1 triệu Euro hỗ trợ Lào và Việt Nam thực hiện dự án “Quản lý và tái chế nhựa”

Ngày 23/5, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khởi động dự án quốc tế “Quản lý và tái chế nhựa” (Sea-plastic-edu). Đây là dự án do Chương trình Erasmus +, chương trình về giáo dục đào tạo của Liên minh Âu châu (EU) tài trợ trong 3 năm (2018 – 2021), với sự tham gia của 5 quốc gia gồm: Áo, Đức, Đan Mạch, Lào và Việt Nam. Dự án có tổng kinh phí là 1 triệu Euro.

Tham dự lễ khởi động dự án có đại diện Đại sứ quán Áo, Đại sứ quán Đức, Đại sứ quán Đan Mạch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, lãnh đạo ĐH QGHN, cùng các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.

Trong đó, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) vinh dự là một trong 4 doanh nghiệp đối tác của dự án.

Dự án “Quản lý và tái chế nhựa” do Chương trình Erasmus +, chương trình về giáo dục đào tạo của Liên minh Âu châu (EU) tài trợ trong 3 năm (2018 – 2021), với sự tham gia của 5 quốc gia gồm: Áo, Đức, Đan Mạch, Lào và Việt Nam.

GS. Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH QGHN cho biết, dự án được thành lập dựa trên điều lệ Erasmus+, với mục đích tạo kết nối giữa khu vực Đông Nam Á và châu Âu trong việc đào tạo, tập huấn về vấn đề tái chế nhựa tại Lào và Việt Nam.

Theo đó, mục tiêu tổng thể của dự án bao gồm: Hỗ trợ các trường đại học ở Việt Nam và Lào trong việc hiện đại hóa và nâng cao giáo dục đại học tại các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên bằng cách thiết lập khái niệm giáo dục về tái chế nhựa và quản lý chất thải; Nâng cao khả năng được tuyển dụng sau khi ra trường và tinh thần kinh doanh của sinh viên tốt nghiệp và cho cán bộ của các trường;  Kết nối thế giới học thuật và công nghiệp trong lĩnh vực quản lý chất thải.

Sau lễ khởi động, 6 hoạt động chính của dự án sẽ được triển khai tại Lào và Việt Nam là: hiện đại hóa chương trình giảng dạy hiện có; thành lập hai trung tâm đào tạo quy mô khu vực dành cho người làm việc trong lĩnh vực tái chế nhựa; thành lập Mạng lưới đào tạo về tái chế chất thải; đào tạo giảng viên; đưa khái niệm phát triển bền vững vào môn học quản lý chất thải trong đào tạo thạc sĩ; nâng cao kỹ năng, trình độ cho các chuyên gia về quản lý chất thải, chuyển giao công nghệ.

VNCPC

VNCPC đẩy mạnh triển khai dự án Low carbon trong năm 2018

Sau những kết quả khả quan từ việc triển khai dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì nền sản xuất carbon thấp” – (Low carbon), Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tiếp tục được nhà tài trợ cung cấp kinh phí để cùng các đối tác triển khai dự án trong năm 2018.

“Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì nền sản xuất carbon thấp” là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác của UNIDO – UNEP về Sử dụng Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP). Mục tiêu chung của dự án là: cải thiện môi trường địa phương; giảm phát thải khí nhà kính và mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Tại Việt Nam, dự án đã và đang hỗ trợ cho ngành chế biến gạo, thuộc đồng bằng sông Cửu Long và ngành cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên.

Hiện nay, theo ước tính, mỗi năm lượng phát thải từ hoạt động nông nghiệp tương đương 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính của cả nước. Nguồn phát thải chủ yếu là từ canh tác lúa nước, đốt phế phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình thí điểm công nghệ sản xuất nông nghiệp carbon thấp đang trở thành vấn đề được cơ quan quản lý, doanh  nghiệp và người dân quan tâm.

Theo ước tính, mỗi năm lượng phát thải từ hoạt động nông nghiệp tương đương 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính của cả nước.

Theo đó, trong năm 2018, VNCPC sẽ tập trung vào các hoạt động chính đó là:

Cung cấp gói hỗ trợ kỹ thuật đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho 3 doanh nghiệp chế biến gạo đã được vay vốn/nằm trong diện được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT);

Xây dựng tài liệu hướng dẫn về kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc liên quan đến mối liên hệ giữa hợp tác xã và doanh nghiệp doanh nghiệp chế biến. Tài liệu hướng dẫn sẽ được xây dựng thí điểm tại 1 doanh nghiệp chế biến gạo được lựa chọn;

Nghiên cứu cơ hội hợp tác giữa hai dự án cho giai đoạn kế tiếp.

