Giải pháp tiết kiệm năng lượng dàn trải, thiếu hiệu quả

Phải giảm ít nhất 10% cường độ năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng, tiết kiệm từ 5% – 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Đó là yêu cầu mà Chính phủ đặt ra cho Bộ Công thương phải thực hiện nhằm đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng trong thời gian tới. Thế nhưng, theo các chuyên gia, các giải pháp áp dụng hiện nay thiếu hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp đã đổi mới dây chuyền sản xuất để tiết kiệm năng lượng. (Ảnh: Cao Thăng)

Nhiều doanh nghiệp đã đổi mới dây chuyền sản xuất để tiết kiệm năng lượng. (Ảnh: Cao Thăng)

Giải pháp nhiều, hiệu quả ít

Thực trạng khai thác, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ năng lượng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Việc thực hành tiết kiệm năng lượng trong cộng đồng các doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa thật sự triệt để… Điều đó đã và đang gây ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội. Trước thực tế đó, Chính phủ quyết liệt yêu cầu phải thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, đến nay đã có 26 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình lắp đặt các hầm biogas trong quy mô hộ gia đình và quy mô công nghiệp; 20 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình quảng bá sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời giai đoạn 2011 – 2015”; 100 doanh nghiệp và tòa nhà tham gia cuộc thi tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, còn có nhiều hoạt động khác lắp đặt đèn tiết kiệm năng lượng thay đèn sợi đốt trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, kiểm toán năng lượng… Qua đó, các tỉnh thành phố đã lắp đặt được trên 3.000 hầm biogas hộ gia đình, 10 hầm biogas quy mô công nghiệp; trên 600.000 giàn nước nóng năng lượng mặt trời trong hộ gia đình; trên 400 giải pháp tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp tham gia, hàng chục doanh nghiệp thay đổi dây chuyền và thiết bị theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 200 doanh nghiệp và hàng trăm tòa nhà được kiểm toán tiết kiệm năng lượng…

Đối với những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp – đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng, đã có 55 doanh nghiệp với hơn 100 cán bộ và 45 chuyên gia đã tham gia các khóa đào tạo về hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001. Nhiều hoạt động tuyên truyền đã được tổ chức trên phạm vi toàn quốc như cuộc vận động hộ gia đình tiết kiệm năng lượng; phong trào sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện; sử dụng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời…

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng còn bộc lộ một số hạn chế nhất định qua thực tế. Điển hình là số doanh nghiệp tham gia còn quá ít. Qua mỗi đợt tuyên truyền, vận động thì các hộ gia đình lại không duy trì thói quen tiết kiệm điện.

Doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ

Lý giải vấn đề này, nhiều chuyên gia khoa học công nghệ cho rằng, mặc dù được xác định việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là chìa khóa giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhưng việc đưa các giải pháp, thiết bị tiết kiệm năng lượng vào sản xuất kinh doanh hiện nay diễn ra khá chậm chạp. Nguyên nhân là do nhận thức của lãnh đạo chưa quan tâm đến vấn đề này; doanh nghiệp thiếu vốn hoặc chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Mặt khác, năng lực các trung tâm tiết kiệm năng lượng tại các địa phương còn hạn chế. Các trung tâm tư vấn tiết kiệm năng lượng của mình chưa đủ độ sâu về công nghệ nên khó có sự phân tích, đánh giá và chọn được công nghệ phù hợp. Lực lượng tư vấn có trình độ yếu cũng là nguyên nhân khiến việc tiết kiệm năng lượng diễn ra chậm chạp. Bên cạnh đó, việc thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan, công tác truyền thông chưa thực sự sâu rộng cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng việc triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng. Trên thực tế, rất nhiều nhà máy xi măng, sắt thép, cao su, nhựa… cũng muốn thực hiện tiết kiệm năng lượng, nhưng hiện tài chính của họ đều có vấn đề nên cản trở sự quyết tâm đổi mới.

Để khắc phục được những hạn chế trên, ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương thừa nhận, hầu hết các địa phương trên cả nước đã có bộ phận chuyên trách về tiết kiệm năng lượng nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Trong thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với các tỉnh thành nâng cao năng lực cho các trung tâm tiết kiệm năng lượng; đào tạo hệ thống cán bộ kiểm toán năng lượng; tăng cường thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới các trung tâm tư vấn tiết kiệm năng lượng; xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành công nghiệp, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi dây chuyền sản xuất hiệu suất cao và tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, về phía Bộ Công thương cũng đẩy nhanh việc xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành công nghiệp một cách cụ thể. Tạo cơ sở để hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi dây chuyền công nghệ hiệu suất cao cũng như tiết kiệm năng lượng để tăng hiệu quả tiết kiệm năng lượng đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Theo Minh Xuân/ Sài Gòn Giải Phóng