VNCPC triển khai Áp dụng Mô hình Khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại KCN Long Thành

Với mục tiêu triển khai thực hiện dự án “Áp dụng Mô hình Khu công nghiệp sinh thái” –  trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC) với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), tuần cuối tháng 9/2018 vừa qua, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cùng với IFC đã triển khai một số hoạt động cụ thể tại KCN Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Các công việc bao gồm:

1. Tiến hành khảo sát sơ bộ tiềm năng nâng cao hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại 3 doanh nghiệp trong KCN Long Thành thuộc các ngành: sản xuất móc áo nhựa và phụ kiện, chế biến cà phê và in hoa trên sản phẩm bằng vải.

Qua quá trình khảo sát đánh giá sơ bộ tại doanh nghiệp, nhóm tư vấn đã phát hiện được những cơ hội tiết kiệm năng lượng và hiệu quả tài nguyên, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm chi phí đầu vào.

Các biện pháp bảo trì phòng ngừa góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động của hệ thống làm mát.

Kiểm tra thường xuyên để giám sát hoạt động của hệ thống điện sẽ giúp doanh nghiệp phòng tránh cháy nổ, cũng như giảm thiểu tổn hao điện năng.

2. Thảo luận với Công ty CP Sonadezi Long Thành (SZL) – là đơn vị quản lý, đầu tư Cơ sở hạ tầng trong KCN Long Thành để tìm kiếm và xác định các cơ hội cộng sinh công nghiệp.

Một số cơ hội cộng sinh công nghiệp nhận được sự quan tâm về tiềm năng ứng dụng cao từ phía SZL sẽ được triển khai phân tích khả thi trong thời gian tiếp theo trong khuôn khổ dự án bao gồm: sử dụng hệ thống cấp hơi tập trung, dịch vụ cung cấp khí LPG cho KCN và tái sử dụng nước thải sau xử lý.

Buổi thảo luận giữa nhóm cán bộ dự án và SZL.

3. Thực hiện khóa đào tạo về Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) cho các cán bộ, công nhân viên thuộc các công ty trong khu và đơn vị quản lý SZL.

Khóa đào tạo đã tạo cơ hội để đại biểu thảo luận trực tiếp với chuyên gia về các vấn đề cụ thể tại các doanh nghiệp liên quan tới tiêu tốn tài nguyên (năng lượng, nước, hóa chất, vật liệu) và quản lý chất thải và các phương thức để cải thiện.

VNCPC

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT và Tổng giám đốc UNIDO cùng các đại biểu tới thăm KCN sinh thái tại Đà Nẵng 

Ông Nguyễn Thế Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng ông Li Yong – Tổng giám đốc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và các đại diện cấp cao là các đại biểu tham dự Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 đã đến thăm Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) để chứng kiến ​​một số thành tựu của Dự án “Thực hiện sáng kiến ​​Khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình Khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” (EIP).

Dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI)  và UNIDO phối hợp thực hiện, dự án hướng đến giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu thụ nước, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, giảm phát thải các chất  hữu cơ gây ô nhiễm và giảm sử dụng các hóa chất khác. Đồng thời, dự án cũng phổ biến các kỹ thuật và biện pháp sản xuất sạch và carbon thấp tại các địa phương Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng

Hiện nay, dự án đã hoàn thành đánh giá cho 72 doanh nghiệp, đề xuất 880 giải pháp kỹ thuật sản xuất sạch hơn, giúp tiết kiệm hàng năm hơn 3 triệu đô la Mỹ  và thu hút đầu tư tư nhân trên 9 triệu đô la Mỹ cho việc thực hiện các giải pháp.

“Dự án góp phần đáng kể vào việc tăng cường năng lực của các nhà quản lý KCN trong việc thúc đẩy thực hành và phổ biến các kinh nghiệm sản xuất sạch”, ông Li nói. “Việc thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ giúp cải thiện tình hình sử dụng năng lượng giúp giảm thiểu tiêu thụ nguyên vật liệu, nước, giảm phát thải và quản lý tốt chất thải”.

