VNCPC đào tạo về cộng sinh công nghiệp tại Cần Thơ, Ninh Bình và Đà Nẵng

Từ ngày 23-26/4/2019, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) kết hợp với Tổ chức Sofies (Thụy Sỹ) đã tổ chức các khóa đào tạo về cộng sinh công nghiệp tại 3 tỉnh là Cần Thơ, Ninh Bình và Đà Nẵng.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng đến mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.

Học viên mà các khóa đào tạo hướng tới là đại diện các doanh nghiệp trong KCN, các Ban quản lý KCN và các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN thuộc 03 địa phương đã được lựa chọn để triển khai dự án gồm: Ninh Bình, Đã Nẵng, Cần Thơ, cùng các Bộ/ngành liên quan.

Học viên được trao giấy chứng nhận khi tham gia khóa đào tạo.

Theo đó, các học viên đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế: Cung cấp các khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp;

Cung cấp các công cụ thiết thực để hỗ trợ thực hiện cộng sinh công nghiệp: trường hợp kinh doanh điển hình, cơ chế tài chính, ký kết hợp đồng, huy động sự tham gia của các bên trong thực hiện cộng sinh công nghiệp;

Đưa ra các khuyến nghị để giải quyết các nhu cầu xây dựng các liên kết cộng sinh trên thực tế tại KCN thuộc dự án.

Các khóa học đã nhận được sự đánh giá cao từ các học viên tham gia và nhà tài trợ.

VNCPC

Nhiều cơ hội cộng sinh công nghiệp đã được VNCPC nhận diện và triển khai tại Đà Nẵng

Tại buổi hội thảo được tổ chức ở Đà Nẵng vào trung tuần tháng 4 vừa qua, đại diện Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã trình bày 6 giải pháp cộng sinh công nghiệp được lựa chọn để thực hiện tại Đà Nẵng, nhằm chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) tại địa phương này thành KCN bền vững ở Việt Nam.

Hội thảo là hoạt động trong dự án “Triển khai sáng kiến ​​KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện, với vốn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).

Các giải pháp cộng sinh công nghiệp do VNCPC nghiên cứu và trình bày đã nhận được sự đánh giá cao của các bên liên quan.

Theo ông Đinh Mạnh Thắng – chuyên gia tư vấn của VNCPC, qua các buổi thảo luận và khảo sát chuyên sâu tại 57 doanh nghiệp ở Đà Nẵng, 22 cơ hội cộng sinh công nghiệp đã được xác định. Trong đó có 6 giải pháp được lựa chọn sau khi phân tích tất cả các điều kiện cần thiết với tất cả các bên liên quan, bao gồm:

  • Thu hồi biogas tại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam – Đà Nẵng để sử dụng làm nhiên liệu cho nồi hơi của Công ty Năng lượng xanh;
  • Lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của Nhà máy Giấy bao bì Tân Long;
  • Công ty Năng lượng xanh cung cấp nhân lực vận hành nồi hơi chuyên nghiệp cho Nhà máy Giấy bao bì Tân Long;
  • Sử dụng tro thải làm gạch không nung tại KCN Hòa Khánh;
  • Thu gom, phân loại giấy và bìa thải để làm nguyên liệu đầu vào cho các công ty sản xuất giấy Kraft; và
  • Sử dụng gỗ phế liệu từ Công ty TNHH Lâm Sản Việt Lang làm nhiên liệu cho nồi hơi của Công ty Năng lượng xanh

Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp liên quan cùng với đại diện của Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng; Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng; các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước đến từ VNCPC và Tổ chức Sofies (Thụy Sĩ) cùng Ban quản lý dự án đã thảo luận về những lợi thế và rào cản khi thực hiện các giải pháp này.