Qua 4 năm triển khai (2014 – 2017), dự án Low carbon đã hướng dẫn, hỗ trợ 10 doanh nghiệp chế biến gạo cùng 10 công ty chế biến cà phê thực hiện đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Kết quả đã giúp các doanh nghiệp này tiết kiệm 1,08 triệu kwh/năm, tương đương 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2/năm.

VNCPC

VNCPC hỗ trợ doanh nghiệp Myanmar thực hiện Chương trình Sử dụng hiệu quả tài nguyên và SXSH

Mới đây, 10 doanh nghiệp tại Myanmar đã được lựa chọn để tham gia Chương trình Sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP). Chương trình do Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) phối hợp cùng Sofies (Thụy Sỹ) thực hiện.

Các doanh nghiệp này tập trung chủ yếu ở thủ đô Yangon và thành phố Mandalay, với các ngành nghề kinh doanh khác nhau như: chế biến thủy sản, chế biến sữa, nhựa, xi măng, rượu, chế biến gạo, bánh kẹo và khách sạn.

Từ năm 2013, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) bắt đầu xúc tiến hỗ trợ thực hiện Chương trình Sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn bằng các hoạt động như đào tạo, nâng cao năng lực cho các chuyên gia, cán bộ nhà nước và doanh nghiệp.

Chuyên gia VNCPC đánh giá hiệu quả chiếu sáng trong khu vực chế biến sản phẩm tại doanh nghiệp.

Sau khi đào tạo và nâng cao năng lực, dự án đã lựa chọn được 10 doanh nghiệp tại Myanmar để hỗ trợ đánh giá RECP chuyên sâu, do VNCPC phối hợp cùng Sofies (Thụy Sỹ) triển khai. Thời gian thực hiện, từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2018, với 2 đợt đánh giá tại nhà máy và hoạt động tổ chức hội thảo phổ biến thông tin.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Myanmar, đây là lần đầu tiên được tiếp cận với chương trình RECP. Vì vậy, các chuyên gia đều đánh giá rằng: tiềm năng tiết kiệm năng lượng, hóa chất, nước và nguyên vật liệu của các doanh nghiệp là rất lớn.

Theo đó, ngay sau khi nhận được báo cáo tư vấn đợt 1 của các chuyên gia, các doanh nghiệp đã bắt tay ngay vào việc thực hiện các giải pháp đơn giản, với chi phí đầu tư thấp như: bảo ôn, điều chỉnh thông số dây chuyền lạnh, vệ sinh dàn ngưng, điều chỉnh đầu đun nhựa… và đã thu lại được những kết quả rất tích cực. Thậm chí, không ít doanh nghiệp đã lên kế hoạch thay đổi dây chuyền, máy móc sang sử dụng thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng cao và hiệu quả hơn.

Chuyên gia VNCPC cùng cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hệ thống dàn ngưng lạnh.

Bà Naing Naing Linn – Giám đốc Ban Hiệu quả và Bảo tồn năng lượng – Tổng cục Hợp tác Công nghiệp (Bộ Công nghiệp Myanmar) sau chuyến đi thị sát cùng đoàn công tác đã đánh giá rất cao hiệu quả của chương trình và mong muốn rằng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều dự án tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp Myanmar trong việc Sử dụng hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn.

VNCPC

RECP: “Chìa khóa” giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí

Áp dụng việc sử dụng Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) vào sản xuất chính là chiếc “chìa khóa” giúp doanh nghiệp tiết giảm đáng kể những lãng phí không đáng có.

Tại khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình), một doanh nghiệp FDI của Đài Loan, với sản phẩm chính là gia công cơ khí và mạ kẽm quay, đã thu được những lợi ích đáng kể khi tham gia vào dự án: “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Qua quá trình khảo sát thực tế và phân tích các số liệu sản xuất với sự tư vấn của chuyên gia sản xuất sạch hơn đến từ Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), công ty đã nhận diện được “điểm nóng” tồn tại là mức tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng, đặc biệt là điện, nước, axit của công ty tương đối cao so với các cơ sở khác sản xuất cùng mặt hàng.