Tại KCN Hòa Khánh, các đại biểu được giới thiệu những điển hình tốt về việc áp dụng kỹ thuật Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn  (RECP), Công nghệ sẵn có tốt nhất (BAT) nhằm kiểm soát khí thải, và Chuyển giao công nghệ môi trường tốt (TEST), cũng như tái sử dụng chất thải của doanh nghiệp bằng cách tiếp cận “cộng sinh” giữa các doanh nghiệp…

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Ông Jerome Stucki, Cán bộ phụ trách Phát triển Công nghiêp, UNIDO (Vienna), [email protected]

Bà Trần Thanh Phương, Quản lý Dự án Quốc gia, Dự án KCN sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – UNIDO (Việt Nam)

Theo khucongnghiepsinhthai.vn

Những con số ấn tượng từ dự án EIP

“Triển khai Sáng kiến Khu công nghiệp Sinh thái hướng tới mô hình Khu công nghiệp Bền vững tại Việt Nam” – EIP là dự án được hợp tác triển khai giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO).

Dự án có mục tiêu giới thiệu và triển khai hệ thống quản lý khu công nghiệp sinh thái nhằm giảm phát thải khí nhà kính (GHG), giảm tiêu thụ nước, ô nhiễm nước, các hợp chất ô nhiễm hữu cơ bền và các hoá chất khác đang là mối quan tâm toàn cầu, trình diễn những công nghệ và thực hành sạch, carbon thấp trong công nghiệp.

Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) với 20 năm kinh nghiệm đã được lựa chọn là nhà cung cấp dịch vụ tư vấn cho hợp phần Nâng cao năng lực và Đánh giá về Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP). Công việc gồm đào tạo và tư vấn cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã được lựa chọn là Khánh Phú (Ninh Bình), Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ), Hòa Khánh (Đà Nẵng) cách thức thực hiện RECP trong thực tiễn.

VNCPC

VNCPC đồng hành cùng dự án “Áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái”

Trong hai ngày 20 và 21/6 năm 2018, với sự tài trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trực thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới (WB), Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và Tổ chức Tư vấn Quốc tế Sofies (Thụy Sỹ) đã tổ chức hội thảo khởi động dự án “Áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái”, tại Khu Công nghệ cao Tp.HCM và Khu Công nghiệp Sonadezi Long Thành (Đồng Nai).

Mục đích của dự án là giúp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và Ban Quản lý (BQL) có những thông tin và xác định các bước triển khai nhằm hướng tới Khu Công nghiệp sinh thái theo Nghị định 82-CP ban hành ngày 22/5/2018 của Chính phủ về Quản lý khu Công nghiệp và khu Kinh tế.

Với sự tài trợ của IFC, dự án cũng sẽ hoàn thiện Hướng dẫn Quốc gia về Xây dựng Khu công nghiệp Sinh thái giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành một hướng dẫn chuẩn để các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng như các doanh nghiệp thực hiện.

Hội thảo khởi động dự án “Áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái” được tổ chức tại Tp.HCM ngày 20/6.

Tới dự buổi lễ khởi động tại Khu Công nghệ cao Tp.HCM có Trưởng Ban Quản lý PGS.TS Lê Hoài Quốc, đại diện các Phòng Ban cùng đại diện của 40 doanh nghiệp đang hoạt động và đầu tư tại đây.

Phát biểu tại lễ khởi động TS.Hoài Quốc cho biết định hướng của Tp.HCM đã được Thành Ủy thông qua là hướng tới xây dựng một thành phố thông minh (Smart City), xanh và phát triển bền vững. Trong đó, xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế thành mô hình các khu sinh thái là ưu tiên hàng đầu. Thời gian tới, BQL Khu Công nghệ cao Tp.HCM cam kết phối hợp chặt chẽ với dự án và cùng các doanh nghiệp triển khai, nhằm nhanh chóng chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái.