Chuyên gia tư vấn quốc tế Luc Jaquet chia sẻ về các mô hình cộng sinh đã được thực hiện thành công ở các quốc gia như Đan Mạch, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chuyên gia tư vấn quốc tế Luc Jaquet – thuộc Tổ chức Sofies đã chia sẻ về các mô hình cộng sinh đã được thực hiện thành công ở các quốc gia như Đan Mạch, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông cũng nêu rõ những thách thức và rào cản khi triển khai đó là: các công ty không sẵn sàng đầu tư tài chính để mua và áp dụng các công nghệ tiên tiến hay vấn đề bảo mật trong kinh doanh, rào cản pháp lý…

Tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt là nguồn tài chính chưa sẵn có để đầu tư vào các công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực; cùng cơ chế hợp tác giữa các công ty liên quan đến việc thực hiện cộng sinh công nghiệp, thêm vào đó là những rào cản pháp lý trong các quy định về tái sử dụng chất thải và nước thải đã được xử lý.

Ông Lê Hoàng Đức – Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng khẳng định chính quyền thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Ông Lê Hoàng Đức – Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng khẳng định chính quyền thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ hoạt động cộng sinh công nghiệp vì lợi ích đem lại không chỉ cho bản thân các doanh nghiệp mà cho cả môi trường trong các khu công nghiệp trong thành phố.

VNCPC

VNCPC tham gia hội thảo giới thiệu tài liệu hướng dẫn về khu công nghiệp sinh thái

Ngày 21/12, tại Tp.HCM, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) đã phối hợp tổ chức Hội thảo giới thiệu tài liệu hướng dẫn kỹ thuật: Thực hiện khu công nghiệp sinh thái.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 40 đại biểu đến từ các khu công nghiệp và các đơn vị có liên quan. Đặc biệt là sự có mặt và phát biểu tại lễ khai mạc của ông Navneet Chadha, trưởng bộ phận Hiệu quả Tài nguyên khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IFC, bà Vương Minh Hiếu –  Đại diện vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Bà Vương Minh Hiếu –  Đại diện vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 

Khu công nghiệp sinh thái: Xu hướng tất yếu

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có 326 khu công nghiệp (KCN), các khu công nghiệp có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng xuất khẩu, đóng góp vào GDP và tạo việc làm.

Song các khu công nghiệp cũng tiêu thụ tài nguyên và phát sinh nhiều chất thải, gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường và cộng đồng. Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) ngày càng được công nhận là một công cụ hiệu quả để giúp khu công nghiệp phát triển một cách bền vững.

Bà Vũ Tường Anh – Đại diện Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC)

Về bản chất, KCNST là KCN trong đó cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng có tương tác với nhau về sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo ra mạng lưới cộng sinh công nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải để tăng hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội cho cả cộng đồng.

Ba yếu tố cơ bản của KCNST bao gồm: quản lý môi trường; hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn ở mỗi doanh nghiệp trong KCN và các mạng lưới cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp cùng hạ tầng xanh của KCN. Mô hình KCNST hiện đã được thực hiện thành công ở nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc và nhiều nước châu Âu.

Cộng sinh công nghiệp trong KCNST “chìa khóa” của phát triển bền vững

Mới đây, Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành 22/5/2018 về Quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế có nêu rõ mục tiêu phát triển khu công nghiệp sinh thái, chính sách khuyến khích phát triển KCNST và các tiêu chí xác định KCNST ở Việt Nam. Việc thực hiện các KCN theo hướng KCNST sẽ góp phần thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam.

IFC đã hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về KCNST nhằm đưa ra các tiêu chí và các bước chuyển đổi cần thiết cho các KCN hiện nay của Việt Nam thành KCNST.

Ông Lê Xuân Thịnh- Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) trình bày tại hội thảo.

Hướng dẫn kỹ thuật này cũng chỉ ra các cơ hội, giải pháp sinh thái cho các KCN ở Việt Nam. Các cơ hội về cộng sinh trao đổi chất thải, tuần hoàn tái chế là giải pháp hiệu quả về mặt môi trường, đồng thời tạo ra các cơ hội kinh doanh mới.

