Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới phát triển bền vững

Đổi mới sản phẩm đang là bước phát triển tất yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Xu hướng tất yếu

Việt Nam những năm gần đây đang hồi phục mạnh mẽ từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực, mở ra nhiều cơ hội mới cho đầu tư. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm quốc nội còn hạn chế. Nền kinh tế còn chủ yếu dựa vào nguồn nhân công rẻ và xuất khẩu nguyên liệu thô, do đó rất dễ bị biến động khi có sự thay đổi của thị trường toàn cầu.

Trong giai đoạn phục hồi, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lựa chọn hoặc tiếp tục đầu tư vào hệ thống sản xuất và tiêu dùng truyền thống, hoặc đầu tư vào các ngành nghề mục tiêu để hỗ trợ phát triển nền kinh tế xanh.

Các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện gặp nhiều thách thức trong cạnh tranh trên thị trường quốc tế (Ảnh: KT)

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có nhiều làng nghề đa dạng, tuy nhiên thực tế cho thấy, cứ 10 doanh nghiệp làng nghề thì có tới 7 doanh nghiệp đang hoạt động rất cầm chừng bởi các sản phẩm làng nghề không tạo ra được cạnh tranh trên thị trường về mặt thương hiệu, mẫu mã cũng như giá cả.

Đặc biệt, với thị trường xuất khẩu, các sản phẩm làng nghề Việt Nam còn đang thiếu tính độc đáo, hàm lượng công nghệ và chất lượng, cũng như sự thân thiện với môi trường và với người sử dụng. Đây được xem là một trong nhiều yếu tố mang tính quyết định, giúp doanh nghiệp làm ra những sản phẩm mang lại lợi nhuận cao hơn, khai thác tài nguyên hiệu quả hơn và giảm thiểu được những tác động với môi trường. Những sản phẩm này được xếp vào nhóm sản phẩm bền vững, trở thành xu thế phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Lợi ích nhân đôi

Sản phẩm bền vững đang dần có chỗ đứng trên thị trường và được các doanh nghiệp tập trung phát triển

PGS.TS Trần Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC), đồng thực hiện dự án GetGreen thuộc chương trình SWITCH-châu Á của Liên minh châu Âu cho biết: “Như chúng ta biết, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng truyền thống như đồ gỗ nội thất, thủ công mỹ nghệ, vẫn thường phải nhập khẩu một số nguyên nhiên liệu từ nước ngoài. Việc đổi mới sản phẩm bền vững sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp này trong việc tạo điều kiện sản xuất trên các nguyên liệu sẵn có, giúp giảm chi phí, giá thành. Do đó làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.”

Đặc biệt, việc đổi mới sản phẩm bền vững ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhờ những lợi ích kinh tế to lớn mang lại. Chẳng hạn như công ty không chỉ tạo thêm giá trị từ các sản phẩm và dịch vụ mà còn gia tăng cơ sở khách hàng bằng cách thâm nhập vào những thị trường mới. Nhu cầu của các thị trường chưa khai phá mà ở đó có nhu cầu nhưng hiện tại chưa có giải pháp. Loại khách hàng mới mà trước kia chưa tiếp cận được hay chưa phải là mục tiêu của công ty trước kia.

Tính đến thời điểm này, hơn 250 công ty tham gia dự án đổi mới sản phẩm bền vững, dự án thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững từ năm 1999-2009 đã đạt được những lợi ích kinh tế, môi trường to lớn từ việc thực hiện sản xuất theo hướng bền vững.

Theo các số liệu trong hồ sơ sản xuất, các doanh  nghiệp đã đầu tư khoảng 4,8 triệu USD vào việc triển khai các giải pháp bền vững yêu cầu chi phí thấp và trung bình, và nhờ đó đã tiết kiệm được 9,7 triệu USD chi phí sản xuất hàng năm thông qua việc  giảm tiêu thụ trên 8 triệu m3 nước; 64,5 triệu kWh điện; 43,5 kton than…

Có thể thấy rằng, việc phát triển các sản phẩm bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều khách hàng, cũng như thị trường xuất khẩu rộng hơn, thậm chí có thể thu hút vốn đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Với một mô hình vừa giúp kiểm soát hiệu quả chi phí hoạt động, vừa mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh thì rất cần sự quan tâm thích đáng của doanh nghiệp trong nước./.

CTV Thùy Anh/VOV online