Năm 2023 chương trình đào tạo chuyên gia về SXTDBV sẽ được triển khai khắp cả nước

Đó là thông tin được ông Cù Huy Quang, Phó Chánh văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Vụ tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương) chia sẻ tại buổi khai mạc Khóa đào tạo Chuyên gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SXTDBV) do Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức ngày 15/12, theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.

Năm 2022, VNCPC được Vụ tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững giao thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Chương trình đào tạo theo các cấp độ và tổ chức khóa đào tạo cho các chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV – đây là nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động quốc gia về SXTDBV giai đoạn 2021-2030.

Chương trình được thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao năng lực của các chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV tại Việt Nam, đồng thời là cơ hội để kết nối, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm triển khai về SXTDBV.

Ông Cù Huy Quang phát biểu tại buổi khai mạc khóa đào tạo.

Theo đó, khóa đào tạo đã thu hút được sự tham gia của các cán bộ đến từ các trung tâm về khuyến công, môi trường cùng các giảng viên đến từ các trường đại học lớn của Việt Nam. Tại đây, các chuyên gia đã được đào tạo về các chủ đề: Quản lý tài nguyên bền vững; Phân phối bền vững; Sản xuất bền vững và Tiêu dùng bền vững. Đặc biệt, các kiến thức thực tế về việc triển khai đánh giá về sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp cùng các công cụ tính toán hữu hiệu do các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm của VNCPC cung cấp đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các học viên.

Các thành viên tham gia khóa đào tạo trực tiếp tại Hà Nội.

Đánh giá cao chất lượng đào của của VNCPC, ông Quang cho biết: Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, năm 2023 theo kế hoạch, chương trình đào tạo về SXTDBV sẽ được triển khai trên khắp cả nước để đào tạo cho cán bộ thuộc các trung tâm khuyến công, các đơn vị tư vấn về môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… để tạo ra mạng lưới chuyên gia về SXTDBV rộng khắp mọi miền đất nước. Sau năm 2023, đội ngũ này sẽ là lực lượng nòng cốt để triển khai Chương trình SXTDBV ở tất cả các tỉnh thành theo cả bề rộng và chiều sâu.

Một số hình ảnh về khóa đào tạo:

VNCPC

THƯ MỜI THAM GIA Chương trình “Đào tạo cho các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV)”

Năm 2022, Vụ TKNL và PTBV (Bộ Công Thương) giao cho VNCPC thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Chương trình đào tạo theo các cấp độ và tổ chức khóa đào tạo cho các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV)” thuộc Chương trình hành động quốc gia về SXTDBV giai đoạn 2021 – 2030.
Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) trân trọng kính mời quý vị Tham gia chương trình “Đào tạo cho các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững SXTDBV)” – Chương trình được thực hiện nhằm mục tiêu nâng cao năng lực của các chuyên gia trong lĩnh vực SXTDBV tại Việt Nam, đồng thời là cơ hội để kết nối, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm triển khai về SXTDBV. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, học viên sẽ được cấp chứng nhận tham gia đào tạo.
Thời gian: 8h00 – 17h00, Thứ Năm, ngày 15/12/2022
Địa điểm: Khách sạn Công Đoàn, 14 Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Quý vị tham gia chương trình đề nghị đăng ký trước ngày 14/12/2022 thông qua đường dẫn dưới đây: http://vncpc.org/dang-ky-tham-gia-dao-tao
Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: Mr Lê Văn Tùng – Email: [email protected], Di động: 0971318892.
VNCPC

Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững

Chiều ngày 28/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo trực tuyến: Ứng dụng than sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững”.

Hội nghị do Ông Nguyễn Hà Huế, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Bà Nguyễn Lê Hằng – Phó Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNPCP), đơn vị đầu mối thực hiện dự án “Thúc đẩy mô hình nhiệt phân hệ thống quy mô nhỏ tại Việt Nam” do UNIDO triển khai tại Việt Nam đồng chủ trì.

Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giảm phát thải khí nhà kính, chia sẻ tri thức, kết nối hợp tác để thúc đẩy việc chuyển đổi các phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học có giá trị đồng thời thúc đẩy thị trường than sinh học tại Việt Nam.

Sự kiện này cũng là một trong chuỗi sự kiện được Chương trình hỗ trợ quốc tế – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức để kết nối tri thức và tăng cường năng lực cho các cán bộ ngành nông nghiệp nhằm triển khai thực hiện tốt mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính…Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, ít phát thải, thân thiện với môi trường và thích ứng với khí hậu…” đã đề ra trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, các hợp tác xã, các cơ quan quản lý và các Sở nông nghiệp và PTNT với hơn 200 lượt truy cập trực tuyến. Gần 50 câu hỏi đã được đặt ra trao đổi và thảo luận về các vấn đề có liên quan đến phát triển than sinh học và các công nghệ có thể ứng dụng để biến các phụ phẩm nông nghiệp thành “vàng đen”.

Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe 4 bài trình bày từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về nhu cầu và xu hướng phát triển than sinh học trên thế giới và ở Việt Nam, đặc tính và ứng dụng của than sinh học, các mô hình ứng dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Theo http://www.isgmard.org.vn/Detailnews.aspx?NewsID=999&CM=CM002&CategoryID=CA001&subCategoryID=SC002

Tín dụng xanh: Làm sao để tiếp cận?

Vào ngày 30/3 và 1/4, chương trình tập huấn “Các nguồn vốn ưu đãi cho sản xuất bền vững và lập hồ sơ vay vốn” đã được Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), phối hợp với chuyên gia tài chính tổ chức theo hình thức trực tuyến. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của hàng trăm doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Chương trình tập huấn là hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Xúc tiến cung cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái – công bằng tại Việt Nam” – (Ecofair). Dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ (SMEs) tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản thuộc 6 tiểu ngành: Chế biến gạo; Chế biến hạt điều; Chế biến rau, củ; Chế biến trái cây; Chế biến thịt và Thủy sản.

Các nguồn vốn/cơ chế tài chính hiện có

Theo PGS.TS. Lê Thu Hoa (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân): Hiện có những nguồn có khả năng cấp vốn đầu tư cho dự án của các doanh nghiệp SMEs đó là: Quỹ nội bộ; Vốn cổ phần; Các quỹ/ngân hàng phát triển, Các ngân hàng thương mại; Nhà cung cấp thiết bị/các công ty tài chính; Các chương trình của chính phủ; Các nguồn khác…

Đại diện VNCPC và PGS. TS. Lê Thu Hoa (ngồi giữa) trong chương trình tập huấn.

Cụ thể, Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam đang hướng tới đối tượng là các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có công trình bảo vệ môi trường; xử lý chất thải; sản xuất sạch hơn; công nghệ và sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế; xử lý chất thải… Với vốn đối ứng tối thiểu 30%, các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu sẽ được vay với lãi suất ưu đãi 2,6%, trong thời gian cấp vốn 7 năm. Hiện quỹ đã có mặt tại 46 tỉnh/thành trên khắp cả nước.

Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với cơ chế tài trợ lãi suất ngắn hạn là 2,16%/năm, trung và dài hạn là 4%/năm. Thời gian cấp vốn 7 năm…

Ngoài ra còn có hình thức cho thuê tài chính trong nước là phương thức cấp tín dụng trung và dài hạn cho dự án đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận chuyển của doanh nghiệp.

Các hình thức cho thuê tài chính khác gồm: Cho thuê tài chính nhập khẩu; Cho thuê tài chính mua và cho thuê lại; Cho thuê vận hành: Khách hàng sử dụng tài sản (máy móc, thiết bị…) của công ty cho thuê tài chính trong một thời gian nhất định và hoàn trả lại tài sản đó cho bên thuê khi kết thúc thời hạn thuê tài sản.

Bên cạnh đó, còn có mô hình dịch vụ năng lượng (ESCO) cung cấp các dịch vụ năng lượng và/hoặc các biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng tại doanh nghiệp dưới  dạng các hợp đồng (EPC).

Quy trình vay vốn

Về quy trình vay vốn và phê duyệt các khoản vay, GS. Hoa cho biết: Khi muốn tiếp cận nguồn tài chính tiềm năng, các doanh nghiệp cần: Thu thập thông tin về những phương cách cho vay/tài trợ trong các năm trước của các nguồn tài chính tiềm năng. Xem xét động cơ thúc đẩy việc cho vay của nguồn cấp vốn khi chuẩn bị đơn xin vay vốn. Dự đoán trước các yêu cầu thông tin cần cung cấp cho các nguồn cấp vốn.

Theo đó, quy trình chung vay vốn và phê duyệt khoản vay sẽ trải qua 11 bước đó là: Tìm kiếm và tiếp cận các nguồn cấp vốn; Thảo luận sơ bộ chính thức với cán bộ tín dụng; Điền đơn xin vay vốn và thu thập các thông tin cần thiết; Nộp đơn xin vay vốn và các tài liệu liên quan cho Ngân hàng/Tổ chức tín dụng; Ngân hàng/tổ chức tín dụng thẩm định hồ sơ; Thỏa thuận các điều khoản cụ thể về khoản vay; Ngân hàng/Tổ chức tín dụng gửi thư cam kết; Ngân hàng/Tổ chức tín dụng gửi bản điều khoản xác định các điều khoản cho vay cụ thể; Ký hợp đồng vay vốn; Giải ngân và nhận vốn; Thực hiện dự án.

Lập hồ sơ vay vốn: Làm sao để nhận được sự hỗ trợ từ chuyên gia?