Cụ thể, một KCN tái chế nước thải để sử dụng cho sản xuất có thể giảm được tới 40% lượng nước thải của KCN đó thải vào môi trường, cũng như giảm chi phí nước sạch đầu vào.

Tương tự, cơ hội tận thu nhiệt thải để sản xuất nước nóng và hơi cấp cho các nhà máy trong KCN có tiềm năng giảm sử dụng 20-40% nhiên liệu đốt của một doanh nghiệp trong KCN. Giải pháp cộng sinh công nghiệp trong KCNST cũng là một trong những công cụ thực hành “tuần hoàn kinh tế” để phát triển bền vững.

VNCPC

VNCPC tổ chức hội thảo “Lộ trình thực hiện hướng tới khu công nghiệp sinh thái và các cơ chế tài chính hỗ trợ”

Trong hai ngày 18-19/12/2018, với sự tài trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trực thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới (WB), Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) và Tổ chức Tư vấn Quốc tế Sofies (Thụy Sỹ) đã tổ chức hội thảo “Lộ trình thực hiện hướng tới khu công nghiệp sinh thái và các cơ chế tài chính hỗ trợ” trong khuôn khổ của dự án “Áp dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái”, tại Khu Công nghệ cao Tp.HCM (SHTP) và Khu Công nghiệp Sonadezi Long Thành (Đồng Nai).

Bà Vũ Tường Anh, Quản lý dự án của IFC phát biểu tại buổi hội thảo.

Mục đích của dự án là giúp các doanh nghiệp trong KCN và Ban Quản lý/Công ty đầu tư Hạ tầng KCN có những thông tin và xác định các bước triển khai nhằm hướng tới chuyển đổi theo mô hình Khu Công nghiệp Sinh thái (KCNST) theo Nghị định 82-CP ban hành ngày 22/5/2018 của Chính phủ. Bên cạnh đó, dự án cũng góp phần hoàn thiện Hướng dẫn Quốc gia về Thực hiện KCNST trong tiến trình để Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng như các doanh nghiệp liên quan.

Chuyên gia tài chính bà Lê Thu Hoa đang giải đáp các thắc mắc về cơ chế tài chính cho dự án.

Tới dự các hội thảo có sự tham gia của đại diện Ban Quản lý SHTP, Công ty đầu tư Hạ tầng KCN Sonadezi Long Thành, đại diện của các công ty đang hoạt động trong 2 khu công nghiệp. Tại hội thảo, nhóm chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp về cộng sinh công nghiệp mang tính khả thi cao cho mỗi khu. Đồng thời trình bày những phân tích sơ bộ về các phương án tài chính để hiện thực hóa các giải pháp. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đưa ra các ý kiến bổ sung cho các vấn đề có thể vướng mắc về tài chính, kỹ thuật và đề xuất những phương án thực hiện giải pháp. Bên cạnh đó, một số ý tưởng về cơ hội KCNST mới cũng đã được đại biểu cũng đề xuất để tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.

Tại khu công nghệ cao Tp.HCM có 2 giải pháp nhận được sự quan tâm đặc biệt và có tiềm năng cao trong việc thực hiện gồm: “Hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà” và “Tái chế nước thải để tái sử dụng nước thải cho tưới cây”.

Các đại biểu tham gia thảo luận nhóm tại Khu công nghệ cao Tp.HCM.

Tại khu công nghiệp Sonadeizi Long Thành, các phương án được tập trung thảo luận bao gồm “Hệ thống cấp hơi/nhiệt tập trung” và “Tái chế nước thải làm nước cấp cho sản xuất”. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng thể hiện sự quan tâm đến một số giải pháp khác như: “Xây dựng lò đốt điện – rác tập trung cho KCN”, “Xây dựng khu nhà ở tập trung cho công nhân tại KCN”, “Thu hồi nước mưa để tưới cây”…

Các đại biểu tham gia thảo luận nhóm tại Khu công nghiệp Sonadeizi Long Thành.