Tại Khu công nghiệp Sonadezi Long Thành, ông Phạm Anh Tuấn – Tổng Giám đốc cùng gần 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại đây đã tới tham dự. Trong bài phát biểu chào mừng, ông Tuấn cho biết: Sonadezi Long Thành là một trong những khu công nghiệp hình thành đầu tiên trong cả nước và đã từng có rất nhiều các chính sách được thử nghiệm thành công ở đây trước khi nhân rộng ra cả nước. Xây dựng Khu công nghiệp Sinh thái là hướng đi đúng đắn và phù hợp với định hướng của Tập đoàn Sonadezi cũng như Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, Công ty CP Sonadezi Long Thành và các công ty trong khu công nghiệp rất ủng hộ và mong muốn tham gia dự án này.

Sau khi nghe các chuyên gia giới thiệu về mục đích, các hoạt động và kết quả dự kiến đạt được, các doanh nghiệp đã chia nhóm thảo luận và đưa ra được rất nhiều các giải pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp thực hiện sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn (RE-CP) nhằm cắt giảm chi phí sản xuất và tham gia cộng sinh công nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp chia sẻ tài nguyên trong cùng một khu công nghiệp để Ban Quản lý cân nhắc đầu tư.

Các doanh nghiệp chia nhóm thảo luận và đưa ra được rất nhiều các giải pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp thực hiện sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn (RE-CP) nhằm cắt giảm chi phí sản xuất.

VNCPC với 20 năm kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực và tư vấn RECP trong các ngành công nghiệp đã được chọn là đối tác thực hiện dự án này.

Ông Lê Xuân Thịnh- Phó giám đốc VNCPC phát biểu tại hội thảo khởi động dự án “Áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái” tổ chức tại Tp.HCM.

Trong năm 2017, Hợp phần “Đào tạo năng lực và tư vấn triển khai sử dụng Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” thuộc dự án “Triển khai Sáng kiến Khu công nghiệp Sinh thái hướng tới mô hình Khu công nghiệp Bền vững tại Việt Nam” do VNCPC triển khai đã giúp các doanh nghiệp tham gia tiết kiệm 32,86 tỷ đồng (tương đương 1.448.215 USD) nhờ tiết giảm tiêu thụ nguyên vật liệu, nước, năng lượng và hóa chất phục vụ sản xuất.

VNCPC

Doanh nghiệp tiết giảm chi phí hiệu quả và bền vững hơn nhờ RECP

Trong sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí hiệu quả và bền vững là điều doanh nghiệp nào cũng muốn hướng tới. Đánh giá sản xuất sạch hơn (RECP) chính là cơ hội giúp doanh nghiệp tiếp cận với những cách làm hiệu quả hơn.

Mục đích của đánh giá RECP là giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp có thể tăng năng suất và giảm tiêu thụ tài nguyên, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Hợp phần thực hiện RECP trong doanh nghiệp là một bước đi ở cấp doanh nghiệp nhằm góp phẩn chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống hiện tại sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Hoạt động này bao gồm tư vấn và huấn luyện trực tiếp tại các doanh nghiệp được lựa chọn tại các khu công nghiệp để triển khai RECP trong thực tiễn.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) với 20 năm kinh nghiệm đã được lựa chọn là đơn vị tư vấn của dự án trong hợp phần này.

Tham gia dự án, một công ty chế biến thực phẩm với 100% vốn đầu tư nước ngoài đã nhận được rất nhiều lợi ích khi được các chuyên gia VNCPC tư vấn.

Chi phí xử lý nước thải giảm còn 1/2

Hiện công ty có nguyên liệu chính cho quá trình sản xuất là các loại thủy sản tươi sống hoặc đông lạnh như cua, tôm, cá mòi, cá nục,… Quy trình sản xuất của công ty tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và quy trình quản lý chất lượng quốc tế như HACCP, HALAL, IFS (Higher Level), GMP, ISO 22000, BRC.

Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát thực tế, các chuyên gia VNCPC đã phát hiện: các công đoạn rã đông, rửa và vệ sinh thiết bị, nhà xưởng phát sinh lượng lớn nước, với hàm lượng cao các chất hữu cơ (BOD, COD), Nito, Photpho cao.

Hệ thống xử lý nước thải của công ty lại gặp khó khăn trong vấn đề xử lý Photpho. Do vậy, hàng tháng chỉ tính riêng chi phí cho việc xử lý nước thải, công ty đã phải trả cho khu công nghiệp tới 700 triệu đồng.

Theo đề xuất của các chuyên gia VNCPC, để xử lý hàm lượng Photpho cao trong nước thải, công ty cần bổ sung công đoạn đông keo tụ sau quá trình xử lý sinh học.

Với cách làm này, ước tính chi phí đầu tư ban đầu vào khoảng 500 triệu đồng, cộng với chi phí hóa chất dự kiến mỗi tháng 200 triệu đồng. Sau đầu tư, mỗi tháng công ty chỉ phải trả khoảng 100 triệu đồng cho việc xử lý nước thải. Như vậy, chỉ sau 2 tháng khoản đầu tư đã có thể hoàn vốn.

Lắp đặt thiết bị làm nước lạnh: Chủ động và tiết giảm chi phí

Bên cạnh đó, trung bình mỗi ngày công ty đang phải mua khoảng 500-600 kg đá, với giá 750 đồng/kg. Đây chính là khoản lãng phí lớn, để tiết giảm chi phí này, công ty nên sử dụng một thiết bị làm lạnh riêng.

Khi đầu tư máy làm nước lạnh, công ty sẽ có các lợi ích như: chủ động được lượng nước lạnh, không phụ thuộc vào nhà cung cấp đá; giảm bớt được công đoạn nghiền đá trước khi sử dụng; tránh thất thoát nhiệt khi trộn đá – nước; giảm thất thoát đá và nước trong quá trình sử dụng.

Quá trình vận hành máy làm nước lạnh sẽ tiêu thụ điện, nhưng chi phí này sẽ nhỏ hơn so với chi phí mua đá từ bên ngoài và chi phí nghiền đá. Quá trình vận hành sẽ tiết kiệm được lượng nhiệt, đá và nước thất thoát. Thời hạn hoàn vốn khoảng 2-3 năm. Song giải pháp này sẽ giảm lượng đá, nước sử dụng và giảm lượng nước thải.

Tiết kiệm khoảng 360 triệu đồng tiền điện/năm

Các chuyên gia VNCPC cũng đã chỉ ra các lãng phí điển hình của doanh nghiệp về điện năng như: Điện áp cao gây ra tổn thất năng lượng, đồng thời làm quá tải điện áp toàn hệ thống, khiến các thiết bị điện bị giảm tuổi thọ vì quá nóng. Tổn thất này ước tính  khoảng 0,5% tổng thiêu thụ điện của nhà máy, tương đương gần 15.000 kWh/năm.

Rò rỉ điện trên đường dây truyền tải từ máy biến áp về tủ điện tổng của nhà máy cũng vào khoảng 14.850 kWh/năm.

Chưa kể tới các tổn thất điện tại kho lạnh do: cửa tò vò không đóng kín; kho lạnh có nhiều tuyết và dàn lạnh đóng băng do việc đóng mở thường xuyên. Hàng năm, tổn thất điện có thể lên tới trên 26.000 kWh…

Tiếp thu ý kiến tư vấn của các chuyên gia về tiết kiệm năng lượng, công ty đã tiết kiệm được 10% điện năng tiêu thụ, tương đương tiết kiệm 360 triệu đồng/năm (tương đương giảm 209,2 tấn CO2 phát thải).