10% điện năng tổn hao do những yếu tố “không ngờ”

Đội RECP của công ty đã kết hợp với chuyên gia của VNCPC tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng điện và phân tích các nguyên nhân tổn hao. Vệ sinh công nghiệp kém (động cơ, tủ điện, dây dẫn, …), thiếu bảo dưỡng thường xuyên đối với động cơ; công suất băng chuyền xử lý nhiệt chỉ ở mức 30-50%, bảo ôn nhiệt kém; một số đèn chiếu sáng đang sử dụng là loại 250w; người lao động chưa tuân thủ việc tắt đèn ở các vị trí máy không hoạt động; hệ thống điều hòa khu văn phòng đặt nhiệt độ thấp (chỉ khoảng 18oC)… là những yếu tố đã làm tăng khoảng 10% điện năng tiêu thụ của toàn nhà máy.

Thiếu bảo dưỡng thường xuyên đối với động cơ là nguyên nhân gây tổn hao điện năng tại các nhà máy –  Hình minh họa.

250 triệu đồng/tháng “trôi” theo dòng nước

Định giá dòng thải lỏng cho thấy mỗi tháng công ty đang “để trôi” theo nước thải gần 250 triệu đồng (tương đương khoảng 3 tỷ đồng/năm) là vì doanh nghiệp không chỉ phải chi trả tiền nước cấp đầu vào, chi phí hóa chất đi vào dòng thải lỏng mà còn phải tốn chi phí 2 lần cho xử lý nước thải (hệ thống tự xử lý tại công ty và hệ thống xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp). Chính vì thế một loạt các đề xuất hành động đã được khuyến nghị tới công ty để đặc biệt giảm hao tổn đi theo nước thải.

RECP giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể hóa chất, cũng như chi phí xử lý nước thải của quá trình mạ – Hình minh họa

Cũng xuất phát từ mong muốn của ban lãnh đạo công ty là giúp giảm bớt những hao phí về điện năng và nước, các cán bộ sản xuất sạch hơn đã xây dựng được 25 giải pháp RECP.

Tuy nhiên, để RECP phát huy được hiệu quả lâu dài, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh rằng: cần phải tiến hành nâng cao nhận thức cho người lao động về RECP; hướng dẫn người lao động có được sự đồng thuận cao trong các hoạt động, chú trọng đến chất lượng sản phẩm và tiết kiệm nguyên vật liệu, điện, nước… trong quá trình sản xuất; theo dõi và duy trì liên tục các kết quả của chương trình RECP.

VNCPC

RECP: Hàng loạt giải pháp đã được doanh nghiệp áp dụng để giảm chi phí

Chỉ bằng những thay đổi nhỏ trong việc vận hành máy móc, thiết bị… doanh nghiệp đã tiết giảm được đáng kể năng lượng, nước… trong quá trình sản xuất nhờ áp dụng RECP (Sử dụng hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn).

Đó là những giá trị mà một công ty thủy sản tại Cần Thơ đã nhận được khi tham gia dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới khu công nghiệp bền vững”.

Tham gia dự án, doanh nghiệp đã nhận được những hướng dẫn và tư vấn cụ thể về sử dung hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) từ chuyên gia của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn (VNCPC): khảo sát theo quá trình sản xuất để đánh giá sử dụng nguyên vật liệu; xác định các cơ hội tiết kiệm nguyên vật liệu; tiến hành đo đạc năng lượng tiêu thụ điện và nhiệt để xác định tổn thất năng lượng và xác định các cơ hội tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu,  nước cũng như sử dụng an toàn hóa chất, quản lý chất thải tối ưu…

Chỉ bằng những thay đổi nhỏ trong việc vận hành máy móc, thiết bị… doanh nghiệp đã tiết giảm được đáng kể năng lượng, nước… trong quá trình sản xuất.

Sau quá trình làm việc giữa VNCPC và cán bộ phụ trách của công ty, các dòng tổn thất năng lượng và nước đã được hai bên phân tích nguyên nhân. Từ đó, các giải pháp để khắc phục các dòng tổn thất này đã được đưa ra. Theo đánh giá, hầu hết các giải pháp về SXSH đều có tính khả thi, một số giải pháp có thể thực hiện ngay và đã được công ty triển khai.

Một số những tổn thất năng lượng điện chủ yếu nằm tại khu vực hệ thống máy nén lạnh như áp suất bình chứa khí ngưng cao, dàn ngưng bị rêu cặn bám bẩn và các máy nén pít tông cũ có hiệu suất thấp. Bên cạnh đó, rò rỉ điện tại khu vực các máy nén cũng là nguyên nhân gây mất an toàn và tổn thất điện.

