Hà Nội đã có tên trên bản đồ công nghiệp toàn cầu

60 năm sau ngày giải phóng Thủ đô, từ một thành phố với nền kinh tế lạc hậu, Thủ đô Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp (CN) lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cả nước, chuyển dịch theo hướng tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao và phát triển bền vững.

KCN Hà Nội

Công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Hà Nội

Trung tâm công nghiệp lớn

Tiến sĩ Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đầu những năm 1960, CN Hà Nội chỉ có vài chục nhà máy xí nghiệp quốc doanh và vài trăm HTX thủ CN. Nhưng đến nay, tổng số DN CN hoạt động đã lên đến trên 10.000 DN với trên 700 nghìn lao động. Trong đó, có 500 DN đạt quy mô doanh thu trên 100 tỷ đồng/năm. Các hệ thống quản lý sản xuất, quản lý chất lượng quốc tế của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đã được các DN nắm bắt và ứng dụng mạnh mẽ, tạo ra bước đột phá mới trong quản lý điều hành.

Sản xuất CN Hà Nội đã phát triển trên 30 phân ngành với hàng nghìn loại sản phẩm, cơ cấu CN có sự thay đổi cả về quy mô lẫn chất lượng. Chủng loại mẫu mã đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong đó, đã hình thành các ngành thế mạnh như: thực phẩm, dệt may, hóa nhựa, cơ khí chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin. Kim ngạch xuất khẩu của ngành CN giai đoạn 2008-2014 đạt bình quân 9 tỷ USD/năm, với mức tăng trưởng bình quân 15,25%/năm. “Đặc biệt, Hà Nội đã có tên trên bản đồ CN toàn cầu với tư cách là trung tâm sản xuất điện thoại, máy in, máy scan văn phòng, trung tâm lắp ráp xe máy lớn trên thế giới”, ông Thăng nhấn mạnh.

Hiện nay, ngành CN Hà Nội được phân bổ sắp xếp lại hợp lý theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Các nhà máy CN lớn trong khu vực nội đô di rời ra xa khu vực trung tâm, đồng thời, hình thành các khu CN chuyên ngành và khu CN công nghệ cao. Các khu CN Bắc Thăng Long, khu CN Nội Bài, khu công nghệ cao Hòa Lạc… được đánh giá là những điểm sáng khi thu hút đông đảo các DN CN cao đến từ các nước CN phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…..

Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội cũng là trung tâm lớn của cả nước về CN hỗ trợ, lĩnh vực này chiếm tỷ trọng 25% giá trị sản xuất CN trên địa bàn, với sự tham gia của trên 1 nghìn DN. Gần đây, bằng việc trở thành nhà cung cấp linh phụ kiện cho những DN FDI lớn như Canon, Honda, Toyota… đã đưa một số DN CN hỗ trợ trên địa bàn thành phố tiến lên mắt xích cao hơn trong chuỗi giá trị CN toàn cầu.

Tập trung phát triển công nghệ cao

Theo tiến sĩ Lê Hồng Thăng, định hướng phát triển CN Hà Nội trong thời gian tới là trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước, phát triển công nghiệp gắn với khoa học công nghệ, các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm mới và văn phòng của các tập đoàn sản xuất lớn. Tạo nên các sản phẩm chất lượng và giá trị có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến của các nước.

Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung phát triển nhanh vào một số ngành, sản phẩm có tính dẫn đường, các ngành và sản phẩm công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, thiết kế chế tạo, cơ khí chính xác, thiết bị y tế, dược phẩm, hóa mỹ phẩm. Dự kiến, đến năm 2030, CN Hà Nội sẽ tập trung đa số là các DN khoa học công nghệ và các trung tâm nghiên cứu, thiết kế chế tạo.

Theo Sở Công Thương Hà Nội: Giá trị sản xuất công nghiệp TP. Hà Nội trung bình từ năm 2008 đến nay đạt khoảng 300 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó riêng năm 2013 đã đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,2%/năm.

Thực tế cho thấy, nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, một số DN trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Điển hình như: Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Đông Anh với việc thực hiện dự án đầu tư dây chuyền đúc tự động Disamatic của Đan Mạch có công suất 10.000 tấn/năm đã mang lại hiệu quả quan trọng, đưa công ty trở thành nhà sản xuất và cung cấp bi nghiền hợp kim đúc chịu mài mòn chất lượng cao lớn nhất trong nước, góp phần thay thế 100% bi nhập ngoại cho một số ngành công nghiệp như xi măng, nhiệt điện và xuất khẩu mỗi năm hơn 2.000 tấn cho các thị trường nước ngoài. Hay Công ty Nhựa Hà Nội nhờ đầu tư công nghệ hiện đại chế tạo các thiết bị nhựa dùng trong CN ô tô nên sản phẩm của công ty đã được nhiều DN lớn tại Việt Nam như Honda, Toyota… ưa chuộng và xuất khẩu cho một số tập đoàn Nhật Bản…/.

Theo ven.vn