Trên thực tế, các giải pháp RECP đều có tính khả thi cao với chi phí đầu tư phù hợp. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã sớm triển khai áp dụng và đã thu được những kết quả rất đáng kích lệ.

VNCPC

RECP: Giúp doanh nghiệp tiết giảm gần 2 triệu kWh điện/năm

Đó là con số ấn tượng mà một doanh nghiệp thủy sản (Cần Thơ) đã tiết giảm được khi tham gia dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Cụ thể, khi tham gia dự án, thông qua quá trình đánh giá sử dụng hiệu quả tài nguyên (RECP) cùng với sự tư vấn của các chuyên gia về sản xuất sạch hơn của Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), doanh nghiệp đã tiết kiệm được 21% điện năng tiêu thụ (khoảng 2 triệu kWh/năm), tương đương giảm 1.608 tấn CO2.

Mục đích của đánh giá RECP là giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp có thể tăng năng suất, giảm tiêu thụ tài nguyên cũng như ô nhiễm môi trường.

Hiện sản phẩm chính của công ty là cá tra phi lê. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu. Năng lực sản xuất của công ty là 53.000 tấn/năm.

Mục đích của đánh giá RECP là giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp có thể tăng năng suất, giảm tiêu thụ tài nguyên cũng như ô nhiễm môi trường.

Qua quá trình khảo sát thực tế, đo đạc tại trạm biến áp, nhóm RECP của công ty và VNCPC đã phát hiện ra một số tổn thất điện năng quan trọng được ghi nhận như sau: Dàn ngưng và tháp giải nhiệt có rêu cặn đóng bám lâu ngày; có khí không ngưng trong hệ thống lạnh; hệ số công suất thấp và quá tải trên đường dây trục từ máy biến áp đến phòng máy; mô-ve đầu cốt tại nhiều vị trí trong các tủ điện với nhiệt độ đầu cốt lên tới 60-70oC, đặc biệt, có tủ điện nhiệt độ lên tới 100-103oC.

Trong thời gian công suất giảm, một số khu vực chế biến trong phân xưởng sản xuất đèn chiếu sáng vẫn được bật gây lãng phí điện; cửa phòng chế biến không được đóng kín, không chỉ gây nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn làm mất mát nhiệt lạnh.

Nhiệt độ của nguyên liệu cá tại đầu vào thiết bị IQF khá cao (16oC), trong khi nhiệt độ nguyên liệu tối ưu là 8-12oC, gây tiêu tốn năng lượng của máy nén lạnh. Ngoài ra, tình trạng dây curoa của máy nén pít tông bị chùng cũng là nguyên nhân  gây tổn hao năng lượng.

Một số lãng phí khác cũng đã được các chuyên gia chỉ ra đó là: Đá vẩy còn rơi vãi gây lãng phí năng lượng và nước.

Ống nước rửa tay có đường kính khá to so với nhu cầu (27 mm) gây tiêu tốn nước. Trong khi với nhu cầu này thì lưu lượng khuyến cáo thường ở mức 7-10 lít/phút là đạt hiệu quả sử dụng.

Với tinh thần nghiêm túc và cầu thị, đội RECP của công ty đã sớm triển khai các giải pháp chuyên gia VNCPC đưa ra và kết quả mà doanh nghiệp nhận lại được đã được thể hiện rất rõ qua các con số.

Tuy vậy, để duy trì lâu dài tác động của chương trình RECP, các chuyên gia vẫn khuyến cáo công ty cần có kế hoạch thực hiện các hoạt động như: đào tạo để nâng cao nhận thức của công nhân về chương trình sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; hướng dẫn và giám sát để công nhân vận hành đúng các quy trình đã lập ra, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm nguyên vật liệu, điện, nước,… trong quá trình sản xuất; đánh giá và quan trắc liên tục việc thực hiện các giải pháp và kết quả của chương trình RECP.

VNCPC