Công ty đã nhận được yêu cầu thiết kế dây chuyền thiết bị theo công nghệ nhiệt phân cho một số khách hàng tiềm năng trong nước và nước ngoài.

Theo đánh giá của các tổ chức và đối tác, công nghệ này là một giải pháp hiệu quả phục vụ sự phát triển bền vững của ngành cà phê trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Hệ thống công nghệ nhiệt phân chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ đang được sử dụng để sấy cà phê tại HTX Bình Minh, huyện Cư M’gar, Đaklak

Để đưa công nghệ này đến gần hơn với doanh nghiệp trong nước, nhiều chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để hạ giá thành; đánh giá tiềm năng áp dụng rộng rãi công nghệ nhiệt phân và sản phẩm phụ của công nghệ này trong ngành cà phê và ngành nông sản khác. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh đánh giá cao sự nỗ lực của các đối tác và khuyến nghị từ các chuyên gia đóng góp cho việc hoàn thiện sản phẩm. Để nhân rộng công nghệ này đến với doanh nghiệp, UBND tỉnh sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh đưa ra giải pháp hỗ trợ tín dụng cho đơn vị sản xuất, sử dụng, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành cà phê trong tương lai.

 VNCPC