Qua hội thảo, sự quan tâm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các giải pháp cộng sinh công nghiệp, hướng tới việc triển khai thực hiện Khu công nghiệp Sinh Thái tại Việt Nam được thể hiện rõ, đó là tiền đề để các giải pháp được thực hiện mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân các KCN và các doanh nghiệp hoạt động tại đây, cũng như cho cộng đồng xung quanh.

Bà Nguyễn Lê Hằng – Phó giám đốc VNCPC phát biểu tại hội thảo.

VNCPC với 20 năm kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực và tư vấn RECP trong các ngành công nghiệp đã được IFC tin tưởng lựa chọn là đối tác thực hiện dự án này.

VNCPC

VNCPC tham gia phiên họp khởi động Hợp phần cung cấp dịch vụ và kỹ thuật cho công nghệ tái chế nhựa thí điểm tại 2 làng nghề

Ngày 6/11/2018, tại Tổng Cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Ban Quản lý dự án đã tổ chức cuộc họp khởi động Hợp phần cung cấp dịch vụ và kỹ thuật cho công nghệ tái chế nhựa thí điểm tại 2 làng nghề, ở Hưng Yên. Buổi họp nhằm thống nhất các nội dung, kế hoạch thực hiện và các hoạt động điều phối, quản lý các sản phẩm của gói thầu.

Đây là gói thầu thuộc Hợp phần 3 của Dự án “Trình diễn áp dụng Phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và Kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP)”, được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, ủy thác thông qua Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO).

Dự án là hành động thiết thực nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Trên thế giới, hiện có 5 quốc gia gồm Campuchia, Lào, Mông Cổ, Philippines và Việt Nam được UNIDO lựa chọn là nơi triển khai thực hiện.

Dự án là hành động thiết thực nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.

Gói thầu này do liên danh gồm Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC, đơn vị chủ trì) cùng các đối tác là Công ty TNHH Vinacolour, Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Việt Trung thực hiện tại 2 làng nghề tái chế nhựa Minh Khai và Phan Bôi (Hưng Yên), trong thời gian 2 năm (2018 – 2020).

Mục đích của gói thầu là khảo sát, nghiên cứu khả thi, xác định và áp dụng thử nghiệm giải pháp BAT/BEP nhằm cải tiến quy trình sản xuất, giảm lượng chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất đồng thời giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phát sinh không chủ định (UPOP) do các hoạt động đốt chất thải nhựa.

Các hoạt động chính của Dự án gồm:

  • Khảo sát, đánh giá xác định hiện trạng công nghệ tái chế nhựa tại 2 làng nghề
  • Đề xuất các giải pháp BAT/BEP
  • Tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các hộ gia đình
  • Lắp đặt, thử nghiệm hai dây chuyền công nghệ mới tại hai làng nghề
  • Lắp đặt và chạy thử nghiệm dây chuyền tái chế nhựa thải tạo ra sản phẩm có ích như gạch, ngói nhựa, hàng rào nhựa, khay, máng nhựa,…
  • Đo đạc, phân tích hiệu quả kinh tế và môi trường trước và sau khi thực hiện dự án.

VNCPC

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam làm việc với VNCPC cùng các đối tác của dự án Low carbon

Ngày 7/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), bà Beatrice Maser Mallor – Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã có buổi làm việc với các đối tác thực hiện dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất các bon thấp” (Low carbon).

Dự án do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ thông qua Tổ chức UNIDO, với mục tiêu chung là cải thiện môi trường địa phương, giảm phát thải khí nhà kính và mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Tổ chức SOFIES (Thụy Sỹ), Công ty Cơ khí Viết Hiền là những đối tác đã làm nên thành công của dự án.