Bà Tô Hải Yến – Giám đốc dự án Eco-fair chia sẻ: Nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án Eco-fair, tiếp sau hoạt động tập huấn này, dự án sẽ dành nguồn lực kỹ thuật tư vấn trực tiếp miễn phí với các doanh nghiệp thuộc 6 tiểu ngành chế biến nông sản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hồ sơ tiếp cận nguồn vốn cho 20 dự án đầu tư theo hướng sản xuất bền vững.

Mong rằng thông qua các buổi tập huấn, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được các thông hữu ích và đăng ký tham gia các phiên tư vấn trực tiếp về lập hồ sơ vay vốn phù hợp với các nhu cầu đầu tư xanh hiện có.

Thông tin về dự án vui lòng liên hệ:

Ms Hằng: 0912.467.692;  Email: [email protected]

Ms Nhung: 0905.674.739; Email: [email protected]

VNCPC

THƯ MỜI ĐĂNG KÝ THAM GIA HỘI THẢO

Trong giai đoạn 2016 – 2019, công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) đã được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ về Việt Nam, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành năng lượng nhiệt sạch và than sinh học (biochar). Với sự tiếp tục tài trợ từ Cục Kinh tế Liên Bang Thụy Sỹ (SECO), trong giai đoạn 2020 – 2022, UNIDO ưu tiên tập trung vào việc nhân rộng mô hình công nghệ nhiệt phân giữa các nhóm áp dụng tiềm năng và thúc đẩy thương mại hóa công nghệ xanh này tại Việt Nam.

Nhằm nâng cao nhận thức của người thụ hưởng về công nghệ nhiệt phân, đồng thời chia sẻ kiến thức, kết nối và xây dựng hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ này tại Việt Nam, UNIDO và liên danh thực hiện dự án, trân trọng kính mời Quý vị tham dự hội Hội thảo “Chuyển đổi chất thải nông nghiệp thành nguồn năng lượng sạch và than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân

Thời gian:  8h00 – 17h00, Thứ Sáu, ngày 25/02/2022

Hình thức: Trực tiếp kết hợp trực tuyến

Địa điểm:    Đầu cầu chính tại Khách sạn Sài gòn – Ban Mê, số 3 Phan Chu Trinh, P.Thống Nhất, Tp. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam

Ngôn ngữ:  Tiếng Anh và Tiếng Việt

Để đăng ký tham gia và biết thêm thông tin về Hội thảo, vui lòng đăng ký trước ngày 11/02/2022 tại đường link:

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLScsWVxJem7XevBm5zuYue8JwuoUyb2yZsrDc5uThWhfaVI8hQ/viewform

Các chi phí liên quan đến vé máy bay, đi lại, ăn nghỉ của quý vị (tham gia Hội thảo trực tiếp) sẽ do Dự án chi trả theo quy định. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ Mrs. Nguyễn Thị Dung theo địa chỉ email: [email protected] hoặc số điện thoại: 024.3868.4849 (số máy lẻ 10)/Di động: 0974.854.732.

KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực khi có sự kết nối

Ngày 19/11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO); Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) cùng Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tổ chức “Hội thảo Tập huấn nâng cao năng lực Hiệu quả tài nguyên Sản xuất sạch hơn và Cộng sinh công nghiệp” nhằm giới thiệu mô hình, lợi ích và xu hướng phát triển khu công nghiệp (KCN) sinh thái trên thế giới cũng như giới thiệu về phương pháp thực hiện chuyển đổi KCN sinh thái tại Việt Nam.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án “Triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, có tổng kinh phí trên 1,8 triệu USD, trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hơn 1,68 triệu USD từ Chính phủ Thuỵ Sỹ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO), vốn đối ứng là 138.800 USD từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Dự án được thực hiện trong 36 tháng tại Hà Nội và 05 tỉnh/thành phố, gồm: Tp.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Triển khai mô hình KCN sinh thái sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của các hoạt động công nghiệp tại Việt Nam, đồng thời là tiền đề cho việc xây dựng cơ chế, chính sách về KCN sinh thái nói riêng, cũng như lồng ghép trong các quy định của pháp luật về môi trường, công nghiệp và các chính sách có liên quan.
Hiện dự án đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức cho các bên về mô hình KCN sinh thái trên thế giới và những giải pháp thực hiện chuyển đổi KCN sinh thái theo quy định của Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn quốc tế.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều các cán bộ, doanh nghiệp trong KCN Hiệp Phước và các đơn vị có liên quan.
Tại hội thảo các khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP), các khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp sẽ được các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày. Hội thảo cũng sẽ trao đổi về mối quan tâm và mong đợi từ Ban Quản lý các KCN và khu chế xuất Tp. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước và các doanh nghiệp tại KCN trong việc thực hiện chuyển đổi sang KCN sinh thái.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia chương trình đào tạo về Hiệu quả tài nguyên Sản xuất sạch hơn và Cộng sinh công nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc dự án cho biết: Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN theo hướng bền vững hơn, phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc dự án phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Quân cũng nhấn mạnh rằng: Sự phát triển của mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.
VNCPC