Ngay sau đó, công ty đã tiến hành lập kế hoạch định kỳ kiểm tra hệ thống máy nén lạnh, bình ngưng, dàn ngưng để khắc phục; kiểm tra vệ sinh thường xuyên đường dây, nhất trong ngày mưa ẩm; xiết các đầu cốt bị lỏng…

Đối với hệ thống nước vệ sinh nhà xưởng, tủ đông dù đã sử dụng ống ɸ21, nhưng một số chỗ thiếu trang bị van đầu vòi gây lãng phí nước cũng đã được lắp vòi tăng áp, van đầu vòi để giảm lãng phí.

Như vậy, SXSH đã giúp doanh nghiệp tiết giảm đáng kể những lãng phí vô tình trong quá trình sản xuất. Đây cũng chính là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

VNCPC

RECP giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng/năm

Thông qua hoạt động đánh giá Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) đã giúp doanh nghiệp tiết giảm hàng tỷ đồng/năm.

Đây là kết quả mà một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Đài Loan, tại Ninh Bình, chuyên sản xuất thanh nhôm hợp kim đã nhận được khi tham gia vào dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Theo các chuyên gia về sản xuất sạch hơn (SXSH) tại Trung tâm SXSH Việt Nam (VNCPC), mục đích của đánh giá RECP là giúp các doanh nghiệp công nghiệp có thể tăng năng suất và giảm tiêu thụ tài nguyên, cũng như ô nhiễm môi trường.

Hình minh họa.

Hợp phần thực hiện RECP trong doanh nghiệp của dự án là một bước đi ở cấp doanh nghiệp nhằm góp phần chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống hiện tại sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Hoạt động này bao gồm tư vấn và huấn luyện trực tiếp tại các doanh nghiệp được lựa chọn ở các khu công nghiệp về triển khai RECP trong thực tiễn.

Doanh nghiệp tiêu tốn hàng tỷ đồng/năm do những lãng phí “vô tình”

Qua tìm hiểu và đánh giá về quy trình sản xuất, các chuyên gia cùng đội ngũ kỹ thuật của doanh nghiệp đã xác định, tổn thất điện năng chủ yếu tại nhà máy là do: các động cơ điện, tủ điện bị bụi bám, lại không được bảo dưỡng thường xuyên; lớp vỏ cách điện dây cáp bị sun nóng, không có dây nối đất; quạt vẫn chạy dù không có công nhân làm việc; sụt áp đường dây lớn; cài đặt điều hòa khu văn phòng ở nhiệt độ thấp (~ 20oC),… Theo ước tính, khoảng 15% điện năng tiêu tại doanh nghiệp đã lãng phí do những “sự vô tình” trên.

Cài đặt điều hòa khu văn phòng ở nhiệt độ thấp cũng là nguyên nhân khiến điện năng tiêu thụ nhiều hơn.

Không chỉ lãng phí về điện, tổn thất nhiệt năng tại doanh nghiệp cũng rất lớn, chủ yếu là do một số nguyên nhân như mái che khu vực chứa than nhỏ hơn so với nhu cầu sử dụng; nhiều than chưa cháy trong xỉ than (10% lượng than cấp vào); cửa lò ở điều kiện vận hành không tốt (cửa chính hở, tấm chắn lò không hoạt động)… đã khiến cho mức tổn thất nhiên liệu tổng thể lên tới 20%.

Với sản lượng vào khoảng 10.000 tấn/năm, những lãng phí trên đã khiến doanh nghiệp đang bị “lãng phí” khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

RECP: nhiều giải pháp chi phí thấp nhưng hiệu quả thiết thực

Sau quá trình khảo sát, đã có 26 giải pháp RECP được các cán bộ sản xuất sạch hơn đưa ra, bao gồm 03 giải pháp liên quan tới quản lý nội vi, 12 giải pháp kiểm soát quá trình, 09 giải pháp về cải tiến thiết bị và 02 giải pháp thu hồi để tái sử dụng.

Hầu hết các giải pháp này đều có thể thực hiện ngay, nên doanh nghiệp cần rất ít, thậm chí là không cần chi phí đầu tư. Các giải pháp đã đem lại lợi ích cho doanh nghiệp rất lớn, thông qua các số liệu rất cụ thể về mức giảm tiêu thụ điện, than, nước giúp tiết kiệm  khoảng 1 tỷ đồng chi phí sản xuất và giảm phát thải khí nhà kính trên 500 tấn CO2/năm.

VNCPC