Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ cho 60 sản phẩm công nghiệp chủ lực

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng tiêu thụ những sản phẩm có chất lượng cao, thành phố Hà Nội đã công nhận 60 sản phẩm của 49 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực.

30320156

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã, làng nghề có lịch sử gần 500 năm tuổi của Thủ đô Hà Nội.(Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Các loại sản phẩm được công nhận đó là sản xuất chế biến nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ sạch, may mặc, sản phẩm làng nghề. Đi kèm với việc công nhận, thành phố Hà Nội luôn có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đối tác, tạo thêm nhiều mối quan hệ, nhiều bạn hàng ở trong và ngoài nước.

Thành phố cũng tổ chức cho 10 cơ sở làng nghề, doanh nghiệp tham gia hội chợ tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất với mục đích xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề.

Nhiều cơ sở, doanh nghiệp và nghệ nhân các ngành nghề mây tre đan, điêu khắc gỗ, kim hoàn, dệt lụa cũng được tham gia chương trình liên kết phát triển nghề, vùng nguyên liệu làng nghề Hà Nội tại tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nguyên; tham gia các kỳ hội chợ thương mại Festival Huế; Hội chợ “Tự hào hàng Việt Nam chất lượng cao và sản phẩm truyền thống”.

Hà Nội cũng đã tổ chức các cuộc triển lãm, hội nghị giao thương sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn. Tư vấn cho 31 cơ sở trong chương trình thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhằm hỗ trợ các làng nghề trong việc thiết kế mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Thành phố có chiến lược tổ chức luân phiên các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ tại các tỉnh, các vùng miền; tổ chức các chương trình quảng bá thương hiệu đặc sản vùng miền Hà Nội, tạo các hoạt động kết nối giữa “Nhà sản xuất-Nhà phân phối-Người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành Hà Nội cho biết, Hà Nội cũng đã lên phương án, chương trình cho các đoàn khảo sát xúc tiến xuất khẩu nước ngoài; xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu gồm chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP).

Thành phố còn hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hỗ trợ hoạt động truyền thông marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng và quản lý thương hiệu cho doanh nghiệp.

Năm 2015, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ, vay vốn và tiếp tục giảm, gia hạn các khoản thu về đất, gia hạn nộp tiền sử dụng đất cho một số doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh./.

Theo Vietnamplus