Đà Nẵng: Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc tạo ra chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ lại có rất ít doanh nghiệp ở Đà Nẵng được thụ hưởng do bộc lộ nhiều bất cập.

Công ty CP Dệt May 29-9 Đà Nẵng mạnh dạn đổi mới dây chuyến công nghệ
Công ty CP Dệt May 29-9 Đà Nẵng mạnh dạn đổi mới dây chuyến công nghệ

Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng tiếp nhận công nghệ, làm chủ công nghệ được chuyển giao của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, ngay từ năm 2012, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn TP. Đà Nẵng, theo đó Đà Nẵng sẽ hỗ trợ với kinh phí tối đa 300 triệu/doanh nghiệp/năm.

Kể từ khi Quyết định 08 có hiệu lực, Sở Khoa học & Công nghệ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn giới thiệu, hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức nhận biết để tham gia. Đây là nỗ lực lớn của Sở, song khi đi vào áp dụng thực tiễn lại bộc lộ quá nhiều hạn chế. Thực tế 98% doanh nghiệp tại Đà Nẵng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó hơn 70% là doanh nghiệp siêu nhỏ nên năng lực tiếp thu công nghệ rất hạn chế, không cần đầu tư công nghệ cao; trong đó, hạn chế lớn nhất là doanh nghiệp phải triển khai dự án, đưa dự án đổi mới công nghệ đi vào hoạt động, có hiệu quả thì mới được… hỗ trợ.

Các doanh nghiệp cũng than rất khó tiếp cận chính sách hỗ trợ này. Lý do là đóng khung đối tượng, lĩnh vực để hỗ trợ đổi mới công nghệ; lĩnh vực được hỗ trợ còn bó hẹp, điều kiện hỗ trợ khắt khe trong khi năng lực viết dự án của doanh nghiệp lại rất hạn chế. Do vậy, từ khi triển khai đến nay mới chỉ có 6 doanh nghiệp được hỗ trợ từ chương trình này với tổng kinh phí 305 triệu đồng.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đó là nội dung được thảo luận sôi nổi tại Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ giai đoạn 2012 – 2015” do Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng tổ chức ngày 17/7 vừa qua.

Trong thực tiễn, việc đổi mới công nghệ với các doanh nghiệp thường có độ rủi ro rất cao. Thế nên có được doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới, Thành phố nên hỗ trợ, tư vấn, thẩm định công nghệ để giúp họ yên tâm đầu tư công nghệ mà bớt đi rủi ro.

Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng cho rằng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ rất thiết thực và nhu cầu hỗ trợ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp là rất cần thiết. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các chính sách này do không đáp ứng các lĩnh vực được hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ… Theo phân tích của ông Lý Đình Quân – Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng, nói đến đổi mới công nghệ thì điều tiên quyết là giảm sức lao động, tăng năng suất. Đổi mới công nghệ để càng giảm lao động càng tốt. Do đó, Thành phố nên xem lại quy định các doanh nghiệp có quy mô từ 20 lao động trở lên mới được hỗ trợ đổi mới công nghệ.

Ông Hà Giang – chủ Doanh nghiệp Hà Giang – Phước Tường nói, chuyển đổi công nghệ là vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Đà Nẵng đã rất linh hoạt đưa quỹ đầu tư 120 tỷ đồng vào hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nguồn quỹ vẫn đảm bảo. Từ thực tiễn đó, ông Giang cho rằng Thành phố cần khẩn trương đưa quỹ Phát triển khoa học công nghệ vào hoạt động, cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp hơn Quỹ đầu tư, tức là dưới 5%/năm để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Ông Khiếu Đình Toàn – Giám đốc Công ty Tư vấn Phát triển hệ thống quản lý doanh nghiệp, cho rằng, Thành phố nên đưa vào đối tượng hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất thực hiện tốt nghĩa vụ thuế và công tác bảo vệ môi trường. Như vậy, nhiều doanh nghiệp mới có cơ hội tham gia và thụ hưởng. Cũng theo ông Toàn, với doanh nghiệp đăng ký, nộp thuế ở Đà Nẵng nhưng lại sản xuất ở nơi khác thì cũng phải xem xét đưa họ vào diện hỗ trợ đổi mới công nghệ.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng mong muốn Thành phố có quy chế mở rộng đối tượng, mở rộng tiêu chí cho các ngành, lĩnh vực; nên chọn công nghệ phù hợp với năng lực và quy mô doanh nghiệp ở địa phương miễn là những công nghệ mang lại năng suất chất lượng, giá thành tốt cho đơn vị thụ hưởng. Ngoài ra, khi hỗ trợ, Sở cần bổ sung vào công tác tư vấn viết các dự án cho doanh nghiệp thì việc hỗ trợ mới thực sự hiệu quả, thu hút đông doanh nghiệp tham gia đổi mới công nghệ, nâng cao tính khả thi của Quyết định 08, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận.

Theo ông Lê Quang Nam – Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng, những bất cập trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hiện nay sẽ được Sở xem xét kiến nghị Thành phố thay đổi. “Mọi cơ chế đều do mình tạo ra, nếu áp dụng thực tiễn có bất cập sẽ điều chỉnh lại” – ông Nam nói.

Theo Thanh Hải – tapchicongthuong.vn