Đại diện Công ty Cơ khí Viết Hiền giới thiệu về kết quả của dự án với bà Beatrice Maser Mallor – Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thực hiện dự án đã báo cáo tình hình thực hiện dự án cũng như các kết quả mà dự án đã đạt được, đặc biệt là kết quả chuyển giao thành công công nghệ nhiệt phân từ Thụy Sỹ cho Công ty Cơ khí Viết Hiền.

Hiện tại, công nghệ đã được sản xuất thành công ở quy mô công nghiệp và đã có những đơn hàng xuất khẩu hệ thống nhiệt phân đầu tiên sang các nước bạn như Brazil, Campuchia, Serbia.

Bà Đại sứ đánh giá rất cao các kết quả mà dự án đã đạt được, đặc biệt là hiệu quả mang lại của công nghệ nhiệt phân được ứng dụng trong ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam.

Bà Đại sứ đánh giá rất cao các kết quả mà dự án đã đạt được, đặc biệt là hiệu quả mang lại của công nghệ nhiệt phân được ứng dụng trong ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam.

Trong buổi trao đổi, bà Beatrice Maser Mallor khẳng định: Việt Nam là một trong những nước ưu tiên trong chương trình hợp tác kinh tế của Chính phủ Thụy Sỹ và sẽ tiếp tục nhận được những chương trình hỗ trợ trong việc tăng cường bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Lê Viết Vinh – Phó Giám đốc Công ty Cơ khí Viết Hiền cho biết, công nghệ nhiệt phân sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, vỏ trấu, dăm gỗ… ở nhiệt độ cao trong điều kiện không có oxy sẽ sinh ra hỗn hợp khí gas trong buồng phản ứng. Hỗn hợp khí này tiếp tục được đưa vào buống đốt để đốt ở nhiệt độ cao hơn 1000 độ C để tạo ra nguồn nhiệt sạch và ổn định cho quá trình sấy quả cà phê. Sở dĩ công nghệ nhiệt phân có thể thay thế cho công nghệ đốt lạc hậu, thải nhiều khói bụi và khí thải độc hại ra môi trường là do quá trình đốt nhiệt phân không tạo khói và mùi ra môi trường xung quanh.

Bên cạnh đó, công nghệ này còn giải quyết được một vấn đề đã tồn lại lâu nay đó là mâu thuẫn giữa việc sử dụng vỏ cà phê cho mục đích sấy quả tươi hoặc cho mục đích làm phân bón cải tạo đất. Công nghệ nhiệt phân được chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ, với việc sử dụng vỏ cà phê làm nhiên liệu tạo ra nguồn nhiệt ổn định để sấy quả cà phê. Không chỉ có vậy, quá trình nhiệt phân còn sinh ra một sản phẩm là than sinh học (biochar) được sử dụng như một loại phân bón để cải tạo đất.

Theo đó, than sinh học giúp cải thiện độ tơi xốp của đất với khả năng giữ nước rất cao, chống thất thoát, bay hơi nước hay ngấm vào tầng sâu sau khi tưới, chống xói mòn đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn có lợi sống trong đất, thu hút và giữ nguồn dinh dưỡng để bón cho cây trồng…

Nhân dịp đến Đắk Lắk, bà Đại sứ đã tới tham quan mô hình Hệ thống nhiệt phân được lắp đặt tại Hợp tác xã Bình Minh huyện Cư M’gar. Từ năm 2016, các thành viên của hợp tác xã đã sử dụng công nghệ nhiệt phân để chủ động quá trình sấy, giúp tránh được ảnh hưởng của thời tiết mưa kéo dài trong suốt thời gian thu hoạch cà phê, từ đó mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng cà phê và bảo vệ môi trường.

Theo đại diện của VNCPC – đơn vị thực hiện dự án, trải qua hơn 4 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ thực hiện đánh giá Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho 16 nhà máy chế biến gạo và 10 công ty chế biến cà phê, giúp tiết kiệm 1,08 triệu kWh/năm, tương đương hơn 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.

VNCPC